Xử lý vi phạm trật tự đô thị - Dẹp nhưng khó xóa

08:06, 12/06/2017

Thành phố Nam Định đã mở màn cho chiến dịch kiên quyết lập lại trật tự đô thị trên toàn tỉnh bằng đợt cao điểm huy động tổng lực các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, UBND các phường, xã ra quân từ ngày 21-3 đến hết ngày 24-4-2017. Kết thúc đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, UBND thành phố khẳng định nhiều tuyến phố đã được sắp xếp, bảo đảm mỹ quan đô thị, đa phần người dân đều đồng tình ủng hộ chủ trương của thành phố và đã nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trật tự đô thị. Có tới 2.897 gia đình có bậc tam cấp “vươn” ra vỉa hè hay những cơ sở kinh doanh có biển quảng cáo kích cỡ lớn... đã chủ động tháo dỡ phần diện tích lấn chiếm.

Họp chợ dưới lòng đường tại đường Hoàng Văn Thụ, phường Quang Trung (TP Nam Định).
Họp chợ dưới lòng đường tại đường Hoàng Văn Thụ,
phường Quang Trung (TP Nam Định).

Tuy nhiên, dù chính quyền cơ sở đã chủ động xuống đường để trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhưng việc lập lại trật tự đô thị của thành phố đến nay cũng không có thêm bước tiến nào so với kết quả bước đầu của đợt ra quân. Tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè lại xảy ra trên nhiều tuyến phố của Thành phố Nam Định. Tại phường Trần Hưng Đạo, các quầy bán lẻ xổ số vẫn bày ra sát mép đường khu vực quảng trường Hòa Bình. Tại phường Quang Trung vẫn còn tình trạng họp chợ dưới lòng đường Hoàng Văn Thụ. Phường Văn Miếu, taxi Mai Linh vẫn đỗ xe trên hè đường Song Hào. Tại phường Bà Triệu, vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, khu vực trước cổng đền Đức Vua, tuyến đường Phạm Hồng Thái vẫn còn tình trạng bày bán hàng lấn chiếm vỉa hè, đỗ xe ô tô bốc xếp hàng hóa không đúng quy định... Nhìn chung tình trạng vi phạm tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang giao thông xảy ra ở hầu hết các tuyến phố ở các phường, xã. Thực trạng này khiến cho nhiều người dân thành phố, nhất là các hộ dân đã nghiêm túc chấp hành quy định về đảm bảo trật tự đô thị, tự giác tháo dỡ các công trình, diện tích lấn chiếm vỉa hè không khỏi bất bình, băn khoăn, liệu chương trình đúng là chỉ mang tính hình thức, làm theo phong trào?!. Lãnh đạo Thành phố Nam Định đã phân tích chỉ rõ nguyên nhân của việc chưa xử lý triệt để tình trạng vi phạm trật tự đô thị là do nhiều phường, xã vẫn không kiên quyết trong công tác chỉ đạo, còn trông chờ, “nghe ngóng” tinh thần của cấp trên và các địa phương khác; một số phường, xã chủ yếu giao khoán trách nhiệm cho lực lượng công an, tổ trưởng dân phố nên hiệu lực, hiệu quả chưa cao, lực lượng chức năng tại hầu hết các phường, xã còn ngại va chạm, chưa kiên quyết xử lý. Việc duy trì công tác kiểm tra, xử lý còn chưa thường xuyên, liên tục nên sau thời gian ra quân người dân vẫn tái diễn các vi phạm: đỗ đậu xe sai quy định, họp chợ trái phép, chiếm dụng vỉa hè kinh doanh, trông giữ phương tiện không có giấy phép. Một số phường, xã chưa phối hợp tốt trong việc xử lý vi phạm tại các địa bàn giáp ranh…

Từ cuối tháng 4-2017, sau khi UBND tỉnh chỉ đạo, tất cả các địa phương trên toàn tỉnh đã đồng loạt thực hiện công tác lập lại trật tự ATGT. Tuy nhiên, cũng như địa bàn Thành phố Nam Định, tại các địa phương cũng tồn tại tình trạng đã dẹp nhưng vẫn khó xóa các vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông, vỉa hè, lòng đường. Tại huyện Nam Trực, qua kết quả kiểm tra công tác giải tỏa hành lang ATGT đường bộ của UBND huyện cho thấy bên cạnh một số xã đã tích cực giải tỏa hành lang, đạt kết quả tốt như Nghĩa An, Nam Thanh, vẫn  còn một số xã ra quân mang tính hình thức, chưa quyết liệt như Điền Xá, Nam Hùng; cá biệt một số xã, thị trấn còn chậm tổ chức ra quân như Nam Dương, Nam Giang, Nam Cường, Tân Thịnh. Trên địa bàn huyện còn tồn tại nhiều nút giao thông chính vẫn bị vi phạm hành lang ATGT như: Ngã tư tỉnh lộ 490C và đường Lê Đức Thọ, ngã tư Quốc lộ 21 và đường Lê Đức Thọ, khu vực cầu Vòi thuộc xã Hồng Quang, khu vực cầu Cổ Gia thuộc xã Nam Hùng, khu vực trung tâm huyện. Tại huyện Giao Thủy, qua kiểm tra công tác lập lại trật tự hành lang ATGT cho thấy, tại các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Hương, Giao Lạc tiến độ triển khai còn chậm; dù đã tổ chức tuyên truyền nhắc nhở và yêu cầu ký cam kết nhưng nhiều hộ vẫn vi phạm hành lang ATGT với các hành vi: tập kết vật liệu xây dựng dưới lòng đường, bán hàng, làm lều quán, dựng rạp đám hiếu, hỉ, đặt biển quảng cáo sai quy định, người dân vẫn tuốt lúa, phơi, đốt rơm rạ ngay trên đường tỉnh lộ, liên xã… Thực tế, nạn lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang đường bộ tồn tại quá lâu mà không xử lý dứt điểm kiên quyết dẫn đến tình trạng người vi phạm “nhờn” luật, các đợt cao điểm xử lý thường rơi vào cảnh “đầu voi, đuôi chuột”, việc xử lý vi phạm như “bắt cóc bỏ đĩa”...

Bám sát quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh là phải kiên quyết lập lại trật tự đô thị, UBND các huyện, thành phố đều xác định việc lập lại trật tự đô thị là nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị. Một trong những biện pháp quan trọng được các huyện, thành phố đề ra là: quy định rõ trách nhiệm và giao nhiệm vụ cụ thể, có mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng cho các cá nhân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tập trung thực hiện. Nơi nào để xảy ra vi phạm, lãnh đạo địa phương sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với HĐND, UBND huyện, thành phố và trước nhân dân. Kết quả giữ gìn trật tự, văn minh đô thị trên từng địa bàn là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả công tác của cán bộ, xét tặng danh hiệu thi đua của từng địa phương. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu, đặc biệt là bí thư, chủ tịch và trưởng công an phường, xã. Bên cạnh đó, các địa phương còn bố trí, sắp xếp, bảo đảm nguồn nhân lực, quân số thường xuyên tuần tra, kiểm soát để xử lý, ngăn chặn người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán. Sau khi lập lại trật tự đô thị trên một tuyến đường nào đó, yêu cầu các phường, xã phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, nếu để xảy ra tình trạng tái vi phạm, tùy theo mức độ, UBND huyện, thành phố sẽ có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu của địa phương đó. Ngoài biện pháp kiên quyết xử lý những trường hợp chống đối, cố tình vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, các địa phương cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng để người dân hiểu, nâng cao ý thức xây dựng văn minh đô thị, nếp sống văn hóa nơi công cộng để tự giác thực hiện, kể cả khi không có sự kiểm soát của lực lượng chức năng./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com