Xuất khẩu thực phẩm đông lạnh - vì sao không phát triển?

08:10, 14/10/2016

Tỉnh ta là một trong 7 địa phương trên toàn quốc có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản phát triển mạnh. Do vậy từ nhiều thập niên trước, thực phẩm đông lạnh đã trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực sau một số nhóm hàng như: dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, lâm sản. Trong đó sản phẩm chủ yếu là lợn sữa, lợn choai và lợn mảnh xuất khẩu sang các thị trường Nga, Ba Lan, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Hồng Kông… Tuy nhiên thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu thịt lợn đông lạnh của tỉnh giảm đáng kể, thị trường cũng bị thu hẹp ở cả những nơi có sức tiêu thụ lớn như Nga, Nhật Bản, Xinh-ga-po. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lợn thịt, lợn sữa trên thế giới vẫn ổn định.

I - Nhận diện rào cản xuất khẩu thực phẩm đông lạnh

Trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp từng hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu thực phẩm đông lạnh là Cty CP Chế biến nông sản xuất khẩu, Cty TNHH Công Danh (TP Nam Định) với sản phẩm chính là thịt lợn các loại và Xí nghiệp Chế biến thủy sản Xuân Thủy trực thuộc Cty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội (Seaprodex) đứng chân trên địa bàn xã Xuân Vinh (Xuân Trường) chuyên chế biến, xuất khẩu thủy hải sản. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, toàn tỉnh chỉ có duy nhất Cty TNHH Công Danh (CCN An Xá) còn duy trì sản xuất sản phẩm thịt đông lạnh xuất khẩu với công suất đạt 80 nghìn tấn/năm. Dây chuyền sản xuất của Cty CP Chế biến nông sản xuất khẩu đang tạm ngừng sản xuất để nâng cấp, đổi mới công nghệ. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu thực phẩm đông lạnh không những không phát triển được sản phẩm mới mà còn thu hẹp quy mô. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do tác động của tình hình kinh tế thế giới, sự thay đổi xu hướng tiêu dùng; việc ký kết Hiệp định Thú y và Hiệp định Công nhận kết quả kiểm dịch của nhau giữa Nhà nước ta với các nước chưa được tiến hành kịp thời, vấn đề hạn ngạch cho các doanh nghiệp, trợ cấp, trợ giá xuất khẩu còn bất cập… thì mặt hàng thực phẩm đông lạnh xuất khẩu ngày càng gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật do các khách hàng đặt ra. Đối với sản phẩm thịt đông lạnh xuất khẩu phải đáp ứng hàng chục chỉ tiêu kỹ thuật từ nguyên liệu, sơ chế, bao gói, ghi nhãn, bảo quản, vận chuyển… Để đảm bảo các yêu cầu ngày càng gay gắt về chất lượng sản phẩm buộc các doanh nghiệp muốn xuất khẩu được sản phẩm phải ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chế biến. Đây là một thách thức với các doanh nghiệp của tỉnh bởi năng lực tài chính và công nghệ hạn chế. Không chỉ kiểm định sản phẩm đã chế biến, khách hàng còn cử chuyên gia về Cty để khảo sát trực tiếp nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm mỗi khi ký hợp đồng. Đáng chú ý là nhiều khách hàng Nga, Nhật Bản sang khảo sát tại các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thịt đông lạnh xuất khẩu trên địa bàn nhưng đã không đồng ý ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bởi các doanh nghiệp không đảm bảo an toàn thú y và điều kiện VSATTP trong chế biến. Một số hạn chế cụ thể như, cơ cấu giống lợn của tỉnh ta chủ yếu vẫn là lợn địa phương (chiếm trên 60%); năng suất thấp, tỷ lệ mỡ nhiều, không đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu. Hình thức chăn nuôi còn phân tán ở các hộ gia đình, chưa thực sự đi vào sản xuất hàng hóa quy mô lớn để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng thịt, tăng tỷ lệ nạc và đảm bảo VSATTP. Bên cạnh đó việc tổ chức quản lý chăn nuôi của các trang trại còn nhiều hạn chế; chưa khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên kiểm soát chất lượng sản phẩm còn nhiều vấn đề. Đặc biệt công nghệ chế biến thực phẩm đông lạnh của các doanh nghiệp còn lạc hậu nên không thể đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có sức tiêu thụ lớn nhưng yêu cầu chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po.

Chế biến thịt đông lạnh tại Cty CP Chế biến nông sản xuất khẩu.
Chế biến thịt đông lạnh tại Cty CP Chế biến nông sản xuất khẩu.

Những hạn chế đó đã khiến cho sản phẩm thịt đông lạnh bị mất sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu cả về giá thành, mẫu mã và chất lượng. Nếu không khắc phục sớm những hạn chế này, xuất khẩu thịt lợn đông lạnh tiếp tục bị bế tắc, nguồn nguyên liệu tại chỗ tiếp tục phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Và hệ lụy tương ứng là chăn nuôi phát triển không bền vững, giá trị gia tăng nông sản thấp.

II - Giải pháp phát triển xuất khẩu thực phẩm đông lạnh

Là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển với tổng đàn lợn khoảng 850 nghìn con, trong đó có 40 nghìn con lợn nái, cung ứng hơn 2 triệu con lợn sữa/năm; 4.000 tấn thịt trâu, bò; 16 nghìn tấn thịt gia cầm và 110 nghìn tấn thủy sản. Đó là nguồn nguyên liệu phong phú cho ngành chế biến thực phẩm đông lạnh xuất khẩu. Tuy nhiên cả quy mô và cơ cấu mặt hàng thực phẩm xuất khẩu của tỉnh ta còn quá nhỏ và đơn điệu.

Từ việc phân tích, nhận diện những rào cản làm hạn chế xuất khẩu thực phẩm đông lạnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung nghiên cứu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, đưa nhanh các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào cải tạo, phát triển đàn vật nuôi của tỉnh để tạo chuyển biến căn bản về chất lượng nguồn nguyên liệu thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản. Đồng thời đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và chế biến thực phẩm đông lạnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, ngành NN và PTNT đã cơ cấu lại sản xuất, quy hoạch phát triển các sản phẩm chăn nuôi sau chế biến như thịt lợn mảnh, lợn sữa, thịt và trứng gia cầm. Theo đó, tỉnh hình thành 139 vùng chăn nuôi tập trung tại các xã thuần nông (trừ các xã, thị trấn có làng nghề), trong đó tập trung nhiều nhất ở Hải Hậu (28 xã), Giao Thủy (19 xã) và ít nhất ở các huyện Mỹ Lộc (8 xã), Nam Trực, Trực Ninh (10 xã). Mỗi vùng sẽ có từ 1 đến 2 trang trại hạt nhân làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp, sản xuất, cung ứng con giống, bao tiêu sản phẩm. Hỗ trợ trực tiếp về nguồn giống chất lượng cho người chăn nuôi thông qua việc triển khai thí điểm chương trình quản lý lợn đực giống, hoặc hỗ trợ giống theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Song song với việc khuyến khích đầu tư theo quy mô tập trung, ngành chăn nuôi toàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp như cải tạo và nâng cao chất lượng đàn lợn nái, đàn gia cầm giống để nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm thương phẩm; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi đàn lợn, đàn gà… Đồng thời triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như hưởng miễn, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuê đất, đào tạo nhân lực, phát triển thị trường… Các dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ tập trung được hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng điện, nước, xử lý chất thải… Ưu việt hóa các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cùng với lợi thế và tiềm năng về đất đai, nguồn thức ăn cho chăn nuôi, vị trí và địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại các địa phương… đã thu hút được nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào mở rộng chăn nuôi và ứng dụng công nghệ trong chế biến. Điển hình như dự án đầu tư của Cty TNHH Thủy sản Ngũ Hải xây dựng trang trại sản xuất 3.000 con lợn ngoại tại xã Liên Bảo (Vụ Bản); Cty TNHH Tiến Đạt đầu tư dự án xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại huyện Xuân Trường… Bên cạnh đó, nhiều hộ cá thể đã thành công với việc đi lên từ mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại hoặc liên doanh chăn nuôi gia công theo hợp đồng cho các Cty, tập đoàn lớn. Tiêu biểu như mô hình kinh doanh của Cty TNHH Biển Đông của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, xã Hải Nam (Hải Hậu). Với mô hình xây dựng “Nhà máy chế biến sạch, khu chăn nuôi xanh”, ông đã đầu tư trang trại chăn nuôi lợn theo công nghệ khép kín tại các xã Hải Lộc (Hải Hậu), Giao Thịnh (Giao Thủy) có quy mô 1.500 con lợn nái và hơn 5.000 con lợn thịt. Với những giống lợn ngoại chất lượng cao như Duroc, Yorkshire, Landrace  và Pietrain kháng stress, nhân giống thuần có nguồn gốc từ Bỉ nhằm chủ động nguồn giống lợn chất lượng cao, cung ứng cho các trang trại và hộ chăn nuôi lợn thịt trong vùng, tạo nguồn nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu phục vụ xuất khẩu. Đồng thời xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm với công suất 50 tấn/ngày. Dự kiến đến năm 2017, nhà máy chế biến sẽ đi vào hoạt động với nhu cầu nguồn cung nguyên liệu mỗi năm từ 150-180 nghìn con lợn tạ. Sản phẩm của Cty cũng không chỉ dừng lại ở thịt đông lạnh xuất khẩu mà còn mở rộng ra các loại thức ăn nhanh chế biến từ thịt lợn trên dây chuyền công nghệ cao như: Xúc xích, thịt ba chỉ, thăn, chân giò xông khói. Cùng với Cty TNHH Biển Đông, ngay trong năm 2016, Cty TNHH Công Danh (TP Nam Định) đã hoàn thiện đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến thịt lợn sữa xuất khẩu với công suất 800 nghìn tấn/năm trị giá gần 7 tỷ đồng. Tiền thân là cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, hải sản thực phẩm, sau nhiều năm xây dựng và phát triển, Cty đã từng bước khẳng định uy tín với các khách hàng trong và ngoài nước. Năm 2015, nhận thấy nhu cầu thực phẩm lợn thịt, lợn sữa là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn và ổn định, hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, ổn định sản xuất của doanh nghiệp và được sự khuyến khích, hỗ trợ của các ngành chức năng nên doanh nghiệp đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm đông lạnh (sản phẩm chủ yếu là lợn thịt và lợn sữa đông lạnh). Đây là tín hiệu tích cực không chỉ giúp Cty phát triển mạnh mà còn góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Với sự nỗ lực của cả chính quyền địa phương, các ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cũng như những hộ chăn nuôi trên địa bàn, chắc chắn những hạn chế trong xuất khẩu thực phẩm đông lạnh sẽ được khắc phục. Mục tiêu tăng trưởng của ngành chăn nuôi tới năm 2020 tăng 7,5-8,0%; cụ thể đối với chăn nuôi lợn sẽ tăng sản lượng thịt lợn từ 138.800 tấn trong năm 2015 lên 192.300 tấn năm 2020; tăng sản lượng thịt gà từ 16.500 tấn năm 2015 lên 26.550 tấn năm 2020; tăng sản lượng trứng gà từ 95 triệu quả năm 2015 lên 110 triệu quả năm 2020; từng bước xuất khẩu thịt lợn mảnh vào thị trường Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời mở rộng sản phẩm xuất khẩu ngoài thịt lợn và thủy sản như gà, một số gia cầm khác./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com