Quản lý chất lượng mỹ phẩm - Vấn đề còn nhiều nan giải

07:05, 21/05/2012

Nghe nói từ khi bạn Thắm cạnh nhà bôi loại kem Halog dưỡng trắng da mặt trông trắng xinh hẳn lên, em Trang ở phố Đặng Việt Châu, phường Cửa Bắc (TP Nam Định) vội mua ngay về dùng. Dùng hết hai lọ kem Halog mua tại chợ Rồng, Trang thấy mặt mình trắng trẻo hẳn ra. Nhưng khi mua tiếp lọ thứ ba, mới bôi được vài ngày thì em phải vào viện vì da mặt bị sưng tấy bởi những mảng mụn đỏ lớn… Còn chị Thu Hường, nhà ở đường Nguyễn Công Trứ, khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định), sau khi mua chai dầu gội đầu Clear ở một cửa hàng mỹ phẩm có uy tín ở phố Hàng Cấp (TP Nam Định) về dùng được nửa chai, nhưng gội đến phần nửa sau của chai, mặc dù đầu mới gội nhưng ngay sau hôm gội, tóc chị đã đầy gầu và ngứa không thể chịu nổi... Trường hợp của em Trang, chị Hường là 2 trong số rất nhiều ví dụ của việc dùng phải mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm giả đang tràn ngập và khá phổ biến trên thị trường hiện nay.

Tràn lan các loại mỹ phẩm trên thị trường, khó phân biệt thật, giả.
Tràn lan các loại mỹ phẩm trên thị trường, khó phân biệt thật, giả. Ảnh: Internet.

Trong vai người mua hàng, chúng tôi đi khảo sát một cửa hàng bán mỹ phẩm tại phố Hàng Cấp (TP Nam Định). Với mặt bằng hơn 70m2 nhưng cửa hàng này mỗi ngày có tới hàng trăm lượt khách ra vào. Hàng hóa tại đây có đủ loại, từ quần áo, xà phòng, dầu gội đầu, kem đánh răng, kem bôi trắng da, son phấn, chì kẻ mắt... từ thương hiệu trong nước đến cả những sản phẩm nhập khẩu, có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc... Trước bạt ngàn các loại mỹ phẩm khác nhau, đắn đo mãi chúng tôi hỏi mua loại kem dưỡng trắng da Pond's của hãng Unilever. Hỏi nhân viên bán hàng, được biết kem bôi trắng da của hãng này có nhiều loại, thông dụng nhất và được nhiều chị em mua dùng là loại kem trắng da dùng vào ban ngày và kem trắng da vào ban đêm, có giá 50 nghìn đồng/lọ, nhưng cũng loại này lại có giá gần 200 nghìn đồng/lọ. Hỏi nhân viên bán hàng nên chọn mua loại nào thì được trả lời: "Cứ loại đắt tiền mà mua cho yên tâm". Ngoài việc quan tâm đến giá cả, nhãn hiệu thì khách hàng hầu như chỉ cảm nhận sản phẩm mỹ phẩm bằng cảm quan. Do vậy, trước nhiều chủng loại mỹ phẩm với tên gọi khác nhau, không biết chọn loại nào thì vai trò tư vấn cho người mua của nhân viên bán hàng là rất quan trọng. Thông thường thì nếu sau khi dùng có xảy ra vấn đề gì về phản ứng hoặc dị ứng thì khách hàng cũng "ngại" đến nơi bán trả lại hàng mà thường tự an ủi, là do da mình mẫn cảm với loại mỹ phẩm này (!).

Còn tại hơn chục quầy bán mỹ phẩm - đồ lưu niệm ở khu vực chợ Rồng, rất dễ dàng để tìm ra những gian hàng bày bán la liệt các loại mỹ phẩm từ son môi, phấn má, sơn móng tay móng chân đến kem dưỡng da…, giá rẻ, chỉ từ 5.000-10.000 đồng đến 20.000-30.000 đồng/sản phẩm. Tại một ki ốt trên tầng 2 chợ Rồng, một lọ nước sơn móng chân, móng tay giá chỉ 2.000 đồng, trên lọ thuốc không hề có thông tin về sản phẩm như địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoạt chất có trong lọ... Hỏi đến xuất xứ, chất lượng hay việc sử dụng thế nào cho an toàn thì người bán đều tỏ ra lúng túng. Một người kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm tại chợ Rồng cho biết: “Ngoài nhập một số mặt hàng mỹ phẩm của các hãng trong nước và một số hàng nhập khẩu có tem chống hàng giả, có tem nhập khẩu về để bán thì nhiều quầy còn nhập cả mỹ phẩm không có tem chống giả, mỹ phẩm làm nhái, để bán xen lẫn mà chính bản thân người bán cũng không biết hàng thật hay giả" (!). Chính vì sự dễ dãi, thiếu hiểu biết về nhãn hàng hóa của phần lớn người tiêu dùng và người bán hàng nên các loại mỹ phẩm nhái, giả, kém chất lượng, quá "đát" có đất sống và số người tiêu dùng bị nạn cũng tiếp tục gia tăng. Theo thống kê của Trung tâm Da liễu tỉnh, trong số các bệnh nhân đến khám, điều trị về da liễu tại Trung tâm năm 2011 thì có 30 trường hợp bệnh nhân bị viêm da kích ứng do tiếp xúc với hóa mỹ phẩm. Từ đầu năm đến nay đã có 18 trường hợp tới đây khám và điều trị do da bị kích ứng, thâm nám, bị mụn do dùng mỹ phẩm kém chất lượng hoặc không phù hợp. Ngoài ra, số người bị ảnh hưởng nhẹ hoặc "tự giải quyết" được chắc chắn phải cao hơn rất nhiều. Có nhiều loại mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như kem xoa mặt, dầu gội, xà phòng, sơn móng tay, nước hoa, sản phẩm chăm sóc tóc, da, răng miệng, trang điểm và tẩy trang... Hiện nay việc quản lý mỹ phẩm chỉ do ngành Y tế đảm nhận, trong khi thị trường mỹ phẩm còn khá ngổn ngang, việc quản lý có khá nhiều vấn đề nan giải. Không như thuốc tân dược, người bán cần phải có giấy phép kinh doanh và phải có đủ điều kiện kinh doanh. Trên thực tế, hiện nay việc kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm quá dễ dãi, ai cũng có thể kinh doanh được, thậm chí ở một số tiệm cắt tóc, gội đầu, khách hàng cũng được chào mời mua mỹ phẩm. Có lần vào cắt tóc tại một hiệu cắt tóc trên đường Nguyễn Trãi (TP Nam Định) tôi được chào mua một hộp kem dưỡng da là "hàng xách tay" với giá gần... 1 triệu đồng, còn chất lượng thì... tin tưởng vào người bán. Ngoài rất ít các cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm có giấy phép thì phần lớn cơ sở, cửa hàng đang kinh doanh nhiều loại mỹ phẩm hiện không có giấy phép kinh doanh, không có giấy phép lưu hành sản phẩm. Cách thức tiêu thụ khá phổ biến hiện nay là bày lẫn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không có giấy phép lưu hành với hàng chính hãng, có giấy phép lưu hành… Sa vào "trận đồ bát quái" này, người tiêu dùng khó đủ tỉnh táo để không bị mắc lừa!

Từ năm 2007, Chính phủ quy định, quản lý mỹ phẩm chung thuộc về Bộ Y tế. Cơ quan kiểm tra chất lượng mỹ phẩm ở địa phương là Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động về hậu mãi đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước, mỹ phẩm nhập khẩu lưu thông trên địa bàn và xử lý các vấn đề về chất lượng mỹ phẩm theo quy định của pháp luật. Trên địa bàn tỉnh, việc kiểm tra chất lượng mỹ phẩm được Sở Y tế giao cho Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm, Mỹ phẩm tỉnh. Khó khăn hiện nay của Trung tâm là khâu giám định, thông tin về hoạt chất. Dược sỹ Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm, Mỹ phẩm tỉnh cho biết: Trung tâm không đủ các điều kiện về trang thiết bị, máy móc, phương tiện để kiểm nghiệm chất lượng hoá, mỹ phẩm; không có các máy: máy quang phổ hấp thụ nguyên tử, máy soi các tiểu phân, máy sắc ký lỏng cao áp, máy đo điểm chảy, hóa chất, chất chuẩn… để kiểm tra các thành phần trong hoá mỹ phẩm. Việc xét nghiệm một mẫu mỹ phẩm mất nhiều kinh phí, trong khi đó kinh phí hoạt động của Trung tâm còn hạn hẹp. Năm 2011, Trung tâm chỉ kiểm nghiệm được 2 mẫu mỹ phẩm có thành phần hoạt chất đơn giản là kem bôi da Gót Sen của Cty TNHH Thái Dương và nước súc miệng T.B của Cty CP Traphaco. Từ đầu năm 2012 đến nay, Trung tâm chưa kiểm nghiệm được một mẫu mỹ phẩm nào (!).

Mỹ phẩm tác động trực tiếp đến da, mắt, niêm mạc miệng... là những bộ phận nhạy cảm và quan trọng trên cơ thể. Nếu người tiêu dùng sử dụng các mặt hàng mỹ phẩm kém chất lượng, chứa các hoá chất độc hại, có thể gây ra một số tai biến, tổn hại đến sức khoẻ thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, ngoài cơ quan quản lý là ngành Y tế thì cũng cần có sự vào cuộc của Chi cục Quản lý thị trường, Công an kinh tế trong việc kiểm tra, kiểm soát, làm lành mạnh thị trường. Sở Y tế cần đầu tư phòng kiểm định đáp ứng yêu cầu thực tế và thông tin cảnh báo tới người tiêu dùng về các sản phẩm mỹ phẩm có chứa độc tố, tiềm ẩn mối nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những người kinh doanh hoá mỹ phẩm cần phải có những hiểu biết nhất định về đặc điểm, chất lượng các sản phẩm mình bán; người mua cũng phải là "người tiêu dùng thông minh" trong lựa chọn mỹ phẩm./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com