Nâng cao năng lực quản lý đô thị Nam Định

08:10, 07/10/2016
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, Thành phố Nam Định có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo các điều kiện đô thị trung tâm vùng theo tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX, UBND thành phố xác định đi đôi với đầu tư xây dựng là phải nâng cao năng lực quản lý và phát triển đô thị.
 
Đồng chí Phạm Duy Hùng, quyền trưởng Phòng Quản lý đô thị Thành phố Nam Định cho biết: Củng cố, nâng cao chất lượng mọi mặt cho đội ngũ cán bộ quản lý đô thị là một yêu cầu quan trọng đối với tiến trình phát triển thành phố trong thời gian tới. Do đó, thời gian qua, thành phố đã tập trung kiện toàn bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức Phòng Quản lý đô thị, chỉ đạo các phường, xã bố trí cán bộ chuyên trách về quản lý đô thị. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đô thị được quan tâm, nhất là vào các lĩnh vực: quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, xử lý vi phạm trật tự xây dựng… Đến nay, Phòng Quản lý đô thị thành phố có 11 cán bộ, công chức, trong đó 5 người có trình độ thạc sĩ, 6 người có trình độ đại học. Các lĩnh vực được phân công rõ ràng để bảo đảm chất lượng quản lý và giám sát thực hiện như: quản lý giao thông vận tải, ATGT; quản lý xây dựng, quy hoạch và kiến trúc đô thị, tổ quản lý thoát nước, điện chiếu sáng, công viên cây xanh, nghĩa trang và vệ sinh môi trường. Tại 25 phường, xã trên địa bàn thành phố đều bố trí cán bộ kiêm nhiệm về quản lý đô thị phụ trách thống kê, báo cáo về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị, kiểm soát chặt chẽ trật tự xây dựng trên địa bàn. Cán bộ địa chính, tổ công tác quản lý trật tự đô thị của các phường thường xuyên bám sát từng tổ dân phố, kiểm tra giám sát hoạt động xây dựng trên địa bàn. Công tác kiểm tra, thanh tra, báo cáo và triển khai các hạng mục công việc định kỳ hằng tuần ở các phường, xã giúp phát hiện sớm các sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị và sửa chữa bảo dưỡng nhanh chóng. Hằng tuần thành phố thường xuyên tổ chức các đoàn do lãnh đạo thành phố phụ trách kiểm tra về xây dựng văn minh đô thị và trật tự xây dựng tại các phường, xã để kịp thời chỉ đạo giải quyết các vướng mắc tồn tại ở cơ sở, chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các phường, xã tăng cường tuyên truyền các văn bản pháp luật và các chỉ đạo mới của UBND thành phố về quản lý đô thị, xây dựng đến các khu dân cư để nâng cao ý thức và kiến thức pháp luật cho người dân cùng tham gia bảo đảm trật tự xây dựng, trật tự đô thị.  
Chăm sóc bồn hoa dải phân cách trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (TP Nam Định).
Chăm sóc bồn hoa dải phân cách trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (TP Nam Định).
6 tháng đầu năm 2016, công tác quản lý đô thị tại thành phố tiếp tục được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Đối với công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc và xây dựng đô thị, thành phố đang chỉ đạo đôn đốc đơn vị tư vấn tiếp tục thực hiện lập quy hoạch điều chỉnh 3 phường, xã phía nam sông Đào gồm xã Nam Phong, xã Nam Vân, phường Cửa Nam để phục vụ công tác quản lý và kêu gọi đầu tư phát triển. Cán bộ Phòng Quản lý đô thị trực tiếp tham gia ở Trung tâm hành chính “một cửa” để giải quyết việc cấp phép xây dựng trên tinh thần coi đây là “công cụ quan trọng” để giám sát quy hoạch và thực hiện quy hoạch. 6 tháng đầu năm 2016, thành phố đã cấp phép xây dựng cho 231 hồ sơ. Đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, thành phố tập trung chỉ đạo Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các ngôi nhà thuộc diện nguy hiểm. Tính đến 30-6-2016, Cty đã tiến hành cải tạo, sửa chữa 28/35 hạng mục công trình theo kế hoạch năm 2016, còn 7 hạng mục người dân không đồng ý cho sửa chữa, chờ ý kiến chỉ đạo của thành phố. Duy trì vận hành thường xuyên các cụm đèn tín hiệu giao thông trên toàn thành phố; khắc phục kịp thời các sự cố liên quan đến biển báo giao thông, biển tên đường phố, dải phân cách. Tổ chức duy tu, sửa chữa vét rãnh đường Thái Bình; sơn kẻ thêm 6 tuyến đường và 5 nút giao thông tại các ngã tư đường. Khối lượng rác thải được thu gom đạt 92%, trung bình mỗi ngày thu gom được 185,38 tấn rác phát sinh. Thực hiện duy tu, cắt tỉa cây các công viên, vườn hoa, dải phân cách, cắt tỉa cây đường phố đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị của 130 tuyến phố văn minh đô thị. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình trạng vi phạm trật tự đô thị mặc dù đã được thành phố tập trung chỉ đạo và các phường, xã quan tâm hơn nhưng chưa được xử lý triệt để. Tình trạng đổ phế thải xây dựng, rác thải ra lòng đường vỉa hè và nơi công cộng vẫn còn diễn ra thường xuyên tại một số khu vực nhưng chưa được ngăn chặn xử lý dứt điểm như trên đường Trần Nhân Tông nơi giáp ranh 2 phường Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền và khu vực chân cầu Đò Quan. Công tác thoát nước các đơn vị liên quan chưa phối hợp để giải quyết kịp thời nên vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ ở một số tuyến phố khi mưa to. Nguyên nhân chủ yếu là do đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý đô thị vẫn còn thiếu về số lượng và hạn chế về kinh nghiệm quản lý. Vẫn còn tình trạng cán bộ quản lý đô thị ở Phòng và chuyên viên ở phường, xã chưa sát sao thực hiện nhiệm vụ, đôi khi còn né tránh trách nhiệm, chưa chủ động nắm bắt tình hình và tham mưu giải pháp cho UBND thành phố chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực quản lý đô thị; hạ tầng thiết kế cơ sở như hệ thống giao thông đô thị, cấp, thoát nước đô thị, cảnh quan kiến trúc, trật tự đô thị còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới. 
 
Nhận thức rõ được các mặt yếu kém còn tồn tại trong công tác quản lý đô thị trên địa bàn thành phố, thời gian tới, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ công tác trọng tâm theo kế hoạch như hoàn thiện các quy hoạch 3 phường, xã phía nam sông Đào làm cơ sở để quản lý chặt các hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị tại đây; triển khai nhiệm vụ thiết kế đô thị các tuyến phố chính, trước hết thí điểm thiết kế đô thị tuyến đường Võ Nguyên Giáp; xây dựng quy chế quản lý các khu chức năng đặc thù. Lập đề án mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập 5 xã của huyện Nam Trực, 3 xã của huyện Vụ Bản và huyện Mỹ Lộc về Thành phố Nam Định theo Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2084/QĐ-TTg ngày 22-11-2011; nghiên cứu điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung của thành phố theo hướng hiện đại, bền vững và khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố; điều chỉnh, chia tách, thành lập mới một số phường trên cơ sở các đơn vị hành chính hiện nay (phường Lộc Vượng, xã Lộc Hòa, xã Mỹ Xá, Khu đô thị Hòa Vượng...) của thành phố để trình duyệt và tổ chức thực hiện trong năm 2017. Xác định rõ các danh mục, dự án tập trung đầu tư chỉnh trang các tuyến đường, tuyến phố, các công trình công cộng... trong giai đoạn 2016-2020. Siết chặt công tác cấp phép xây dựng, đảm bảo thời gian theo quy trình, góp phần phục vụ tốt cho các hộ dân khi có nhu cầu xây dựng, từng bước nâng cao chất lượng cấp phép và quản lý sau cấp phép nhằm quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố ngày một tốt đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu xây dựng mở rộng phát triển không gian thành phố trong tương lai. Tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo điều hành công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn như quy chế quản lý sử dụng hè đường; quy chế quản lý biển quảng cáo trong đô thị; quản lý phương tiện vận tải; tiêu chí xây dựng tuyến phố văn minh đô thị… Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý dịch vụ đô thị, hằng tháng kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm hoàn thiện chất lượng dịch vụ đô thị./.
 
Bài và ảnh: Tố An


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com