Khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới - (Kỳ 4)

05:10, 27/10/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Từ bài học thực tiễn về công tác cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp đợt 1 của tỉnh và kinh nghiệm của hội nghị tổng kết toàn miền Bắc được tổ chức tại Nam Định, ngày 6- 8-1963, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bàn công tác cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp đợt 2; quyết định phải tập trung sức chỉ đạo để cho đợt này đạt kết quả tốt hơn. Mục tiêu phấn đấu của cải tiến quản lý và phải tập trung bàn bạc thật dân chủ, xác định được hướng đi lên của hợp tác xã một cách đúng đắn, tạo nên một thế mới về kinh tế, sự chuyển biến có ý nghĩa cách mạng trong hợp tác xã, thực hiện cho được một lao động phải làm từ 180 đến 200 công trong năm, với giá trị ngày công là 1,6 đồng, tạo ra cơ sở chắc chắn để cải thiện dần đời sống của xã viên, tăng thêm tích luỹ cho Nhà nước.

    Các hợp tác xã nông nghiệp phát triển trồng trọt, chăn nuôi phải cân đối, chú ý ba nhiệm vụ sản xuất chính (trồng cây lương thực, chăn nuôi và trồng cây công nghiệp). Trong sản xuất lương thực phải: tăng nhanh sản lượng màu, đồng thời đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất lúa. Trong chăn nuôi phải chú trọng chăn nuôi trâu bò sinh sản để khắc phục khó khăn về sức kéo, tăng nhanh đàn lợn (kể cả gia đình và hợp tác xã). Khuyến khích phát triển chăn nuôi các loại gia cầm khác. Đối với cây công nghiệp, cần chỉ đạo một cách chặt chẽ, nhất là cây cói, lạc và dâu tằm. Những nơi bình quân ruộng đất thấp, tích cực vận động nhân dân đi xây dựng kinh tế miền núi. Đi đôi với việc xác định phương hướng sản xuất, các hợp tác xã cần chú trọng các khâu nước, phân, giống và cải tạo đất, cải tiến công cụ.

    Do yêu cầu của công tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp, phải đẩy mạnh việc củng cố chi bộ, tổ Đảng, phát triển đảng viên, coi trọng việc chấn chỉnh đội ngũ cán bộ chủ chốt của hợp tác xã. Tăng cường việc phê bình, tự phê bình và đấu tranh tư tưởng nhằm giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích chung của hợp tác xã với lợi ích riêng của gia đình xã viên. Đặc biệt chú trọng kiểm tra việc chấp hành các chính sách phân phối theo lao động, làm nghĩa vụ và bán nông sản hàng hoá cho Nhà nước, việc tham gia quản lý thị trường và để lại 5% ruộng đất cho gia đình xã viên.

    Nội dung công tác cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp đợt 2 bao gồm bảy việc (xác định phương hướng sản xuất và lập kế hoạch sản xuất của hợp tác xã; kiểm tra đôn đốc thực hiện một số chính sách trong hợp tác xã; cải tiến quản lý lao động, ổn định đội sản xuất; cải tiến kỹ thuật và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của hợp tác xã; kiện toàn ban quản trị, ban kiểm soát, các ban chỉ huy đội và các cán bộ giúp việc; thực hiện đầy đủ vấn đề dân chủ trong công tác quản lý hợp tác xã; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ cơ sở đối với hợp tác xã và đôi với sản xuất nông nghiệp).

    Toàn bộ đợt vận động được chia làm ba bước (không kể bước chuẩn bị), thời gian là hai tháng. Kế hoạch tiến hành cụ thể từng bước được phân chia như sau:

    Bước chuẩn bị: Từ ngày 25-7 đến ngày 5-9-1963, hoàn thành điều tra cơ bản các hợp tác xã xác định cải tiến đợt 2, làm báo cáo tổng kết của hợp tác xã, đào tạo cán bộ.

    Bưóc 1: Thời gian từ ngày 5-9 đến ngày 30-9-1963. Bước này chủ yếu làm trong cán bộ đảng viên. Yêu cầu chủ yếu của bước này là làm cho cán bộ, đảng viên nắm vững tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, thấy rõ sự cần thiết phải tiến hành cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, thống nhất nhận định tình hình, đánh giá chỗ mạnh, chỗ yếu của hợp tác xã, bố trí cán bộ tăng cường cho hợp tác xã, phân công lãnh đạo công tác bước 2.

    Bước 2: Thời gian từ ngày 5-10 đến ngày 30-10-1963. Đây là bước học tập, phát động trong xã viên, nhằm tạo nên sự nhất trí từ trong Đảng ra đến toàn thể xã viên.

    Bước 3: Thời gian từ ngày 1-11 đến ngày 7-11-1963. Yêu cầu của bước này là tổ chức Đại hội xã viên, chính thức thông qua kết luận về tình hình hợp tác xã và thông qua những chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Phát động tư tưởng quần chúng, bắt tay vào làm những việc đã bàn. Biến những điểm đã bàn dần dần trở thành hiện thực.

    Cuối năm 1963, Tỉnh uỷ Nam Định tổ chức hội nghị tổng kết công tác cải tiến quản lý hợp tác xã đợt 2 được tiến hành ở 170 hợp tác xã trong 154 xã (12% tổng số hợp tác xã trong toàn tỉnh), gồm 103 hợp tác xã bậc cao, 67 hợp tác xã bậc thấp (17 hợp tác xã công giáo toàn tòng và 44 hợp tác xã vừa lương vừa giáo). Trước khi cải tiến quản lý có 60 hợp tác xã thuộc loại khá, 102 hợp tác xã trung bình, 8 hợp tác xã loại kém. Trong tổng số 897 đội sản xuất có 80 đội chưa có đảng viên. Tỉnh uỷ đã kiểm điểm theo ba yêu cầu lớn của cuộc vận động.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com