Chất lượng lao động - Những con số không thể xem nhẹ

07:05, 10/05/2012

Theo kết quả điều tra lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp do ngành LĐ-TB và XH tiến hành mới nhất, phân tích thực trạng chất lượng lao động tại 500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì số lao động phổ thông là 12.099 người, chiếm 23,8%; công nhân kỹ thuật không có bằng cấp, chứng chỉ nghề 14.576 người, chiếm 28,6%; trình độ sơ cấp và chứng chỉ dưới 3 tháng là 10.134 người, chiếm 19,9%. Như vậy số lao động tay nghề, bằng cấp cao đang làm việc trong các doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ quá thấp. Về nhu cầu tuyển dụng lao động trong năm 2012 cũng của 500 doanh nghiệp này đăng ký: lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật không bằng cấp và có chứng chỉ nghề: 29,1%; trình độ sơ cấp và chứng chỉ nghề dưới 3 tháng: 19,7%. Kết quả tổng hợp do các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh chủ động báo cáo gửi về ngành LĐ-TB và XH, nhu cầu tuyển lao động phân tích theo trình độ tay nghề cụ thể là: Cao đẳng 5%; trung cấp nghề và công nhân kỹ thuật 7%; sơ cấp nghề và học nghề thường xuyên dưới 3 tháng tới 74%; không trình độ chuyên môn kỹ thuật 14%. Trong khi đó ngành nghề cần tuyển dụng thuộc khối ngành sản xuất chế tạo là chính, chiếm 98%. Theo các nhà quản lý, nếu số liệu các doanh nghiệp báo cáo sát thực tế thì có một vấn đề rất đáng quan tâm, lo ngại, đó là các doanh nghiệp trên địa bàn đang sử dụng nguồn nhân lực chất lượng không cao nếu không muốn nói là thấp. Như vậy thì khó có thể khẳng định là các doanh nghiệp sẽ cho ra thị trường những sản phẩm có chất lượng cao vì hàm lượng chất xám trong sản phẩm thấp.

Học sinh lớp lắp đặt và sửa chữa máy tính -   Trường Trung cấp nghề số 20 (Bộ CHQS tỉnh) thực hành sửa chữa máy tính.
Học sinh lớp lắp đặt và sửa chữa máy tính - Trường Trung cấp nghề số 20 (Bộ CHQS tỉnh) thực hành sửa chữa máy tính.

Vậy nguyên nhân là do đâu? Cũng theo báo cáo của các doanh nghiệp và kết quả phiếu điều tra thì nhiều doanh nghiệp cho rằng không có lao động có trình độ đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp để tuyển dụng nên doanh nghiệp buộc phải tuyển lao động trình độ thấp và tiến hành đào tạo tiếp. Một nguyên nhân khác là doanh nghiệp khó khăn không thể trả lương cao để thu hút lao động có trình độ tay nghề cao. Cũng có nguyên nhân do tác động của suy thoái kinh tế, doanh nghiệp khó khăn nên không thể đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại nên chỉ sử dụng lao động trình độ thấp. Thực tế này dẫn đến không ít hệ lụy cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và bản thân doanh nghiệp. Không đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao công nghệ, chất lượng lao động thấp nên sản phẩm của doanh nghiệp sức cạnh tranh thấp, không có sản phẩm chất lượng cao để đứng vững trên thị trường nên hoạt động SXKD của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, trì trệ, doanh nghiệp không thể có lợi nhuận để tích lũy, tái đầu tư, nâng cao năng lực trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, quyết liệt. Các doanh nghiệp “tiết kiệm” chi tiêu bằng cách tuyển lao động không có bằng cấp, hoặc trình độ đào tạo thấp để trả lương thấp nhưng lại phải mất thời gian đào tạo lại  hoặc đào tạo tiếp, năng suất lao động không tăng, chất lượng sản phẩm không cao, chưa kể đến những hệ quả xấu khác như NLĐ không được đào tạo đầy đủ nên không thể phát huy khả năng sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, không có hiểu biết mang tính hệ thống về nghề mà mình làm nên có thể dẫn đến việc làm hỏng máy móc, thiết bị, xảy ra tai nạn lao động… Mặt khác, tình trạng tuyển lao động trình độ thấp khá phổ biến ở các doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực đến công tác đào tạo nghề vì NLĐ không tha thiết với việc phải đi học nghề một cách bài bản, quy chuẩn. Lâu dài sẽ tác động xấu đến chất lượng nguồn nhân lực cho cả nền kinh tế vì đội ngũ công nhân lao động trình độ thấp, hoặc tay nghề chắp vá, không thể bảo đảm điều kiện để doanh nghiệp tăng năng suất, hiệu quả lao động, nên không thể nâng cao thu nhập để cải thiện mức sống. Không những thế, khi có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại sẽ không có lao động đáp ứng yêu cầu.

Nhân lực là vấn đề hết sức quan trọng và là một trong những điểm mấu chốt của lực lượng sản xuất. Vấn đề đào tạo nghề cho người lao động đang là một nhiệm vụ cấp bách được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm đầu tư với những chiến lược quốc gia trước mắt và lâu dài. Nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng đang sở hữu một lực lượng lao động hùng hậu về số lượng, nhưng chất lượng lại chưa cao, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề còn thấp. Nhất là đối với các địa phương xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp, lao động nông thôn đông như tỉnh ta, vấn đề đào tạo nghề cho lao động nói chung và lao động nông thôn để đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển nền kinh tế, giải quyết lao động dư thừa nông nhàn càng đặt ra cấp bách. Những số liệu phân tích chất lượng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói trên đang cần các cấp, các ngành và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, chung tay giải quyết. Từng cấp, từng ngành, từng địa phương và mỗi gia đình, bản thân người lao động phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm về việc học, trang bị nghề nghiệp theo các tiêu chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế./.

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com