Những người mưu sinh đường phố

07:02, 14/02/2020

Ở thành phố Nam Định, hình ảnh những người gánh hàng, đẩy hàng rong đi bán dạo với các loại bánh, xôi, chè, rau củ, trái cây… hay đánh giày mưu sinh ở một góc phố nhỏ đã trở nên quen thuộc. Họ đã góp phần tạo nên bức tranh cuộc sống nhiều màu sắc của thành phố hàng trăm năm tuổi này.

Người bán hàng rong đẩy xe trái cây đi bán trên địa bàn thành phố Nam Định.  Bài và ảnh: Văn Huỳnh
Người bán hàng rong đẩy xe trái cây đi bán trên địa bàn thành phố Nam Định.

Với hơn 30 năm đánh giày tại đường Phù Nghĩa (thành phố Nam Định), ông Nguyễn Văn Hiệp ở phường Hạ Long đã gắn gần trọn cuộc đời với nghề, từ lúc còn là chàng thanh niên cho đến khi được gọi bằng ông. Khách hàng của ông chủ yếu là khách quen bởi những người đã được ông chăm sóc giày một lần sẽ không bao giờ quên. Ông Hiệp cho biết: “Làm nghề gì cũng cần có cái tâm. Đánh giày cũng vậy. Bốn chiếc bàn chải là bốn công đoạn để đôi giày của khách được chăm sóc tốt nhất, nước xi đảm bảo độ bền và bóng loáng”. Chẳng thế mà tên ông Hiệp đánh giày trở nên quen thuộc với người dân khu vực phường Hạ Long. Bằng cái tâm làm nghề và đôi bàn tay khéo léo, ông khiến những đôi giày lấm bụi, hoen ố trở nên sáng bóng. Mỗi đôi giày, dép khâu trong khoảng 5-20 phút, tiền công chừng 10-30 nghìn đồng tùy loại khó hay dễ; sửa những lỗi nhỏ như đóng lại đế hay dán gót thì tiền công khoảng 10-15 nghìn đồng. Với những lỗi nhỏ, chỉ cần dán keo thì ông thường... miễn phí. Những ngày đông khách, ông có thể đánh, sửa chữa được 30-40 đôi giày, thu nhập khoảng 300-400 nghìn đồng. Tháng nào cũng vậy, trừ chi phí mua nguyên liệu, ông Hiệp có thu nhập vài triệu đồng chăm lo cho cuộc sống gia đình. 

Ngoài công việc như ông Hiệp ngồi cố định một chỗ thì nghề bán hàng rong được nhiều phụ nữ lựa chọn bởi nghề này chỉ cần ít vốn, bán đến đâu biết lãi đến đó. Tiếp xúc và trò chuyện với họ mới thấy được những nỗi vất vả, mưu sinh của nghề. Đối với họ, bán hàng cũng là cái duyên, có người chỉ bán quanh quẩn khu vực quen thuộc, nhưng có người phải gánh hoặc đẩy xe đi rất xa mới bán được. Hơn 20 năm qua, cứ 4 giờ sáng là bà Trần Thị Thêu, 55 tuổi ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) lại lên chiếc xe đạp cũ kĩ chở trái cây đến các khu dân cư trên địa bàn thành phố Nam Định để bán. Mỗi ngày bà Thêu đạp xe hàng chục cây số cùng hai sọt hàng nặng trĩu. Ở tuổi 55 nhưng nhìn bà già hơn tuổi bởi làn da ngăm đen vì nắng mưa, lao động vất vả. Bà Thêu cho biết: “Nhà có hai người con, thu nhập từ làm nông nghiệp bấp bênh không đủ nuôi sống gia đình, nhờ công việc bán trái cây rong khắp đường phố mà tôi nuôi các con khôn lớn. Bây giờ tuổi đã cao nhưng ngày nào còn sức tôi vẫn đi khắp các chợ để bán; mỗi ngày cũng kiếm được 150-200 nghìn đồng để trang trải cuộc sống”. 

Đó là hai trong số rất nhiều lao động đang hàng ngày mưu sinh trên khắp các con đường, ngõ phố trên địa bàn thành phố Nam Định. Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nguyên nhân khiến nhiều lao động nông thôn ra thành phố tìm kiếm việc làm. Mỗi người mỗi nghề, dựa vào khả năng, sức lao động để lựa chọn nghề phù hợp với bản thân. Trong đội quân ra thành phố tìm kiếm việc làm, thành phần đa dạng, đó đều là những người trung tuổi, phụ nữ, nam giới... Phần lớn những người ra thành phố kiếm kế mưu sinh đều quá độ tuổi tuyển dụng của các nhà máy, xí nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Vì vậy một bộ phận trong số họ chọn vỉa hè và chợ lao động để mưu sinh.

Cuộc mưu sinh đường phố thấm đẫm những nhọc nhằn, vất vả! Thế nhưng, vì cuộc sống họ vẫn ngày ngày rong ruổi trên đường, kiếm sống bằng công sức của mình để chăm lo cho gia đình bằng đồng tiền lao động chính đáng./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com