Làm thế nào để giải cơn "khát vốn" của các hợp tác xã? (kỳ 1)

08:10, 11/10/2016

Hiện nay trong tổng số 398 HTX trong toàn tỉnh mới có 41 HTX đang có quan hệ tín dụng với các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn, với dư nợ vay chỉ chiếm 0,31% tổng dư nợ cho vay, con số quá ít so với nhu cầu vốn của các HTX. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các ngân hàng không thể giải ngân cho các HTX vay, trong khi các HTX thì “khát vốn” để duy trì, phát triển các dịch vụ hoặc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh? Thực tế đó đang đòi hỏi các bên liên quan cần có những giải pháp đồng bộ để nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, TCTD đến được với các HTX.

I. Chính sách nhiều, thực thi ít

Xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định của đất nước, Đảng, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này, đặc biệt là đối với khu kinh tế HTX. Ngày 12-4-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP “Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Cũng trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg “Về chính sách hỗ trợ nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản” (sau đó ngày 2-11-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Chính phủ). Các quyết định này đã mở ra cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn cho các HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình, hộ kinh doanh... ở khu vực nông thôn được vay vốn ngân hàng đến 500 triệu đồng không cần phải thế chấp tài sản mà chỉ bằng tín chấp. Tiếp đó ngày 9-6-2015, Chính phủ lại có Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo quy định tại Nghị định 55 mức cho vay tối đa không có bảo đảm bằng tài sản đối với HTX là: 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; 2 tỷ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; 3 tỷ đồng đối với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ khai thác hải sản xa bờ. Các khoản vay này được hưởng lãi suất ưu đãi đối với các khoản vay ngắn hạn hoạt động trên địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó còn có các chính sách cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ (sau là Nghị định 89/2015/NĐ-CP); chính sách cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ; chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ…

HTX Muối Bạch Long (Giao Thủy) chưa tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng để đầu tư phát triển nghề làm muối sạch.
HTX Muối Bạch Long (Giao Thủy) chưa tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng để đầu tư phát triển nghề làm muối sạch.

Hàng loạt cơ chế, chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của xã viên. Tuy vậy trên thực tế các HTX vẫn rất khó khăn khi vay vốn ngân hàng, khiến các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng “khát vốn” hoặc phải “tự bơi” tìm nguồn vốn để duy trì hoạt động một cách cầm chừng. Theo số liệu thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 398 HTX, trong đó có 298 HTX nông nghiệp; 14 HTX diêm nghiệp; 14 HTX vận tải và 72 HTX khác. Hiện có 41 HTX đang có quan hệ vay vốn với các ngân hàng, TCTD trên địa bàn với tổng dư nợ 99 tỷ 604 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 0,31% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn. Phân theo thời hạn vay thì vốn vay ngắn hạn là 22 tỷ 445 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 22,5%, số còn lại là vốn vay trung và dài hạn. Phân theo loại hình thì các HTX nông nghiệp vay 1 tỷ 494 triệu đồng, chiếm 1,5%; HTX dệt may vay 896 triệu đồng, chiếm 1%; HTX vận tải vay 85 tỷ 658 triệu đồng, chiếm 86%; số vốn vay còn lại là của các HTX khác. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hầu hết các HTX đều có nhu cầu thực về vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm các loại hình dịch vụ mới hoặc xây dựng các mô hình trình diễn hỗ trợ kỹ thuật cho xã viên. Tuy nhiên các HTX đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, TCTD. Hầu hết các HTX đang hoạt động bằng nguồn vốn đóng góp của các thành viên không có tài sản cố định (trụ sở đi thuê hoặc sử dụng nhà riêng của thành viên Hội đồng quản trị…). Do đó, để có thể vay được vốn đáp ứng yêu cầu hoạt động, các thành viên HTX phải sử dụng tài sản cá nhân để thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên số lượng thành viên tình nguyện này lại không nhiều nên bước tiến kinh tế HTX cũng chỉ cầm chừng. Đồng chí Phạm Văn Chiến, chủ nhiệm HTXDVNN Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) cho biết: Hiện nay, HTX đang đảm nhiệm hầu hết các khâu dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con xã viên. Vào thời điểm đầu mỗi vụ sản xuất, HTX cần khoảng từ 1,5 đến 1,7 tỷ đồng để đầu tư cho các dịch vụ làm đất, thủy nông, cung ứng vật tư nông nghiệp… trong khi nguồn vốn tự có của HTX chỉ có khoảng 500-600 triệu đồng. HTX Nghĩa Bình không có tài sản gì để có thể thế chấp, vay vốn, ngay cả trụ sở làm việc của Ban quản trị HTX cũng không có phải “mượn tạm” một phòng làm việc của UBND xã Nghĩa Bình. Vì vậy bản thân tôi phải sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình để thế chấp ngân hàng vay vốn cho HTX duy trì hoạt động. Cũng giống với HTX Nghĩa Bình, HTXDVNN Nghĩa Thắng thực hiện hỗ trợ cho các xã viên kỹ thuật nuôi các giống thủy, hải sản mới và tìm đầu ra cho các sản phẩm của các thành viên trong HTX. Mỗi vụ HTX đã cung cấp hàng triệu con giống cho các xã viên trong HTX. Tuy nhiên tài sản để bảo đảm vay vốn ngân hàng thì không có, trong khi giá các loại thủy hải sản thường xuyên không ổn định khiến hoạt động sản xuất của xã viên gặp không ít khó khăn. Nhiều khi HTX muốn có vốn để hỗ trợ cho xã viên lúc khó khăn tiếp tục sản xuất nhưng “lực bất tòng tâm” vì không vay được, do đó dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, xã viên tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình khiến hiệu quả sản xuất không cao, thiếu tính ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro… Trong khi đó, khi tiếp xúc với lãnh đạo Chi nhánh NHNN tỉnh cũng như đại diện các ngân hàng thương mại, TCTD chúng tôi đều nhận thấy quan điểm của ngành Ngân hàng là tập trung vốn cho khu vực kinh tế HTX và nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ngân hàng không thiếu vốn, luôn sẵn sàng “mở cửa” cho các đối tượng khách hàng vay theo Nghị định 41, Nghị định 55. Tuy nhiên thời gian qua ở tỉnh ta kinh tế hộ vay là chủ yếu; các HTX, tổ hợp tác và chủ trang trại có vay nhưng không nhiều. Việc thực hiện Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg, Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… các ngân hàng đã triển khai trong phạm vi toàn tỉnh nhưng đến nay dư nợ vẫn không đáng kể.

Các HTX trong tỉnh đang cần vốn để duy trì, đầu tư mở rộng và phát triển thêm các loại hình dịch vụ mới, trong khi các ngân hàng, TCTD không thể cho vay đang là một thực tế đáng buồn. Điều này rất cần có sự chung tay vào cuộc của các bên liên quan nhằm tháo gỡ những rào cản, vướng mắc để các HTX có thể hấp thụ được nguồn vốn tín dụng, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn./.

(còn nữa)
Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com