Những “báu vật” của làng rèn Vân Chàng

05:11, 02/11/2012

Cách Thành phố Nam Định khoảng 7km, làng rèn Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất nhì miền Bắc. Hiện ở đình thờ tổ nghề rèn làng Vân Chàng còn lưu giữ được một số cổ vật hàng trăm năm tuổi do chính các thợ rèn xưa của làng chế tạo.

Báu vật làng rèn

Theo các cụ cao niên trong làng, nghề rèn được du nhập vào Vân Chàng cách đây hơn 700 năm, từ thời Vua Trần Nhân Tông. Tương truyền thời bấy giờ, 6 vị tổ sư khi tới làng Vân Chàng thấy thế đất “Đông Kỳ, Tây Tượng, Bắc Phượng, Nam Long” (tức là thế đất bốn mặt là hình lá cờ và các con vật voi, phượng, rồng) đã dừng lại, truyền nghề rèn cho người dân nơi đây. Ghi nhớ công ơn của những người đã mang nghề cho quê hương, người dân Vân Chàng đã lập đình thờ 6 vị sư tổ dạy nghề, tôn là Lục vị Thánh tổ. Hằng năm, vào ngày 15-11 âm lịch, người dân nơi đây lại mở hội tế lễ Lục vị Thánh tổ. Hiện nay, ở đình thờ tổ nghề rèn của làng còn lưu giữ được 5 cổ vật từ thời Lê. Đây là những cổ vật do chính các bậc tiền bối trong làng chế tạo. Những cổ vật gồm: một bộ ống bễ lò rèn bằng gỗ, hai ống pháo lệnh, một dao bản, một ngọn đòng uốn cong có mũi nhọn. Ngoài đôi ống bễ lò rèn làm bằng gỗ, 4 hiện vật khác đều được làm bằng sắt và đã han gỉ theo thời gian. Hai nòng súng lệnh chỉ dài bằng cái điếu cày nặng khoảng 40kg, cây dao dài 90cm nặng gần 3kg, còn ngọn đòng nhẹ hơn. Tất cả những hiện vật này đều được làm bằng phương pháp ẩu sắt, chỉ có ở làng rèn Vân Chàng. Ẩu sắt là phương pháp rèn cổ, tận dụng những vụn sắt được nung chín gá vào nhau dưới tay búa tài hoa của những người thợ để tạo hình đồ vật. Hiện tại, phương pháp ẩu sắt hầu như rất ít khi sử dụng vì khi kỹ thuật phát triển, người thợ rèn bây giờ có thể nung chảy sắt ở nhiệt độ cao để tạo hình dáng mong muốn.

Ông Trần Chu Quý giới thiệu những cổ vật đang được lưu giữ tại đình thờ tổ nghề rèn Vân Chàng.
Ông Trần Chu Quý giới thiệu những cổ vật đang được lưu giữ tại đình thờ tổ nghề rèn Vân Chàng.

Ngoài đôi ống bễ lò rèn thì những cổ vật khác đều là những vũ khí chống giặc ngoại xâm thời Lê Lợi được các thế hệ người làng Vân Chàng cất giữ, truyền lại cho con cháu. Tương truyền, những cổ vật trên đã được sản xuất từ năm 1418-1430 trong thời kỳ chống giặc Minh. Ngọn đòng xưa kia được những người lính của Lê Lợi gắn lên đầu gậy dùng để móc, giật chiến mã kẻ thù trong những trận đánh giáp lá cà. Còn con dao bản là của một người nông dân họ Đoàn, thôn Nhất, Thị trấn Nam Giang dùng để kêu gọi nông dân đi theo Lê Lợi chống giặc ngoại xâm. Ngoài ra, ở đình thờ tổ nghề rèn Vân Chàng còn giữ được một đôi đèn cổ cũng được làm bằng phương pháp ẩu sắt có niên đại tương đương với ống pháo lệnh và ngọn đòng. Đôi đèn cổ được đặt ở ban thờ chính, ngay phía dưới ức đôi chim hạc. Cây đèn bên trái được tạo dáng cây mai, gốc hóa đầu rồng, cây bên phải được tạo dáng cây tùng có hươu đang ăn lộc và gốc tùng cũng hóa rồng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các cụ cao niên trong làng thấy đôi đèn han gỉ đã phủ sơn xanh lên. Thông thường, xưa nay khi tạo tác về tứ linh các nghệ nhân sẽ tạc đủ long, ly, quy, phượng và tứ quý phải đủ tùng, cúc, trúc, mai. Như vậy, hai cây đèn hình cây trúc, cây cúc ở đâu? Đây là câu hỏi mà người dân Vân Chàng bao nhiêu năm qua đặt ra nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã khẳng định được kỹ thuật rèn độc đáo của làng Vân Chàng.

Phát triển nghề truyền thống của cha ông

Hơn 700 năm đã trôi qua, làng rèn Vân Chàng đã có nhiều thay đổi. Những năm bốn mươi của thế kỷ trước, những người thợ của làng Vân Chàng đã sản xuất được những sản phẩm khó, có độ tinh xảo cao như ngòi bút máy, một số bộ phận của súng... Từ năm 1960, nghề rèn Vân Chàng dần chuyển từ thủ công lên cơ khí. Nghề rèn bằng phương pháp quai búa dần được thay thế bằng máy móc. Sản phẩm của làng rèn ngày càng nhiều và chất lượng ngày càng nâng cao. Trước đây Vân Chàng chỉ sản xuất một số mặt hàng đơn giản mang tính thủ công như dao kéo, đinh ốc, cuốc xẻng, kiềng, răng cào… phục vụ nhu cầu nông nghiệp. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề Vân Chàng được đa dạng về chủng loại, đạt độ chính xác cao, tinh xảo, mẫu mã đẹp, cũng như độ bền, nhất là các phụ tùng xe đạp, các loại sắt thép dùng trong xây dựng. Sản phẩm của làng rèn Vân Chàng đã có mặt khắp mọi miền đất nước, nhiều sản phẩm còn được xuất khẩu sang Lào, Căm-pu-chia. Hiện, Vân Chàng có khoảng 90% số hộ trong làng theo nghề rèn và hầu hết đều đã cơ khí hóa, chỉ có một số rất ít còn sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Nghề rèn ở Vân Chàng không chỉ tạo việc làm cho nhân dân địa phương mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động ở các xã, huyện lân cận. Với những thợ mới vào nghề, làm những công việc đơn giản, tiền công trung bình là 120.000-150.000 đồng/ngày, thợ đứng máy, tay nghề cao là 250.000 đồng/ngày.

Anh Trần Xuân Toàn ở tổ dân phố 16 tự hào: “Không chỉ gìn giữ và truyền lại nghề truyền thống của cha ông mà chúng tôi còn lưu giữ được những cổ vật, sản phẩm của các bậc tiền nhân. Đó là những minh chứng quý giá cho kỹ thuật và lịch sử lâu đời của nghề rèn Vân Chàng. Những cổ vật đó không chỉ mang ý nghĩa truyền thống mà còn là động lực giúp người dân trong làng kế tục và phát huy trong xây dựng, phát triển quê hương, đất nước”. Trải qua 700 năm phát triển, Vân Chàng luôn có những nghệ nhân tay nghề cao, tạo nên những sản phẩm tinh xảo, chất lượng tốt. Hiện nay, làng Vân Chàng có một số “bàn tay vàng” tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị như các ông Vũ Văn Tâm, Vũ Văn Sao, Đoàn Văn Sỹ, Trần Huy Nam… Bên cạnh đó, còn rất nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất. Trước cơ chế thị trường, rất nhiều làng nghề trên cả nước lao đao, một số làng nghề truyền thống phải tìm hướng đi mới. Tuy nhiên, làng rèn Vân Chàng vẫn trụ vững và phát triển được bởi mỗi người thợ, người dân nơi đây luôn ý thức đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nhằm giữ vững thương hiệu cho làng nghề và cho chính cơ sở sản xuất của mình. Các sản phẩm đa dạng về chủng loại, nhiều mẫu mã cũng là nhân tố quan trọng góp phần giúp làng nghề Vân Chàng thu hút khách hàng.

Trong thời gian tới, chính quyền Thị trấn Nam Giang sẽ làm hồ sơ chi tiết về lịch sử hình thành và phát triển để đề nghị tỉnh công nhận làng rèn Vân Chàng là làng nghề truyền thống của tỉnh./.

Bài và ảnh: Lê Đoàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com