Đặc sắc lễ hội đền Độc Bộ

08:10, 29/10/2012

Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên) thờ Triệu Việt Vương (tức Triệu Quang Phục). Thế kỷ thứ VI, Lý Bí khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương  thành công, lập nên nhà nước Vạn Xuân, Triệu Quang Phục được phong làm Tiết độ sứ trấn Sơn Nam. Khi nhà Lương đem quân quay trở lại xâm lược nước ta, Lý Nam Đế lãnh đạo quân dân kháng chiến nhưng không thành, binh quyền trao hết cho Triệu Quang Phục, tạo điều kiện giúp ông lãnh đạo quân, dân ta đánh tan quân xâm lược, sau đó năm 548 lên ngôi xưng hiệu là Triệu Việt Vương. Năm 571, ông bị Lý Phật Tử phản trắc đem quân đánh úp nên phải chạy về vùng đất Độc Bộ ngày nay. Cùng đường ông phải nhảy xuống cửa biển Đại Nha tuẫn tiết. Tiếc thương ông, nhân dân địa phương đã lập đền thờ tự.   

Múa sư tử trong lễ hội truyền thống đền Độc Bộ nhân kỷ niệm 1441 năm ngày tuẫn tiết của Triệu Việt Vương (571-2012).
Múa sư tử trong lễ hội truyền thống đền Độc Bộ nhân kỷ niệm 1441 năm ngày tuẫn tiết của Triệu Việt Vương (571-2012).

Đền Độc Bộ khi mới xây dựng có quy mô nhỏ, nằm sát mép sông. Đến năm 1577 thời Vua Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên thì được chuyển đến nơi có thế đất bằng phẳng, rộng rãi, xây theo hình chữ Vương với 12 gian, sau đó được các triều đại phong kiến sửa sang nhiều lần. Trong thời kỳ xâm lược nước ta, quân Pháp đã phá đền Độc Bộ lấy vật liệu xây đồn bốt, đến năm 1957 dân làng Độc Bộ mới phục dựng lại đền. Từ đó đến nay, dân làng thường xuyên tổ chức trùng tu, tôn tạo nhiều lần bằng vật liệu mới nhưng giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc tiền chữ Nhất, hậu chữ Công với các hạng mục: tiền đường, trung đường và cung cấm. Tòa tiền đường kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng, tám mái: tầng trên có ba gian gọi là điện kính thiên được xây cuốn vòm, mái lợp ngói nam; phần giữa tạo thành 3 khoang cửa, lắp cánh gỗ, phía trên cửa đắp chữ: “Nam thiên thánh tổ”. Hiên tiền đường đắp “lưỡng long chầu nguyệt” cùng các cầu đao uốn cong trang trí họa tiết mây bay, rồng chầu. Tòa trung đường được xây ba gian, hai chái theo kiểu cổ đẳng hai tầng, tám mái. Cung cấm đền được xây xoay ngang, kết cấu kiểu một gian, hai chái với ba hàng chân cột… Điểm đặc biệt nhất của đền Độc Bộ là pho tượng Triệu Việt Vương được đúc bằng đồng ngồi trên bệ đá có chiều cao 1,6m, đầu đội mũ, mình tạc áo long bào chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hiện tại, đền còn lưu giữ gần 10 đạo sắc phong qua các triều đại từ thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) đến thời Vua Khải Định năm thứ 9 (1924) cùng nhiều câu đối, đại tự, kiệu bát cống, bia đá…

Hằng năm, từ ngày 12-15 tháng 8 âm lịch tại đền diễn ra lễ hội đền Độc Bộ tưởng niệm ngày tuẫn tiết của Triệu Việt Vương. Lễ hội đền Độc Bộ năm 2012 tưởng nhớ 1441 năm ngày tuẫn tiết của Hoàng đế Triệu Việt Vương (571-2012) được duy trì nghi thức rước kiệu của các làng trong xã về đền. Đi đầu là đội cờ ngũ sắc, cờ thần; tiếp theo là đội phụng nghinh có kiệu bát cống do các trai đinh mặc quần áo đỏ, thắt lưng đỏ, đầu vấn khăn đỏ, chân quấn xà cạp; sau đó là đội bát biểu, chấp kích, các đội tế nam quan, tế nữ quan, đoàn người dân các làng. Sau khi rước về tới đền, tất cả các kiệu đều đặt chầu ở sân hướng về ngã ba sông, bát nhang được rước vào đền làm lễ nhập tịch. Thời gian tổ chức lễ rước diễn ra vào buổi sáng. Nét độc đáo của lễ hội đền Độc Bộ là nghi thức tế Tam kỳ giang ở ngã ba sông, cách đền khoảng 1km vào đúng 12 giờ trưa ngày 13-8 âm lịch (ngày quan trọng nhất của lễ hội) với sự tham gia của hàng chục thuyền bè khắp nơi tụ về. Nghi thức được tiến hành gồm 2 phần. Phần một tế trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, sóng yên bể lặng, mùa màng bội thu, sau đó các đội tế dâng hương hoa, hóa vàng mã, hóa ngựa thả xuống sông cùng với các lễ vật như bánh dầy, chè kho… Phần hai tế thần, các đội tế đọc chúc văn ca ngợi công đức của Đức thánh Triệu Việt Vương có công đánh đuổi giặc Lương rồi lấy nước đổ vào một chiếc chóe có phủ vải điều làm nước thánh rước về đền để tế. Sau khoảng 2 giờ lễ trên sông, các đội tế rước nước về đền tiếp tục chương trình tế lễ. Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, trong lễ hội đền năm 2012, xã Yên Nhân đã tích cực khôi phục các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian như các môn chọi gà, kéo co, cờ tướng, bơi chải trên sông Đáy…, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com