“Rác ngôn ngữ” trong học sinh, sinh viên

03:05, 10/05/2012

Hiện tượng nói tục, chửi thề tồn tại trong giới học sinh, sinh viên hiện nay đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Bến xe bus, ngoài đường, trong các quán trà đá, sân trường, thậm chí trong lớp học, giảng đường… không khó để nghe được “những lời vàng ý ngọc” “nhả” ra từ miệng các cô cậu học trò ngày nay. Người lớn lắc đầu ngán ngẩm, giáo viên thì cho là “vấn nạn”, giới truyền thông thì gọi là “rác”, “bệnh”... Loại “rác” này theo đa số các ý kiến đánh giá đều cho là “nguy hiểm, dễ lây lan” và “khó bài trừ”.

“Dịch bệnh” nói tục, chửi thề dễ lây lan

Trên một điểm chờ xe bus nằm ở đường Trần Hưng Đạo, một tốp học sinh cấp hai cả nam lẫn nữ mặc đồng phục trắng tinh, vai áo vẫn ghi rõ phù hiệu trường “hồn nhiên” sử dụng thứ ngôn ngữ chúng thường “trao đổi” cùng nhau. “Tao chờ mày lâu lắm rồi, con mẹ mày sao lâu thế. Con mẹ mày, tao còn phải sắp xếp lại lịch với đi được chứ”. Đấy là những câu còn “nhẹ nhàng” nhất. “Bị” nghe thêm vài ba câu nữa thì đám học sinh này tiếp tục “hồn nhiên” trao đổi bằng ngôn ngữ “nặng đô” hơn, tuôn ra toàn những từ ngữ khiến mấy người lớn tuổi ngồi đợi xe bus phải quay đầu lại nhìn với ánh mắt “không hiểu nổi”. Đấy là những ngôn ngữ mà người lớn còn có thể hiểu được, còn không hiếm những từ ngữ đành “mắt tròn mắt dẹt” nghe mà không hiểu được gì. Ấy là khi những học sinh, sinh viên sử dụng thêm “tiếng lóng” như một kiểu chơi, một kiểu sành điệu, “phát minh” thời thượng của lứa tuổi trẻ. “Hôm nay học nhiều mệt “vãi lúa”. Em H trong trường mình nhìn phê lòi…”...

Cổng trường là nơi tụ tập rất đông học sinh, sinh viên sau giờ học để “chém gió và… nói tục”.
Cổng trường là nơi tụ tập rất đông học sinh, sinh viên sau giờ học để “chém gió và… nói tục”.

Quán trà đá nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo gần trường Đại học Công nghiệp Nam Định là chỗ lui tới của rất nhiều nam sinh viên trước và sau giờ học. Ba bốn nam sinh ngồi châu đầu với nhau bàn thảo một vấn đề gì đó rất rộn ràng. Họ đang nói về giờ giảng của một giáo viên nào đó trong trường. “Ông H dạy chán bỏ cụ, thi thì khó, làm ăn được đếch gì, kỳ này nát quá”. Một sinh viên nam khác tiếp lời: “Điểm của mày còn đỡ hơn tao, lần này tao mà thi trượt nữa thì lại phải tìm cách “lừa” ông già ở quê xin thêm tý tiền mà học lại thôi. Thi với chả cử, chán như con gián”… Đám sinh viên nam nọ cứ “thoải mái”, lan man hết đề tài này đến đề tài khác quanh những câu chuyện học hành thi cử. Và để minh họa cho câu chuyện thêm sinh động, không ít những lời tục tĩu, những câu chửi thề, bình phẩm được đưa ra kèm theo những “kiểu cười” chứa đựng “hỉ, nộ, ái ố” với đối tượng mà họ đề cập. Thực tế cho thấy không chỉ học sinh, sinh viên nam mới dễ bị lây lan bởi căn bệnh nói tục, chửi thề. Trong những câu chuyện như thế, số lượng các bạn gái nữ “ủng hộ” cũng tương đối và đương nhiên ngôn ngữ cũng không kém phần “long trọng, hoành tráng”. Khoác lên người những bộ đồng phục xinh xắn, một nhóm các nữ sinh trong sân trường… bắt đầu “tán” chuyện. “Thằng H lớp 10A ngu thấy tổ. Đánh thằng B mà để cho ông chủ nhiệm biết. Ông hiệu trưởng gọi lên rồi đấy. Ngu thì chết chứ mất mát gì. Quả này thì “đã” chứ không chơi”. Cứ như thế cho đến khi vào tiết học, các nữ sinh không ngừng “tung” ngôn ngữ mới vào đề tài cho phong phú, hấp dẫn. Tại các quán nước vỉa hè, hàng internet thì tần suất những câu văng tục, chửi thề xuất hiện còn dày đặc và cấp độ “nặng” hơn. Khi được hỏi vì sao nhiều học sinh, sinh viên văng tục, chửi bậy mà không thấy ngượng, HN - học sinh trường NK cho biết: “Ngồi cùng với bạn bè, chúng nó văng bừa bãi mà mình im re thì nó cho mình “quê”. Cũng phải góp cho câu chuyện sinh động hơn chứ. Ban đầu nói cũng thấy ngượng lắm, nhưng “văng” nhiều lần thành quen miệng, giờ không bỏ được”.

Đâu là nguyên nhân

Nguyên nhân vì đâu mà một số học sinh, sinh viên thường xuyên nói tục, chửi thề, nói trống không... Trước hết, qua nghiên cứu và tìm hiểu cho thấy, do chính bản thân các em chưa được giáo dục tốt trong gia đình và do môi trường xung quanh góp thêm điều kiện để các em nói tục, chửi thề. Một số ít gia đình chưa giáo dục nghiêm khắc với trẻ từ bé. Ra đường, động một tí là nghe tiếng văng tục, thậm chí chính bố mẹ cũng văng tục trước mặt con cái. Khi đến trường học một số rất ít thầy cô giáo tỏ ra khá thân mật với học sinh đã xưng hô "mày - tao" với học sinh, sinh viên, thậm chí “mày tao” với nhau… Chính những hành vi đó đã tác động trực tiếp lên “bệnh” nói tục của học sinh, sinh viên. Nói tục ở mọi nơi, mọi lúc. Đang đi đường, ngồi uống nước, đi chơi và ngay cả trong sân trường vẫn nghe thấy tiếng nói tục. Các em nói chuyện với nhau bằng những ngôn từ không thể tin được. Những từ ngữ tục tĩu, chửi thề được phát ra thản nhiên, rồi được hưởng ứng bằng những tràng cười. Nhiều học sinh xưng hô với bố mẹ còn chưa lễ phép, huống hồ đối với thầy cô. Nhưng một số gia đình chưa quan tâm dạy dỗ con em mình và còn coi đó như lẽ tự nhiên. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo nhiều chuyên gia tâm lý là xuất phát từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ, gia đình và người thân, phó mặc toàn bộ con cái cho nhà trường. Một số bậc cha mẹ nguỵ biện do có quá nhiều áp lực công việc, quá bận rộn không có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái như trước đây. Cũng bởi thế, con cái có nhiều thời gian tự do hơn, tự do tiếp nhận thông tin và tự do làm theo ý mình hơn mà không có người hướng dẫn, định hướng. Cũng phải nhìn nhận một thực tế là trong nhà trường hiện nay vẫn nghiêng nhiều hơn về dạy kiến thức mà chưa chú trọng nhiều đến việc điều chỉnh hành vi, lối sống của học sinh. Chính vì thế, theo các chuyên gia tâm lý, cần mở rộng mô hình phòng tư vấn học đường trong trường học để giúp thầy, cô giáo có thêm kiến thức để ứng xử đúng đắn cũng như kịp thời điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn của học sinh.

Xây dựng quy tắc ứng xử cho học sinh, sinh viên

Theo một nghiên cứu gần đây ở một số học sinh, sinh viên cho thấy, một trong những hành vi lệch chuẩn đáng chú ý trong giao tiếp ứng xử hiện nay của những người còn ngồi trên ghế nhà trường là hiện tượng sử dụng ngôn ngữ thiếu văn hóa ở môi trường học đường (nói tục, chửi thề, nói trống không với người lớn tuổi, sử dụng tiếng lóng để nói về người khác). Kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 70,6% học sinh, sinh viên khẳng định hiện tượng sử dụng tiếng lóng đang hiện hữu. Trên thực tế, nhiều giáo viên bị học trò gọi bằng những biệt danh gắn với hình dáng hoặc tính cách của mình, bị gọi bằng “ông, bà” là chuyện đã “xưa như trái đất”. “Rác” ngôn ngữ trong học sinh, sinh viên báo động một sự lệch chuẩn lớn trong môi trường học đường. Cùng với “rác” ngôn ngữ, môi trường học đường hiện nay bị báo động bởi rất nhiều những hiện tượng lệch chuẩn khác như đánh, chửi nhau, nạn quay cóp gian dối trong thi cử, chạy điểm, đi phong bì thầy cô… Nên chăng, dù đã muộn cần xây dựng ngay một quy tắc ứng xử cho học sinh, sinh viên với thầy cô giáo, văn hóa học sinh, sinh viên với những quy định cụ thể nhằm “trong sạch” hóa môi trường học đường, trả về sự thân thiện, trong sáng vốn có của môi trường giáo dục lành mạnh. Bên cạnh trách nhiệm của nhà trường cần có sự vào cuộc của toàn xã hội mà trước hết là gia đình, sự nhận thức và ý thức của học trò cộng với một môi trường văn hóa xã hội trong lành góp phần xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ mà bắt đầu là từ ngôn ngữ./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com