Cuộc đấu tranh của gần 4000 công nhân nhà máy sợi Nam Định (1930)

08:10, 30/10/2012

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành cuộc tư sản dân quyền cách mạng nhằm giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định trở thành một Đảng bộ thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam (đến tháng 10/1930 đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương). Sự kiện Đảng ra đời là bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, tạo nên chuyển biến lớn cho phong trào cách mạng Nam Định.

Do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai liên tiếp, đời sống của nhân dân vô cùng điêu đứng. Riêng trận bão tháng 6 năm Tân Tỵ (30-7-1929) đã làm đổ gần 8 vạn ngôi nhà và mất khoảng 10 vạn mẫu lúa. Cùng với hạn hán, mất mùa, ở Nam Định hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, công nhân, viên chức mất việc khiến mọi tầng lớp nhân dân lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và quán triệt chủ trương, đường lối của Trung ương, Tỉnh uỷ Nam Định đề ra những nhiệm vụ cụ thể, nhằm xây dựng và phát triển mạnh mẽ các tổ chức quần chúng trong công nhân, củng cố Đảng bộ, phát động một làn sóng đấu tranh mới. Đầu tiên là cuộc đấu tranh của nữ công nhân nhà máy chiếu ngày 15-3-1930. Không khí của cuộc bãi công chưa lắng thì 10 ngày sau, cũng tại thành phố Nam Định đã nổ ra cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân nhà máy sợi với mức độ quyết liệt và quy mô lớn chưa từng có. Cuộc tổng bãi công nổ ra trong không khí sôi sục chuẩn bị các hoạt động mạnh nhằm kỷ niệm ngày quốc tế lao động và chào mừng Đảng ra đời do Tỉnh uỷ phát động.

Ngày 25-3, nhân việc một đốc công người Pháp đánh công nhân ở xưởng dệt A, các đảng viên trong xưởng dệt A kêu gọi công nhân đóng máy phản đối. Nhận được báo cáo, Tỉnh uỷ Nam Định quyết định nắm lấy thời cơ phát động công nhân toàn nhà máy bãi công để đấu tranh. Một uỷ ban đình công được thành lập. Hầu hết các xưởng sản xuất đều ngừng việc khiến nhà máy hoàn toàn bị tê liệt. Từ mục tiêu ban đầu của xưởng dệt là chống đánh đập, Đảng bộ đã lãnh đạo công nhân nêu thêm các khẩu hiệu, yêu sách tăng lương, giảm giờ làm, đòi bỏ một số quy định vô lý, đòi đuổi một số cai gian ác, chống khủng bố thợ bãi công nhằm tập hợp đông đảo quần chúng, đẩy đấu tranh lên cao hơn. Hòng dập tắt bãi công, chủ máy sợi cấu kết với nhà cầm quyền bắt một số người chúng nghi là cầm đầu, dùng tiền mua chuộc lôi kéo công nhân đi làm, công bố tăng lương cho thợ nhưng loại trừ tăng lương cho công nhân xưởng dệt nhằm cô lập công nhân dệt nơi châm ngòi cuộc bãi công với toàn nhà máy. Để đập tan âm mưu của bọn chủ tư bản, Tỉnh uỷ đã tập trung chỉ đạo, củng cố ban lãnh đạo bãi công, đồng thời phát động nhân dân toàn tỉnh ủng hộ cuộc đấu tranh công nhân. Nhà máy nhất loạt đóng máy rầm rầm kéo lên đòi gặp chủ nhà máy nêu thêm yêu sách: đuổi thợ phải rõ lý do; thợ ốm được nghỉ một ngày không bị sa thải và bị phạt, cho nghỉ nửa giờ ăn cơm trưa; đuổi hai viên cai tàn ác ở xưởng Sợi.

Trước tình hình đó, bọn chủ một mặt khất lần, mặt khác chúng cầu cứu nhà cầm quyền đưa lực lượng đến giải tán công nhân, nhưng công nhân vẫn xiết chặt đội ngũ không nao núng. Khi binh lính xông vào bắt ba công nhân, hơn 3000 thợ đã bất chấp luỡi lê, súng ống ào ạt xông tới giành giật người bị bắt. Nhà cầm quyền phải huy động một lực lượng lớn đến mới giải tán được. Hành động tráo trở, khủng bố của chủ càng làm tăng sự căm phẫn của công nhân, hơn 4000 công nhân máy sợi, dệt vẫn tiếp tục kiên quyết bãi công làm tê liệt sản xuất từ 29-3-1930 đến trung tuần tháng 4-1930.

Để tỏ tình đoàn kết ủng hộ công nhân máy sợi Nam Định, các tầng lớp nhân dân thành phố, nhân dân các vùng nông thôn trong tỉnh như Xuất Cốc, An Cừ, Tiêu Bảng (Ý Yên), Lạc Nghiệp (Xuân Trường), thôn Chanh (Nghĩa Hưng) cùng công hội một số tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương đã quyên góp tiền, gạo gửi ủng hộ công nhân máy Sợi bãi công.

Trước tinh thần kiên quyết đấu tranh của công nhân ngày 12-4, chủ nhà máy yết thị nhận giải quyết những yêu sách cơ bản của công nhân và gọi thợ đi làm. Mục tiêu chủ yếu của cuộc bãi công đã đạt được, ngày 16-4 ban lãnh đạo bãi công quyết định để công nhân trở lại làm.

Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ và quyết tâm của Tỉnh uỷ, sau 21 ngày gian khổ đấu tranh với tinh thần đoàn kết không lùi bước, không khoan nhượng của công nhân, được sự ủng hộ đâỳ tình nghĩa hữu ái giai cấp của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, cuộc bãi công đã vượt qua mọi sự khó khăn, thử thách giành được thắng lợi cơ bản. Về kinh tế, thợ được tăng lương 10%, được rút nửa giờ làm một ngày nhưng quan trọng hơn là thắng lợi mang ý nghĩa chính trị do cuộc bãi công đem lại. Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn nhất thời kỳ đó, khẳng định vai trò lãnh đạo Đảng, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, giác ngộ giai cấp của công nhân, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân trong tỉnh. Không những thế cuộc đấu tranh còn gây chấn động dư luận trong nước và cả nước Pháp.

Cuộc đấu tranh của gần 4000 công nhân nhà máy sợi chính thức mở đầu cao trào cách mạng 1930-1931 của toàn tỉnh và cũng góp phần mở đầu cao trào cách mạng toàn quốc do Đảng lãnh đạo.

Theo Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com