Kỷ niệm làm báo nơi đảo xa

08:06, 21/06/2017
Hơn chục năm làm phóng viên, tôi may mắn có được 2 chuyến tác nghiệp ở vùng biển, đảo thuộc vị trí tiền tiêu của hai đầu đất nước. Năm 2016 lần đầu tiên tôi được tham gia đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 1, thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo thuộc vùng biển, đảo Đông Bắc Tổ quốc, gồm đảo Trần (huyện Cô Tô) và đảo Trà Bản (xã Bản Sen, huyện Vân Đồn) tỉnh Quảng Ninh. Tháng 4 vừa qua, lần thứ hai tôi lại được tham gia đoàn công tác của Bộ Tư lệnh vùng 4 Cảnh sát biển đến tuyến đảo phía Tây Nam Tổ quốc gồm đảo Phú Quốc, Thổ Chu. Mỗi chuyến công tác chỉ ngắn ngủi trong 5 ngày nhưng tôi cũng như các đồng nghiệp tham gia đoàn đều có những trải nghiệm thú vị sâu sắc trong quá trình tác nghiệp nơi đảo xa.
 
Sau 2 chuyến công tác tại các vùng biển, đảo quê hương tôi càng nhận thức sâu rõ hơn về tầm quan trọng, vị trí chiến lược của biển, đảo Tổ quốc, chủ quyền quốc gia; sự nỗ lực, hy sinh vì biển, đảo quê hương của mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân sinh sống trên đảo. Ngoài vai trò quan trọng về mặt quốc phòng - an ninh, biển, đảo quê hương với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú giúp ngư dân bám biển làm giàu cho gia đình, quê hương và xã hội. Biển bạc trù phú, giàu tài nguyên nhưng điều kiện tự nhiên ở nơi đảo xa vô cùng khắc nghiệt. Tuyến đảo Đông Bắc có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao, vực sâu, quanh năm khan hiếm nước ngọt nên đất đai cằn cỗi. Mùa nắng thì khô hạn nhưng hễ mưa là úng lụt, khiến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất gặp nhiều khó khăn. Hiếm khi nào vùng biển này lặng gió. Mùa hè, đảo Trần là nơi đón sóng lớn do gió nam thổi lại, vì thế bão biển ở đây có sức tàn phá lớn. Mùa đông, nơi đây là điểm đầu tiên hứng chịu những đợt gió mùa đông bắc “cắt da cắt thịt” tràn về, thuyền bè của ngư dân vô cùng chật vật để cập bến vì sóng to, gió lớn. Còn trên trạm ra đa của lực lượng Hải quân thì độ ẩm quá cao. Ở đây, quanh năm mây mù ẩm ướt nên quần áo, chăn màn của cán bộ, chiến sĩ chẳng lúc nào khô; điếu thuốc lá đốt lên để xua tan không khí ẩm mốc dù có truyền tay nhau cũng chỉ cháy được 1/3 là đã tắt… Muốn lên đến trạm thăm các chiến sĩ phải hành quân dăm bảy cây số đường rừng với nhiều đoạn dốc lên đến 40 độ, nhiều chỗ cỏ dại cao ngang ngực, phải đu người vào rễ cây mới leo lên được… Còn ở vùng đảo Thổ Chu quanh năm nắng nóng. Mùa nắng thì cháy da cháy thịt, còn mùa mưa thì người dân phải di chuyển nhà cửa sang phía bắc đảo để tránh gió bão từ biển thổi về. Thời tiết khắc nghiệt là vậy nhưng nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa và chăm sóc sức khỏe mới là vấn đề khiến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo quan tâm. Bởi, đảo Thổ Chu nằm cách xa đất liền hơn 50 hải lý, mỗi tháng chỉ có 4 chuyến tàu chuyên vận tải hành khách, hàng hóa, công văn thư tín ra đảo, còn khi thời tiết bất thuận, tàu neo cả tháng trời cũng không dám rời bến… Những khi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo đau ốm bất thường, chính quyền địa phương phải nhờ đến các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển sử dụng tàu chuyên dụng hoặc máy bay trực thăng đưa vào đảo Phú Quốc hoặc Thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu. Trực tiếp trải nghiệm địa hình khó khăn, thời tiết khắc nghiệt như vậy càng cảm phục sự hy sinh gian khổ và rèn luyện, trưởng thành của quân và dân nơi đảo tiền tiêu. 
Phóng viên Báo Nam Định (bên trái) tác nghiệp tại vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc.
Phóng viên Báo Nam Định (bên trái) tác nghiệp tại vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc.
Những chuyến đi đảo xa, lại là phóng viên nữ khó khăn đầu tiên phải cố vượt qua là những cơn say sóng trên hành trình từ đất liền ra đảo; tập thích nghi với những “giấc ngủ nghiêng” trên tàu, miếng cơm định đưa vào miệng nhưng lại bị sóng biển xô tàu nghiêng nên “nhầm” lên mũi. Đặt chân lên đảo rồi lại lo có đủ bản lĩnh để lên dốc, xuống đèo, học đu bám vào cây rừng, dây leo mà đến nơi các đơn vị bộ đội đóng quân. Mỗi chuyến đi trong thời gian hạn hẹp nên lịch trình các sự kiện mà đoàn công tác đặt ra dày đặc khép kín. Chúng tôi phải “điều tiết” hợp lý sự hăng hái, háo hức để đủ sức khỏe trong suốt chuyến, tham gia đầy đủ các hoạt động, không để “chủ nhà” phải lo chăm sóc sức khỏe cho “khách”; lo phỏng vấn, ghi chép thật nhiều… Hàng loạt mục tiêu đặt ra tưởng chừng khó hoàn thành hết nhưng với hành trang mang theo khi ra thăm các tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc là tình yêu với biển, đảo quê hương; là sự chỉ đạo cụ thể, tạo điều kiện mọi mặt của Ban biên tập; sự quan tâm của anh chị em đồng nghiệp trong cơ quan và các cán bộ, chiến sĩ đơn vị nơi chúng tôi đến đã giúp tôi có thêm sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhiều khi trên tàu còn đang “ngất ngây” say sóng nhưng vừa nghe nói xuất hiện đảo nhỏ, một sức mạnh vô hình giúp chúng tôi bật dậy quên biến cơn say, sẵn sàng bút, giấy, máy ảnh bắt nhịp ngay với công việc. Cũng hành quân đi bộ đến thăm các đơn vị và bà con nhân dân trên đảo, cũng leo núi, xuyên rừng, lên đỉnh cao để tận mắt chứng kiến nơi các chiến sĩ ăn, ở, trực sẵn sàng chiến đấu. Ban ngày tất bật lấy tư liệu, đêm xuống khi mọi người nghỉ ngơi, anh chị em báo chí chúng tôi lại mỗi người một việc. Người thức trắng đêm để ghi lại cảm xúc của mình về cuộc sống, chiến đấu, lao động và học tập của quân dân trên đảo để kịp truyền tin, bài về tòa soạn; nhóm khác lại chia sẻ trao đổi thông tin đã khai thác được, những kỷ niệm nhỏ, những cung bậc cảm xúc...
 
Những ngày tác nghiệp ngắn ngủi tại các vùng biển, đảo quê hương rồi cũng kết thúc nhưng cũng kịp giúp tôi và các phóng viên trong đoàn có điều kiện học hỏi, chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Trở về đất liền, nghĩ lại những ngày trên đảo thấy “ngạc nhiên” khi đã hoàn thành lịch trình đầy ắp sự kiện trong mỗi ngày mà trước khi đi tôi không còn nghĩ mình không có đủ sức khỏe, kinh nghiệm. Có lẽ ngoài hành trang kinh nghiệm, kiến thức mang theo thì động lực giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ còn có phần không nhỏ từ sự trân trọng những nỗ lực hy sinh của các lực lượng vũ trang đóng quân nơi đây đã thầm lặng dâng hiến nhiệt huyết vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt, ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển, đảo quê hương. Riêng tôi trong những chuyến đi này, ngoài việc thu thập được tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền về các tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc, được tích lũy thêm những kinh nghiệm tác nghiệp nơi đảo xa, tôi còn cảm thấy tự hào bởi đã vượt qua và phát hiện thêm những năng lực nội tại của chính mình. Kho “kỷ niệm” nghề báo của tôi được bổ sung những kỷ niệm khó quên khi được trải nghiệm “ba cùng” với người lính hải quân, cảnh sát biển dũng cảm kiên cường trên vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com