Vì lợi ích chung

08:10, 13/10/2020

Những chính sách mới liên quan đến người di cư và tị nạn đang là chủ đề nóng trên bàn thảo luận của giới chức “lục địa già” trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực kêu gọi các nước thành viên cùng nhau chia sẻ gánh nặng này một cách có trách nhiệm.

Một gia đình người tị nạn tại Hy Lạp.  Ảnh: Getty Images

Một gia đình người tị nạn tại Hy Lạp.

Ảnh: Getty Images

Theo AP, Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU mới đây đã tiến hành thảo luận về nội dung Hiệp ước về di cư và cư trú mới do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hồi cuối tháng 9 vừa qua. Đây là lần đầu tiên 27 nước thành viên EU thảo luận về văn kiện này.

Với mục tiêu thúc đẩy các nước thành viên EU chia sẻ trách nhiệm về người di cư và tị nạn, hiệp ước về di cư và cư trú mới được kỳ vọng sẽ tạo ra “sự khởi đầu mới” cho chính sách liên quan đến vấn đề này của khối. Theo hiệp ước, hàng năm, EC sẽ xem xét và đưa ra số người tị nạn dự kiến mà các nước thành viên phải tiếp nhận dựa trên khả năng kinh tế và dân số của mỗi nước. Ngoài ra, EC cũng sẽ trợ cấp cho các nước tiếp nhận người tị nạn 10 nghìn euro cho mỗi người tị nạn mà nước đó nhận về và 12 nghìn euro nếu người tị nạn là trẻ vị thành niên. Nếu không tiếp nhận, các nước thành viên EU phải hỗ trợ tiền để đưa người di cư về nước hoặc hỗ trợ vật chất cho nước tiếp nhận. Đây là cơ chế “đoàn kết bắt buộc” mà các nước EU có nghĩa vụ thực hiện để giúp đỡ lẫn nhau. Trong trường hợp một nước không thể hồi hương người di cư trong vòng 8 tháng thì nước đó sẽ buộc phải tiếp nhận họ. Khi công bố Hiệp ước về di cư và cư trú mới, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhận định: “Gói chính sách mới này phản ánh một sự cân bằng hợp lý giữa trách nhiệm và sự đoàn kết giữa các nước thành viên. Tất cả chúng ta đều phải cùng nhau chia sẻ lợi ích và gánh nặng”.

EC đang đặt ra mục tiêu đưa Hiệp ước về di cư và cư trú mới vào áp dụng chính thức từ năm 2023. Trước đó, để được thông qua, hiệp ước này cần nhận được sự nhất trí của cả 27 nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết, ông hy vọng các nước EU sẽ đạt được sự nhất trí về văn kiện này vào cuối năm nay. Dù vậy, người đứng đầu Bộ Nội vụ Đức cũng phải thừa nhận rằng hiệp ước trên chưa hoàn toàn nhận được sự hưởng ứng tại châu Âu. “Rõ ràng, có những quan điểm khác nhau”, ông Horst Seehofer nhấn mạnh. Ngay từ khi mới công bố, Hiệp ước về di cư và cư trú mới đã vấp phải sự phản đối của một số thành viên trong “ngôi nhà chung” châu Âu. Các nước ở Đông Âu như Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc không nhất trí về quy định phân bổ hạn ngạch người tị nạn đối với các quốc gia thành viên EU. Trao đổi với truyền thông, Thủ tướng Séc Andrej Babis cho rằng, điều này sẽ khiến cho mỗi quốc gia phải thay đổi lại hệ thống trợ cấp. 

Trên thực tế, từ lâu, vấn đề chia sẻ gánh nặng người di cư và tị nạn đã gây chia rẽ trong nội bộ EU. Tại “lục địa già”, các quốc gia ở gần Địa Trung Hải là Hy Lạp và Italy là hai cửa ngõ chính tiếp nhận người di cư vượt biển từ các nước Trung Đông và châu Phi đến châu Âu nhằm tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, một số quốc gia Đông Âu chỉ chấp nhận một số lượng rất nhỏ người tị nạn với lý do lo ngại về an ninh cũng như “túi tiền”eo hẹp. Điều này khiến Athens và Rome bị quá tải. Vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp hồi đầu tháng 9 vừa qua khiến hơn 12 nghìn người tị nạn mất nơi sinh sống được coi là hồi chuông cảnh báo đối với EU về việc cần hành động nhanh chóng để phân bổ số lượng người tị nạn một cách hợp lý hơn giữa các nước thành viên. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, bài toán người di cư không chỉ là chuyện của một vài quốc gia trong EU mà còn là thách thức của cả khối. Để giải quyết vấn đề này một cách triệt để EU cần đạt được sự thống nhất trong chính sách về người di cư và tị nạn.

Theo thống kê, trong năm 2015 có hơn 1 triệu người di cư đến châu Âu. Điều này tạo ra gánh nặng lớn đối với hệ thống an ninh và phúc lợi ở “lục địa già”. Dù dòng người di cư đổ về châu Âu hiện đã có xu hướng giảm nhiều so với vài năm trước, song vấn đề này luôn khiến EU lo ngại, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt. The Washington Post nhận định, 5 năm sau cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, EU hiện đang đưa ra chính sách mới liên quan đến người di cư và tị nạn nhằm giúp đỡ các quốc gia ở nơi “đầu sóng ngọn gió” như Hy Lạp và Italy, cũng như tăng cường tình đoàn kết vì lợi ích chung của khối./.  

Theo Báo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com