Tháo gỡ khó khăn về nhu cầu vay vốn lập nghiệp cho thanh niên

08:10, 19/10/2016

Những năm qua, tổ chức Đoàn, Hội LHTN các cấp trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay giải quyết việc làm để phát triển kinh tế gia đình, lập thân, lập nghiệp. Song thực tế hiện nay, nguồn vốn cho thanh niên vay đầu tư phát triển kinh tế còn rất hạn chế, nhiều thanh niên bắt đầu khởi nghiệp vẫn rất khó khăn khi tiếp cận các kênh vay vốn.

Toàn tỉnh hiện có 102.627 đoàn viên thanh niên (ĐVTN); trong đó có 5.211 hộ gia đình ĐVTN được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với tổng dư nợ 117 tỷ 392 triệu đồng ở 187 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) qua các kênh như: Vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (vốn 120), vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, vốn vay học sinh, sinh viên; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động; nước sạch và vệ sinh môi trường... Theo đánh giá, đa số các nguồn vốn trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hàng nghìn gia đình ĐVTN làm chủ hộ, trong đó có nhiều gia đình ĐVTN nông thôn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Có thể kể đến một số mô hình kinh tế tiêu biểu như: Anh Phạm Văn Triều, xã Xuân Tân (Xuân Trường) mở xưởng mộc, mỗi năm cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 13 lao động địa phương, chủ yếu là thanh niên với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng; Cơ sở đục khắc đá mỹ nghệ của anh Nguyễn Văn Toản, xã Hải Chính (Hải Hậu) có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 lao động địa phương; Xưởng may gia công quần áo của anh Mai Văn Ước, xã Giao Tân (Giao Thủy), tạo việc làm cho 3 lao động, mỗi năm thu nhập khoảng 150 triệu đồng; gia trại chăn nuôi lợn thịt của anh Lê Văn Viện, xã Nam Hoa (Nam Trực), tạo việc làm cho 5 lao động, thu nhập hằng năm từ 100-250 triệu đồng/năm… Như vậy, hiệu quả từ các nguồn vốn vay mang lại rất thiết thực, giúp nhiều ĐVTN mạnh dạn đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các nguồn vốn vay do tổ chức Đoàn quản lý hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn, giải quyết “cơn khát vốn” của thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, thanh niên tại các làng nghề khi muốn khởi nghiệp. Số ĐVTN được vay vốn còn khá khiêm tốn so với tổng số thanh niên trong toàn tỉnh; nhiều thanh niên có ý định làm giàu nhưng rất khó lập nghiệp do thiếu vốn. Anh Phạm Văn Chiều, xã Xuân Tân (Xuân Trường) là một trong những thanh niên đạt giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết: “Ở địa phương tôi, nhiều thanh niên muốn làm giàu nhưng vẫn loay hoay do thiếu vốn. Cái khó của thanh niên khi muốn khởi nghiệp là ở vấn đề huy động nguồn vốn. Vì thế, chúng tôi mong muốn được tiếp cận với nhiều kênh vay vốn, số tiền vay được nhiều hơn để có cơ hội đầu tư cho sản xuất, phát triển kinh tế”.

 Anh Dương Văn Bình, tổ dân phố số 13, làng Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) mở xưởng cơ khí, tạo việc làm cho nhiều ĐVTN.
 Anh Dương Văn Bình, tổ dân phố số 13, làng Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) mở xưởng cơ khí, tạo việc làm cho nhiều ĐVTN.

Mặc dù hiện nay nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế của ĐVTN là rất lớn, tổ chức Đoàn sẵn sàng đứng ra tín chấp để thanh niên được vay vốn nhưng trên thực tế, đến nay tổng dư nợ cho vay của tổ chức Đoàn được ủy thác lại ít nhất trong các đoàn thể. Nguyên nhân do quy định của các tổ chức tín dụng phải có tài sản thế chấp mới vay được vốn, trong khi một số ĐVTN vẫn sống cùng gia đình nên không có tài sản để thế chấp. Người vay vốn nếu là hộ độc lập thì phải là hộ nghèo, hoặc cận nghèo, nếu trường hợp chưa tách hộ thì không được chồng chéo (nghĩa là nếu bố mẹ đã vay ở các tổ chức khác thì con không vay được nữa). Do đó, những ĐVTN không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có ý tưởng, mô hình kinh doanh hiệu quả khi muốn huy động vốn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thiết nghĩ, thay vì nguồn vốn chỉ dành cho thanh niên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, cần mở rộng đối tượng cho vay căn cứ vào hiệu quả của mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Từ mô hình kinh tế của ĐVTN được vay vốn làm ăn hiệu quả sẽ là cơ sở để tổ chức Đoàn huy động vốn quỹ cho ĐVTN vay phát triển kinh tế. Ngoài ra, một số cán bộ Đoàn còn chưa nhiệt tình với công tác này, thủ tục, giấy tờ một số kênh vay vốn phức tạp, nhiều dự án chưa thuyết phục được các kênh cho vay… cũng gây khó cho ĐVTN khi muốn vay vốn và với số tiền được vay ít, thủ tục phức tạp, kéo dài cũng khiến nhiều thanh niên không “mặn mà” lắm với việc huy động vốn từ các ngân hàng hoặc kênh cho vay. Cụ thể, đối với nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn tính đến tháng 3-2016, số vốn được phân bổ về tỉnh là 1 tỷ 495 triệu đồng cho 16 hộ gia đình ĐVTN vay. Tuy nhiên, Trung ương Đoàn quy định, mỗi dự án vay không quá 50 triệu đồng, thời gian vay không quá 60 tháng. Số tiền này chỉ phù hợp với những hộ gia đình ĐVTN muốn phát triển mô hình VAC có quy mô nhỏ và vừa. Riêng đối với thanh niên làng nghề, đặc biệt khi họ muốn phát triển các nghề TTCN, số vốn vay trên chỉ như “muối bỏ biển”. Vì vậy, ĐVTN, cơ sở Đoàn cũng không hào hứng khi tiếp nhận nguồn vốn 120, việc giải ngân nguồn vốn trên do đó hiệu quả cũng chưa cao.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN được tiếp cận với các nguồn vốn vay, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn tiến hành rà soát những thanh niên có nhu cầu vay vốn và dự án thiết thực, lập hồ sơ và đề án sản xuất, kinh doanh cụ thể, đồng thời tiến hành thẩm định dự án xúc tiến giải ngân nguồn vốn cho những dự án khả thi. Tăng cường công tác quản lý, giám sát các nguồn vốn vay, tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH trong việc đôn đốc quá trình trả vốn vay đúng hạn, bảo đảm các dự án sử dụng vốn đúng mục đích. Đồng thời, công tác thẩm định các dự án phải được tiến hành chặt chẽ và thường xuyên, chú trọng, nhân rộng những dự án tạo nhiều việc làm cho ĐVTN nông thôn. Bên cạnh đó, để giúp ĐVTN vay vốn, tổ chức Đoàn cần quan tâm hơn nữa việc triển khai thực hiện chính sách vay vốn, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, mở rộng cả về nguồn vốn và hình thức cho vay. Đặc biệt, tổ chức Đoàn cơ sở cần định hướng cho ĐVTN phát triển những mô hình sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường; từ đó, hỗ trợ thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn có điều kiện phát triển kinh tế, giúp họ “ly nông bất ly hương”./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com