Giải quyết dứt điểm nạn ăn xin

08:02, 21/02/2020

Nhờ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, số lượng người ăn xin trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng người ăn xin vẫn còn xuất hiện trên một số tuyến phố của Thành phố Nam Định hay ở các điểm văn hóa tâm linh để chèo kéo, xin tiền du khách tạo nên những hình ảnh phản cảm.

Các đối tượng tâm thần được điều trị chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh (Sở LĐ-TB và XH).
Các đối tượng tâm thần được điều trị chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh (Sở LĐ-TB và XH).

Để hạn chế người ăn xin, thời gian qua, các ngành, các địa phương đã tăng cường tuyên truyền, rà soát nắm tình hình, đời sống, kịp thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ đó phòng ngừa người dân đi lang thang ăn xin. Các lực lượng chức năng cũng thường xuyên đi kiểm tra, phát hiện những người xin ăn, những người lang thang không có nơi cư trú nhất định, qua đó phân loại những người có dấu hiệu mắc các bệnh về thần kinh, tâm thần để nuôi dưỡng, giáo dục, quản lý. Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh (Sở LĐ - TB và XH) hiện đang quản lý, nuôi dưỡng và dạy nghề cho 236 đối tượng là người cao tuổi, đối tượng tâm thần, trẻ em có bố mẹ đang chấp hành án phạt tù, trong đó có nhiều đối tượng từng có thời gian lang thang, ăn xin. Trung tâm thực hiện chương trình dạy nghề may và nghề mộc, phục hồi chức năng ngôn ngữ và thể chất cho các đối tượng theo chương trình, kế hoạch; duy trì đều đặn chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cho từng diện đối tượng, đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng quy định và cải thiện thêm rau xanh tại chỗ. Các đối tượng tuổi còn trẻ, còn sức lao động vào đây được chữa bệnh, giáo dục, định hướng việc làm nên khi ra khỏi trung tâm đều tìm được việc làm, có thu nhập. Nhiều người già cả, cô đơn, không nơi nương tựa được nuôi ăn, nuôi ở nên không còn lang thang đi ăn xin. Tuy nhiên thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng người ăn xin, trong đó có nhiều người ăn xin ở tỉnh ngoài xuất hiện chủ yếu ở các công trình văn hóa tâm linh lớn, các lễ hội. Tại chợ Viềng Xuân Vụ Bản, Viềng Nam Giang (Nam Trực) đầu năm nay vẫn có đông các đối tượng ăn xin. Theo quan sát, các đối tượng ở đây đa dạng từ người già, trẻ em, phụ nữ… mặc quần áo rách rưới, lăn lê, bò toài trên đất, hay giả vờ là người tàn tật để lấy lòng thương hại của du khách. Có người mang theo giỏ kẹo, tăm bông, bật lửa… nhưng không bán mà thường ngửa tay xin tiền du khách. Nhiều đối tượng nam trẻ tuổi, mặc quần áo nhà Phật, giả làm phật tử chèo kéo, xin tiền du khách. Do cơ quan chức năng truy quét nên các đối tượng này không còn hoạt động công khai. Họ vừa hoạt động, vừa để ý xung quanh, thấy bóng lực lượng chức năng là lẩn rất nhanh. Anh Phạm Văn Nam, người bán hàng ở Phủ Tiên Hương thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản) cho biết: “Nhiều người ăn xin đến từ tỉnh khác, chứ không phải chỉ ở quanh đây. Cứ đến đầu tháng Giêng là họ đổ về kiếm ăn, tập trung vào các ngày đông khách như khai mạc chợ Viềng... rồi tản đi đâu không rõ. “Thu nhập” mỗi ngày họ có cao lắm, có khi đến tiền triệu, tôi biết điều này vì do bà chị làm dịch vụ đổi tiền lẻ từ chính đám ăn xin kia tiết lộ”. Không chỉ ở chợ Viềng, người ăn xin còn xuất hiện ở nhiều điểm văn hóa tâm linh quy mô nhỏ nơi mà thiếu sự truy quét của lực lượng chức năng. Tại Đền Cửa Sông, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) thường xuyên có 3-5 đối tượng tụ tập tại cổng đền để xin tiền du khách. Hay ở Chùa Vọng Cung, Chùa Cả (thành phố Nam Định) vào mùng 1, ngày rằm hàng tháng đều xuất hiện người ăn xin ngồi ngay cửa ra vào, xin tiền gây phản cảm. Không chỉ ngày lễ, vào những ngày thường, tình trạng người ăn xin đứng tại các ngã 4 Lê Hồng Phong - Trần Hưng Đạo, Trần Đăng Ninh - Hà Huy Tập, các chợ: Cửa Trường, Diên Hồng, Đồng Tháp Mười… của thành phố Nam Định thỉnh thoảng vẫn diễn ra. Được biết trên thực tế đã xuất hiện hiện tượng “chăn dắt”, “bảo kê” cho những người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và các đối tượng yếu thế rồi tổ chức cho họ hoạt động lang thang bán hàng rong, xin ăn... Có trường hợp bố mẹ đẻ con ra không nuôi nấng, lại lười làm ăn nên “bán” cho bọn chăn dắt, hoặc trực tiếp đưa con đi ăn xin để đem tiền về cho mình. Chị N.T.H, xã Nam Vân (thành phố Nam Định) cho biết: “Nhà tôi gần ngã 4 đường Lê Đức Thọ và tỉnh lộ 490C nên biết hoạt động ăn xin này có tổ chức. Đều đặn buổi sáng đều có người chở một người ăn xin đứng ngã 4 đó. Đến trưa lại đón về thay người khác”. 

Để giải quyết dứt điểm nạn ăn xin, các ngành chức năng, các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác bảo trợ xã hội, giúp đỡ kịp thời những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già không nơi nương tựa để họ vươn lên trong cuộc sống. Những trường hợp đặc biệt khó khăn, đáp ứng đủ các quy định thì đưa vào các cơ sở giáo dục, chữa bệnh, chăm sóc nuôi dưỡng miễn phí của Nhà nước, qua đó không để người nào phải đi ăn xin kiếm sống. Các ngành, các địa phương cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân không đi xin ăn, không lấy đó làm nghề kiếm sống; tăng cường truy quét đối tượng ăn xin, nhất là những đối tượng lợi dụng người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em để tổ chức hoạt động lang thang bán hàng rong, xin ăn, tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa phương, đơn vị, không để tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” với người ăn xin. Tuyên truyền người dân: giúp người khó khăn, nhất là những người ăn xin có thể đến các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức, cơ sở từ thiện để thực hiện./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com