Bài học kinh nghiệm qua vụ lúa mùa 2016 (kỳ 1)

05:10, 22/10/2016

Từ ngày 30-9-2016, nông dân ở các địa phương trong tỉnh tập trung huy động phương tiện, nhân lực xuống đồng thu hoạch lúa mùa và khẩn trương gieo trồng cây vụ đông và chăm sóc, bảo vệ trà lúa đặc sản cuối vụ. Mặc dù đầu vụ sản xuất có khó khăn song vụ lúa mùa năm nay vẫn là vụ mùa thắng lợi, để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các vụ sau.

I - Kết quả vụ sản xuất lúa mùa 2016

Lường trước những khó khăn trong sản xuất vụ mùa năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất từ rất sớm. Để chủ động hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh và thiên tai cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá, ngay từ đầu vụ, Sở NN và PTNT đã hướng dẫn các huyện, thành phố tập trung sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 120 ngày) có năng suất, chất lượng khá, ít nhiễm bệnh bạc lá và rầy; tổ chức gieo cấy lúa mùa với phương châm càng sớm càng tốt; không sử dụng giống BT7; bón cân đối, bón sớm, bón gọn; tăng cường sử dụng phân hỗn hợp NPK thay cho phân đơn; không lạm dụng bón phân đạm, không bón phân đạm muộn. Các địa phương huy động tối đa các phương tiện làm đất để tranh thủ thu hoạch lúa xuân đến đâu tiến hành cày bừa ngay đến đấy. Tiến độ kỹ thuật gieo sạ vừa giảm công lao động, vừa giảm chi phí tiếp tục được mở rộng diện tích đã tạo ra tiến độ cấy lúa mùa nhanh hơn. Các địa phương đã gieo sạ 15.423ha (tập trung tại các huyện Ý Yên 5.300ha, Vụ Bản 3.638ha, Nam Trực 2.300ha…) nên toàn bộ 77.284ha lúa mùa của tỉnh cơ bản hoàn thành gieo cấy trước ngày 25-7. Trà mùa sớm đạt 4.452ha (6% diện tích), lúa mùa trung 66.540ha (86% diện tích), còn lại là diện tích trà muộn cấy lúa đặc sản (dự hương, tám xoan, nếp cái hoa vàng, nếp bắc). Về cơ cấu giống lúa, lúa lai đạt 11.663ha, chiếm 15% diện tích. Còn lại là lúa thuần tập trung vào các giống: BC15 chiếm 29% diện tích, BT7 kháng bạc lá 25% diện tích và các giống lúa khác…

Thu hoạch lúa mùa tại xã Nam Hải (Nam Trực).
Thu hoạch lúa mùa tại xã Nam Hải (Nam Trực).

Tuy nhiên, chỉ sau kết thúc cấy ít ngày, từ đêm ngày 27 đến rạng sáng ngày 28-7, bão số 1 (Mirinae) đổ bộ vào tỉnh ta gây gió rất mạnh và kèm theo mưa lớn đã làm ngập úng 74.070ha lúa, trong đó diện tích lúa bị ngập trắng kéo dài trên 4 ngày là 6.680ha, ngập trắng dưới 4 ngày 15.974ha. Diện tích lúa bị chết, phải cấy lại là 5.024ha. Diện tích phải cấy dồn, cấy dặm là 23.884ha. Ngay sau khi bão tan, Sở NN và PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện mọi biện pháp tiêu úng cứu lúa. Đồng thời kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của từng vùng, từng cánh đồng để áp dụng các biện pháp khắc phục, chăm sóc kịp thời, phù hợp: Những diện tích có mức độ thiệt hại trên 50% số cây và khó có khả năng phục hồi thì cấy lại; những diện tích thiệt hại dưới 50% số cây thì cấy dồn, dặm tỉa, bổ sung. Nhìn chung, các địa phương đã thực hiện cơ bản theo các biện pháp chỉ đạo và hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Hầu hết các diện tích bị thiệt hại được khắc phục xong trước ngày 13-8. Chúng tôi có mặt tại cánh đồng ở xã Trung Đông (Trực Ninh). Cách đây gần 3 tháng, bão số 1 đã làm cánh đồng này ngập sâu dưới nước tầm 40-50cm, nhưng với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền xã, HTX và sự cần cù chịu khó của bà con nông dân trong việc tiêu úng cứu lúa, khôi phục sản xuất sau bão nên vụ mùa ở Trung Đông vẫn giành thắng lợi. Bà Nguyễn Thị Lan cho biết: Mặc dù năm nay sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là sau cơn bão số 1 nhưng lúa mùa của gia đình tôi vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Do thực hiện bằng cơ giới hóa nên hơn 3 sào cấy giống BC15, gia đình bà chỉ gặt trong buổi sáng là xong. Năng suất bình quân đạt trên 200kg/sào. Không chỉ tại Trung Đông, thực tế cho thấy, tại một số cánh đồng của các xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc), Nam Thái (Nam Trực), Yên Bình (Ý Yên)… trong điều kiện thời tiết mưa bão gây ngập úng nhưng các địa phương đã thực hiện tiêu úng, dặm tỉa bổ sung và chăm sóc lúa sau bão đúng hướng dẫn của ngành NN và PTNT nên cây lúa hầu như không bị ảnh hưởng, vẫn sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Trong thời kỳ lúa trỗ bông, thời tiết hanh khô, ít mưa tương đối thuận lợi cho lúa phát triển, lại không bị ảnh hưởng nhiều bởi các đối tượng dịch hại như: rầy, bệnh đạo ôn cổ bông, đen lép hạt. Từ ngày 30-9, một số địa phương bắt đầu thu hoạch lúa. Theo đánh giá của ngành NN và PTNT, trà mùa sớm, mùa trung cho năng suất khá: Giống BC15 ước đạt 55-60 tạ/ha, giống BT7 ước đạt 40-50 tạ/ha, các giống khác đạt từ 50-55 tạ/ha… Năng suất lúa mùa bình quân toàn tỉnh ước đạt 52 tạ/ha. Huyện Giao Thủy được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt nhất việc chuyển dịch cơ cấu giống và quy trình thâm canh lúa mùa nên là huyện có diện tích nhiễm bạc lá ít nhất. Đồng chí Vũ Thanh Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Giao Thủy đã chỉ đạo quyết liệt về thời vụ, tập trung gieo sạ và cấy mạ nền nên đã hoàn thành công tác gieo cấy trước ngày 17-7. Khi bão số 1 đổ bộ, toàn bộ lúa của huyện đã bén rễ, hồi xanh. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo Cty KTCTTL Xuân Thủy cùng với UBND các xã, thị trấn tích cực khơi thông dòng chảy, tranh thủ tối đa mực nước thủy triều để tiêu úng triệt để bằng động lực cứu lúa. Chính vì vậy, diện tích lúa chết do ngập úng của huyện rất ít, ngay sau khi nước rút, lúa hồi phục và phát triển nhanh. Ước năng suất lúa mùa của huyện vẫn đảm bảo bình quân 53 tạ/ha. Ở huyện Vụ Bản, vụ mùa này tập trung cấy các giống: BC15 chiếm 38%; các giống HT1, Nếp 87, Nếp 97, BT7 chiếm 39%; lúa lai 16%; còn lại là các giống lúa khác. Huyện đã chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích gieo sạ, đạt 42% diện tích. Hầu hết các diện tích gieo sạ hoàn thành trước ngày 13-7 nên gần như Vụ Bản không bị ảnh hưởng nhiều bởi bão số 1. Năng suất lúa mùa của Vụ Bản ước đạt xấp xỉ 52 tạ/ha.

Trong vụ mùa 2016, toàn tỉnh đã xây dựng được 100 cánh đồng lớn sản xuất lúa với tổng diện tích 4.616ha, trong đó có 575ha được bao tiêu sản phẩm. Việc thực hiện liên kết này mở ra hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có sự tham gia của các nhà doanh nghiệp, tạo ra mối quan hệ mới và lực lượng sản xuất mới của một nền nông nghiệp tiên tiến. Đặc biệt trong vụ mùa này, tỉnh ta vẫn tiếp tục duy trì chương trình sản xuất giống lúa lai F1 do Cty TNHH Cường Tân và Cty CP Giống cây trồng Nam Định tổ chức sản xuất với tổng diện tích sản xuất 330ha, gồm 3 tổ hợp lai TH3-3, Thiên Trường 217, LC270, HQ19. Qua đó tạo ra nguồn giống tốt cung cấp cho gieo cấy cho cả trong và ngoài tỉnh để bảo đảm an ninh lương thực, phù hợp với các chân đất sâu, trũng, nhiễm mặn, chua… năng suất cao, chất lượng khá, ngắn ngày; từng bước chủ động nguồn giống lúa lai để không phải nhập ngoại, giảm chi phí đầu vào cho nông dân… Ngoài ra, trong vụ mùa năm 2016, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã khảo nghiệm nhiều giống lúa lai, lúa thuần có tiềm năng năng suất, chất lượng, chống chịu tốt để chọn lọc, đưa vào cơ cấu giống gieo cấy cho các vụ tới thay thế cho các giống đã thoái hóa hoặc không phù hợp với đồng đất, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ. Nổi bật là giống lúa thuần chất lượng cao Hương biển 5 và ĐA1, đây là các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (105-107 ngày), khả năng kháng bạc lá, chống đổ tốt hơn BT7; năng suất đạt từ 50-55 tạ/ha, những diện tích thâm canh tốt năng suất có thể đạt 60 tạ/ha. Chất lượng gạo tốt, hạt gạo trong, cơm dẻo, ngon có mùi thơm đặc trưng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay, có thể thay thế giống lúa BT7 trong vụ mùa. Giống lúa lai 3 dòng 6129 vàng cũng là giống lúa triển vọng khi thể hiện ưu điểm như: chịu thâm canh, sinh trưởng phát triển khỏe, đẻ nhánh tập trung, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, dạng hình đẹp, khóm gọn, chống chịu bệnh bạc lá rất tốt. Năng suất của giống lúa 6129 vàng đạt từ 60-65 tạ/ha, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ thâm canh của bà con nông dân trong tỉnh. Cũng trong vụ mùa này, Sở NN và PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh xây dựng mô hình “Canh tác lúa hiệu quả, bền vững và giảm phát thải” tại 15 xã của 5 huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Ý Yên và Vụ Bản. Mô hình đã trang bị kiến thức, kỹ năng về sản xuất lúa chất lượng cao, tăng hiệu quả sản xuất lúa, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đồng thời hạn chế phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, giúp nông dân tiếp cận với những mô hình sinh kế thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Hiện tỉnh đang đôn đốc các địa phương huy động mọi lực lượng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa. Những diện tích chưa thu hoạch còn lại chủ yếu là diện tích lúa trỗ muộn và lúa đặc sản. Nếu không có biến động nhiều về thời tiết thì đây tiếp tục là vụ mùa thắng lợi của tỉnh ta trong điều kiện gặp quá nhiều gian khó về thời tiết và dịch bệnh hại.

(còn nữa)
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com