Bát nháo thị trường mỹ phẩm

07:07, 07/07/2017
Sau gần 2 năm dùng dầu gội Pantene “xách tay” của Thái Lan, mua tại một cửa hàng mỹ phẩm “có tiếng”, chị Nguyễn Thị Hoa, cư trú tại tổ dân phố 33, phường Cửa Bắc (TP Nam Định) thấy tóc mình có dấu hiệu rụng nhiều và bạc rất nhanh. Đem những băn khoăn đó hỏi chủ một cửa hiệu làm tóc lâu năm trên địa bàn Thành phố Nam Định, chị được biết, các sản phẩm dầu gội, dầu xả của Thái Lan hiện nay đang bị Trung Quốc làm giả, làm nhái rất nhiều rồi “tuồn” sang nước ta, nếu không tinh tường thì người mua rất dễ mua phải các sản phẩm kém chất lượng này. Chị Trần Thị Thơm, cư trú tại tổ dân phố số 4, phường Phan Đình Phùng (TP Nam Định) cho biết, hôm trước chị đến một cửa hàng bán mỹ phẩm ở chợ Mỹ Tho mua 1 lọ dầu gội đầu Pantene của Thái Lan 480ml với giá 80 nghìn đồng và 1 lọ dầu xả Pantene cũng của Thái Lan với giá 87 nghìn đồng. Sử dụng được vài lần, chị thấy đầu xuất hiện dấu hiệu ngứa và rụng tóc nhiều. 
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, bao gồm các siêu thị, các cửa hàng chuyên kinh doanh mỹ phẩm, các nhà thuốc vừa kinh doanh mỹ phẩm, vừa kinh doanh dược phẩm, các cửa hàng tạp hóa, các cơ sở chăm sóc sắc đẹp… với đủ loại mỹ phẩm, từ xà phòng, dầu gội đầu, kem đánh răng, kem bôi trắng da, son phấn, chì kẻ mắt, mỹ phẩm làm mờ vết thâm, chống nắng, làm căng da vùng mắt, chống lão hóa da, ngừa mụn... Ngoài dòng mỹ phẩm được sản xuất trong nước và mỹ phẩm nhập khẩu từ các nước Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… thì những năm gần đây “nở rộ” dòng mỹ phẩm “xách tay” được đưa về bằng nhiều con đường như nhập lậu qua đường tiểu ngạch, đi công tác, tiếp viên hàng không, sinh viên du học, bưu phẩm của những người đang học tập và làm việc tại nước ngoài chuyển về. Với xu hướng đó, vài năm trở lại đây, các cửa hiệu bán hàng mỹ phẩm xách tay đua nhau mọc lên, bày bán đủ chủng loại. Ngoài loại hình kinh doanh mỹ phẩm trên thì loại hình kinh doanh mỹ phẩm qua mạng internet được gọi là hình thức bán hàng “online” cũng sôi động không kém. Chỉ cần một cú nhấp chuột với từ khóa “mỹ phẩm”, “mỹ phẩm xách tay”, người mua có thể dễ dàng tìm được rất nhiều địa chỉ website có nội dung mời chào hấp dẫn. Qua đó, các chủng loại mỹ phẩm đa dạng về nguồn gốc, xuất xứ được quảng cáo, rao bán với đủ kiểu, đủ loại, nhiều mức giá khác nhau. 
Một cửa hàng bán mỹ phẩm, dược phẩm trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Một cửa hàng bán mỹ phẩm, dược phẩm trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Không phủ nhận sự phát triển của thị trường mỹ phẩm đã tạo ra nhiều cơ hội tiêu dùng đối với người dân. Tuy nhiên, điều này cũng làm phát sinh không ít nguy cơ và phiền toái đối với chính người tiêu dùng khi đối mặt với những sản phẩm mà mình chưa tường tận. Bởi nếu với thuốc tân dược, người bán cần phải có giấy phép kinh doanh và các yếu tố để đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh, thì việc kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm dễ dãi hơn nhiều. Ai cũng có thể kinh doanh được, thậm chí vào một tiệm cắt tóc, gội đầu, khách hàng cũng được tư vấn hoặc chào mời mua một vài mặt hàng mỹ phẩm. Với thị trường mỹ phẩm còn khá lộn xộn như hiện nay thì việc quản lý mặt hàng này còn nhiều điều nan giải. Dạo qua một số cửa hàng bán mỹ phẩm trên đường Trần Hưng Đạo, phố Hai Bà Trưng, phố Bà Triệu (TP Nam Định), thấy hàng nghìn loại mỹ phẩm được bày bán với những lời chào mời hấp dẫn, khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Phần lớn người tiêu dùng đặt niềm tin vào những hãng mỹ phẩm đã có thương hiệu như: Pond’s, Hazelin, Debon, Shisheido, Lancôme, Dior, Chanel, OHui... Tại một cửa hàng bán mỹ phẩm trên đường Trần Hưng Đạo, khách đến mua hàng được tư vấn về từng sản phẩm, được kiểm tra chất lượng và dùng thử trước khi mua, giá cả được niêm yết rõ ràng nên không sợ bị “hớ”. Bên cạnh dòng mỹ phẩm trong nước, mỹ phẩm được nhập khẩu chính thức thì tại đây cũng bán các mặt hàng “xách tay” có giá cả hợp lý, phù hợp túi tiền người tiêu dùng. Đơn cử, cùng một hộp phấn trang điểm hiệu Geo Sempre của Hàn Quốc, hàng nhập khẩu có giá 320 nghìn đồng nhưng hàng “xách tay” lại được bán với giá chỉ 210 nghìn đồng. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ nếu là hàng xách tay “xịn” thì không có gì đáng bàn, nhưng nếu là hàng xách tay “dởm” núp dưới dạng hàng giả, hàng nhái thì lại gây nhiều phiền toái và tổn hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Chưa kể nhiều mặt hàng xách tay các thông tin như hướng dẫn sử dụng, nơi sản xuất, xuất xứ... nhiều khi rất mập mờ, giữa người bán và người mua dựa trên tiêu chí “tin nhau là chính”. Ví dụ một lọ serum dưỡng da nhãn hiệu Siberian Health xách tay có giá 200 nghìn đồng, trên sản phẩm không hề có hướng dẫn sử dụng; một hộp phấn tươi Mousse nhãn hiệu Maybelline là hàng “xách tay” từ Đức nhưng dưới đáy hộp lại ghi nơi sản xuất là “Made in Italy”, và cũng không hề có thông tin về hạn sử dụng. Ngoài ra, trên thị trường còn lưu thông nhiều loại mỹ phẩm làm giả, làm nhái, không rõ nguồn gốc, chất lượng thấp gây tổn hại không nhỏ cho kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng. Theo các cơ quan chức năng, hiện có tới hàng nghìn chất bị cấm sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm. Nhưng đối với các mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì khó có thể kiểm soát được những chất gì có trong mỹ phẩm để biết nó có ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng hay không(?). Chính vì lý do này mà hiện nay, tại các bệnh viện, số bệnh nhân bị dị ứng, hỏng da do sử dụng mỹ phẩm giả, kém chất lượng ngày càng tăng. Tại Trung tâm Da liễu tỉnh, trong số các bệnh nhân đến khám, điều trị về da liễu mỗi năm có từ 30-50 trường hợp bệnh nhân bị viêm da kích ứng do tiếp xúc với hóa mỹ phẩm; còn số người bị ảnh hưởng nhẹ hoặc “tự giải quyết” được chắc chắn cao hơn rất nhiều so với con số trên. Một bác sĩ chuyên khoa da liễu tại đây cho biết: Mỹ phẩm giả gây ra những nguy cơ khôn lường cho người bệnh. Phần lớn các loại mỹ phẩm này đều có chứa những chất độc hại với tỷ lệ lớn hơn mức cho phép của y tế. Ví dụ như đối với mỹ phẩm có chứa corticod, ban đầu khi sử dụng sản phẩm có corticod sẽ làm cho da có vẻ trắng, láng mịn hơn, làn da được cải thiện làm chị em rất ưng ý. Nhưng nếu sử dụng lâu ngày sẽ gây teo da, giãn mạch, nám da, nguy hiểm hơn, nó còn có thể gây ung thư da. 
 
Hiện nay Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý về chất lượng mỹ phẩm. Theo quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động về hậu mãi đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước, mỹ phẩm nhập khẩu lưu thông trên địa bàn và xử lý các vấn đề về chất lượng mỹ phẩm theo quy định của pháp luật. Trên địa bàn tỉnh, việc kiểm tra chất lượng mỹ phẩm được giao cho Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm, Mỹ phẩm tỉnh. Tuy nhiên việc kiểm tra chất lượng mỹ phẩm ở Trung tâm hiện còn nhiều khó khăn do chưa có đủ các điều kiện về trang thiết bị, máy móc, phương tiện để kiểm nghiệm... Chưa kể xét nghiệm một mẫu mỹ phẩm mất rất nhiều kinh phí. Đây cũng là thực trạng chung của các trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm trên cả nước. Do vậy, việc kiểm tra, giám sát thị trường mỹ phẩm cũng cần có sự chung tay của các ngành: Công an, cơ quan kiểm nghiệm, quản lý thị trường, ban quản lý các chợ... Bên cạnh sự kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt của các ngành chức năng thì người tiêu dùng cũng cần thận trọng trong việc lựa chọn mỹ phẩm để tránh những thiệt hại liên quan đến bản thân, sức khỏe khi sử dụng phải mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com