Chống khủng bố, khôi phục phong trào (1939-1945)

08:11, 08/11/2012

Ngày 1-9-1939 chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Không chỉ có Pháp mà xứ Đông Dương thuộc Pháp cũng bị lôi kéo vào chiến tranh. Bước vào cuộc chiến thực dân Pháp chủ trương phát xít hoá bộ máy cai trị, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở chính quốc và các nước thuộc địa. Thành phố Nam Định là nơi đóng quân của trung đoàn pháo thủ Bắc Kỳ thứ tư (4 RTT) với lực lượng 500 tên và một đại đội lính khố xanh. Hai đồn Lạc Quần và Tam Toà án ngữ cả một vùng nông thôn duyên hải. Ngoài số mật thám lành nghề, Sở mật thám Nam Định còn có mạng lưới chỉ điểm tới 165 tên, đó là lực lượng sẵn sàng đàn áp phong trào cách mạng.

Cùng với việc vơ vét, lạc quyên, lùng bắt trai tráng thanh niên vào lính phục vụ chiến tranh, thực dân Pháp thẳng tay triệt phá phong trào cách mạng, tấn công vào Đảng Cộng sản. Tại Nam Định, tháng  9 năm 1939 địch đã tiến hành 122 vụ khám xét, bắt 46 đảng viên và quần chúng cách mạng hoạt động công khai trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Mọi quyền dân chủ tối thiểu nhất đều bị thủ tiêu.

Tỉnh uỷ Nam Định đã nhận rõ sự thay đổi đột biến của tình hình và đã có phương án đối phó. Tổ chức Đảng đã  chú ý xây dựng cơ sở bí mật, thuyên chuyển cán bộ nhưng do bộ phận hoạt động công khai còn lúng túng, chưa kịp thời rút vào bí mật nên đã bị tổn thất nặng nề ngay trong đợt khủng bố đầu tiên.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11-1939) về việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương, tỉnh uỷ Nam Định đã quyết định 3 nhiệm vụ trước mắt là: Củng cố các cơ sở Đảng, tiếp tục duy trì phát triển các tổ chức quần chúng; Tuyên truyền, giáo dục nhiệm vụ mới cho toàn Đảng nâng cao tinh thần quyết tâm chống đế quốc, giải phóng dân tộc; Lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực.

Cơ sở in báo
Cơ sở in báo "Dân cày" ở giong xóm 7 - làng Hành Thiện.

Được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, phong trào cách mạng sau khủng bố đã có chuyển biến  mới. Trên 20 đảng viên hoạt động bí mật đã được chắp mối liên lạc và sinh hoạt ở 7 chi bộ cơ sở. Các tổ chức quần chúng biến tướng dưới hình thức hội tương tế, hội hiếu hỷ, hội âm nhạc vẫn được duy trì, mở rộng và đi vào hoạt động bí mật. Tổ chức quần chúng trong trại lính khố đỏ được xây dựng dưới hình thức nhóm chơi họ, nhóm đọc báo. Trong điều kiện hoạt động mới vô cùng khó khăn để tạo chỗ dựa vững chắc cho phong trào quần chúng, đầu năm 1940, Đảng bộ đã thành lập Đoàn thanh niên phản đế gồm 15 người chọn từ đoàn thanh niên dân chủ chuyển sang. Trên cơ sở củng cố tổ chức, xây dựng phong trào, Đảng bộ đã tổ chức các hoạt động phù hợp như treo cờ Đảng, phát tán truyền đơn ở những nơi quan trọng như Thành phố Nam Định, đồn binh Lạc Quần, đồn Đoan Ngô Đồng, Phủ lỵ Xuân Trường,... kêu gọi đấu tranh chống tăng giờ làm, chống bắt phu, bắt lính, sung công tài sản,...

Sau các đợt khủng bố, Đảng phải rút vào hoạt động bí mật, một số đảng viên, quần chúng có phần dao động. Trước tình hình đó đảng bộ tăng cường các biện pháp giáo dục như giáo dục thời sự, in và phát hành báo Tiến lên, tổ chức các lớp huấn luyện ngắn ngày về tình hình, nhiệm vụ và kinh nghiệm hoạt động bí mật cho cán bộ, đảng viên.

Cùng thời gian đó thực dân Pháp lại tiếp tục khủng bố dữ dội. Chiều 21-4-1940 đúng lúc một số báo chí cách mạng vừa được chuyển đến cơ quan tỉnh uỷ thì mật thám ập vào bắt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh (có cả bí thư tỉnh uỷ) cùng toàn bộ tài liệu chưa kịp thủ tiêu. Sáng hôm sau địch kéo về vây bắt cơ quan in báo Tiến lên của xứ uỷ tại Thọ Vực (Xuân Trường), bắt được máy chữ, phương tiện in và nhiều tài liệu. Ngô Duy Phớn, bí thư Liên tỉnh uỷ C cũng bị bắt tại đây. Suốt những tháng cuối năm 1940 các vụ bắt bớ, vây ráp diễn ra liên miên ở Nam Định. Phong trào cách mạng Nam Định bị tổn thất nặng nề, trên 80 người bị bắt trong đó 14 đảng viên, quần chúng cách mạng đã bị đưa ra toà án Nam xét xử với mức án từ 5 năm đến khổ sai chung thân. Sau khi Pháp đầu hàng phát xít Đức chúng lại bắt thêm 10 đảng viên đưa đi án trí. Lúc này, toàn bộ Ban lãnh đạo Tỉnh uỷ, hầu hết cán bộ, đảng viên đều bị bắt. Toàn tỉnh chỉ còn lại chi bộ Hà Cát và một số quần chúng, cán bộ ở Thành phố Nam Định, Xuân Trường. Các tổ chức quần chúng không còn cán bộ tổ chức, hướng dẫn cũng dần tan vỡ.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com