Cuộc đấu tranh chống khủng bố trắng ở Nam Định (1932-1935)

08:11, 01/11/2012

Sau cao trào cách mạng Xô viết Nghệ -Tĩnh, thực dân Pháp tiếp tục chính sách đàn áp, khủng bố, nhằm tiêu diệt hoàn hoàn Đảng Cộng sản Đông Dương và đè bẹp ý chí phản kháng của nhân dân ta. Khắp Nam Định, chúng theo dõi người bị tình nghi, truy nã người trốn tránh, giám sát, làm khó dễ những gia đình có người nhà là chính trị phạm.

Kết hợp với những biện pháp đó, chính quyền thực dân còn thi hành một chính sách mỵ dân đưa vua bù nhìn Bảo Đại về thăm Nam Định. Hai lần chúng mở hội chợ ở thành phố (1933 và 1935) hòng gây không khí phồn vinh giả tạo. Chúng còn giảm án cho một số chính trị phạm sắp hết hạn tù... Sách báo mê tín, dị đoan, được tự do lan tràn. Rượu cồn, thuốc phiện được tung ra nhiều hơn, nhằm đầu độc, mê hoặc dân ta. Tháng 11 năm 1934 chính quyền thực dân còn khuyến khích một số quan lại về hưu lập ra Hội Phật giáo Bắc Kỳ nhằm đánh lạc hướng sự chú tâm của quần chúng. Chỉ trong một thời gian ngắn Hội Phật giáo Bắc Kỳ cũng bắt rễ được ở Nam Định, Thái Bình và một số tỉnh khác. Một chi nhánh của Hội được thành lập ở thành phố vào đầu năm 1935, phát hành tờ báo Tam Bảo bằng chữ quốc ngữ để cổ vũ cho Phong trào chấn hưng Phật giáo. Tuy nhiên, cũng giống như ở các tỉnh khác ở Bắc kỳ, phong trào này chỉ thu hút được một số ít người trong tầng lớp trên, chủ yếu ở nông thôn. Còn đại đa số quần chúng, nhất là công nhân, vẫn tỏ thái độ thờ ơ.

Trong khi đó, tổng khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp tục hoành hành. Sản xuất đình đốn. Nhiều nhà máy chỉ còn thoi thóp. Mùa màng vẫn sút kém vì thiên tai. Nông sản thì hạ giá ghê gớm.

Bọn thống trị tìm cách trút hậu quả của cuộc khủng hoảng lên đầu dân bản xứ. Nhiều thứ thuế mới được đặt ra, trong đó có thuế ngụ, thuế thân, thuế môn bài, thuế thổ trạch tăng 20%. Chủ các nhà máy ra sức giãn thợ, hạ lương, tăng cường bóc lột công nhân.

Cũng như trong cả nước, do hành động khủng bố điên cuồng của địch vào cuối thời kỳ cao trào, Đảng bộ Nam Định đã tổn thất hết sức nghiêm trọng. Cơ sở cách mạng chỉ còn lại một số chi bộ vùng Bắc Nghĩa Hưng, Ý Yên và Xuân Trường. Số đảng viên và quần chúng cách mạng còn lại bị mất liên lạc với cấp trên. Người ngừng hoạt động, người tạm lánh đi nơi khác. Nhưng số đông vẫn giữ niềm tin vào Đảng, vào cách mạng. Nhiều đảng viên vẫn tự động hoạt động, lãnh đạo quần chúng đấu tranh hoặc tìm mọi cách giữ liên hệ với nhau, chờ cơ hội khôi phục phong trào.

Ở Ý Yên, sau vụ khủng bố tháng 8-1931, cờ Đảng vẫn xuất hiện trên núi Mặc Sơn, truyền đơn vẫn rải rác ở một số địa điểm. Ở Bắc Nghĩa Hưng, trong suốt năm 1932, các cơ sở Đảng vẫn tiếp tục duy trì liên hệ với nhau, xúc tiến tuyên truyền cách mạng, phát triển lực lượng ở các thôn Tranh Cầu, Thức Vụ, Phạm Xá...

Cuối năm 1932, đầu năm 1933, một số cán bộ, lãnh đạo của Đảng vượt ngục về địa phương đã được Đảng bộ và nhân dân Bắc Nghĩa Hưng và An Cừ hết lòng nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ. Do đó, mặc dù trong hoàn cảnh địch truy nã gắt gao, có đồng chí đã ở An Cừ tới một năm. Đến tháng 1-1933, lại bị địch khủng bố dữ dội, các chi bộ Bắc Nghĩa Hưng mới ngừng hoạt động.

Năm 1933, chi bộ Lạc Nghiệp, Xuân Trường đã tự động phát động quần chúng chống bọn địa chủ cường hào xâm phạm quyền lợi quần chúng bằng hình thức phát đơn kiện kết hợp với vận động quần chúng không chịu nộp thuế làm áp lực, đòi cường hào phải bỏ các khoản lạm bổ. Chi bộ còn huy động quần chúng đấu tranh ngăn chặn cường hào âm mưu ăn tiền của thương nhân định xẻ đê Thanh Quan cho thuyền ra vào, làm thiệt hại đến mùa màng. Cả hai cuộc đấu tranh đều thắng lợi hoàn toàn.

Ở thành phố, trong năm 1933, khi Bảo Đại về dự hội chợ Nam Định, trong học sinh có phong trào vận động lột mặt nạ tên vua bù nhìn và phá cuộc đón tiếp. Năm 1934, học sinh và binh lính yêu nước đã đứng ra vận động nhân dân tẩy chay không đi xem một gánh xiếc ngoại quốc xúc phạm đến danh dự của dân tộc Việt Nam. Tuy đây là một sự kiện nhỏ, nhưng lại có tiếng vang chính trị rất lớn, cổ vũ ý thức dân tộc trông phạm vi toàn quốc.

Trong các nhà tù Hà Nội, Sơn La, Côn Đảo những đảng viên, quần chúng cách mạng Nam Định vẫn tiếp tục hoạt động, nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất, chống chế độ hà khắc của địch, chống tư tưởng bi quan, hoang mang, chán nản. Nhiều đồng chí đã ngã xuống. Một số đồng chí tìm mọi cách vượt ngục về địa phương hoạt động. Đồng chí Tống Văn Trân đã ba lần vượt Côn Đảo mới về được đất liền, tham gia hoạt động ở Nam Bộ lại bị địch bắt và hy sinh.

Trong những năm 1934-1935, phong trào cách mạng trong cả nước dần dần hồi phục. Tháng 3-1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất  ở Ma-cao, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình đấu tranh khôi phục tổ chức Đảng. Lúc này liên lạc giữa Trung ương và Nam Định vẫn chưa lập lại được. Chủ trương của Trung ương vẫn chưa có điều kiện truyền đạt về. Nhưng một số đảng viên vừa ở tù về đã bắt tay vào việc khôi phục phong trào, xây dựng các tổ chức quần chúng thông qua các hình thức biến tướng nhằm tập hợp quần chúng, chuẩn bị điều kiện hoạt động trở lại. Ở Tiêu Bảng, Nhuộng (Ý Yên), có hội Hiếu, phường Bát âm. Công nhân máy sợi có nhóm tương trợ, hội hiếu hỷ, phường âm nhạc, nhóm chơi họ, hội đá bóng… Cơ sở quần chúng bắt đầu được khôi phục, phong trào đấu tranh trong công nhân đã bắt đầu được dấy lại với hình thức thấp, thích hợp. Tháng 3-1936, thợ xưởng dệt làm đơn tố cáo hành động bỉ ổi của đốc công Côt-ta (Costa) đòi chủ phải đổi tên này đi nơi khác. Những hoạt động trên tuy còn lẻ tẻ nhưng đã tạo điều kiện cho việc khôi phục nhanh chóng phong trào cách mạng địa phương sau thời kỳ khủng bố trắng.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com