"Liều thuốc" giảm đau

08:10, 12/10/2020

Đại dịch COVID-19 đe dọa “xóa sổ” nhiều thành tựu mà các nước nghèo phải rất nỗ lực mới đạt được. Các nước kém và đang phát triển dễ bị tổn thương hơn khi phải gồng mình chống đỡ tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh đối với mọi lĩnh vực. “Liều thuốc” giảm đau cho các nước nghèo là cần thiết trong nỗ lực chung của toàn cầu nhằm “vượt bão COVID”.

Người dân xếp hàng tại một siêu thị ở miền Bắc Italy trong bối cảnh Covid-19 đang lan rộng. Ảnh: REUTERS
Người dân xếp hàng tại một siêu thị ở miền Bắc Italy trong bối cảnh Covid-19 đang lan rộng. Ảnh: REUTERS

Thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ 20 do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, nằm trong “tâm bão” là các nước nghèo, vốn dễ bị tổn thương bởi không đủ nguồn lực để đối phó những nguy cơ khó lường. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Đ.Man-pát nhận định rằng, một số nước đang phát triển đã rơi vào vòng xoáy tăng trưởng yếu và bất ổn tài chính. Thâm hụt ngân sách và các khoản nợ khổng lồ đã đẩy các nền kinh tế vào cảnh khó khăn. Đại dịch có thể gây ra khủng hoảng nợ ở một số quốc gia, đẩy khoảng 100 triệu người tới bờ vực đói nghèo cùng cực. Tại châu Phi, khu vực tập trung nhiều “nhà nghèo” nhất của thế giới, mức nợ trung bình tính trên GDP đã tăng từ 39,5% vào năm 2011 lên tới 61,3% vào năm 2019. WB và các chủ nợ quốc tế khác đã huy động được khoảng 57 tỷ USD để hỗ trợ hệ thống y tế và thúc đẩy phục hồi kinh tế ở châu lục nghèo nhất thế giới. Các quỹ tư nhân cũng đã trao cho nhiều quốc gia châu Phi các gói viện trợ trị giá 13 tỷ USD. Tuy nhiên, theo WB, châu Phi cần 114 tỷ USD trong năm 2020 để khắc phục hậu quả, cũng như thoát khỏi đại dịch.

Trước thực trạng nhiều nước đang phát triển bị “ngập” trong nợ nần, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét đã kêu gọi khoanh toàn bộ nợ cho một số nước đang phát triển nhằm giúp các nước này tập trung chống dịch. Các tổ chức tài chính kêu gọi các nhà đầu tư giãn nợ hoặc xóa nợ cho các nước nghèo tương tự cách thức tiến hành trong các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây ở Mỹ la-tinh và Sáng kiến giảm nợ dành cho các nước nghèo có nợ cao (HIPC) trong những năm 1990. Trong đại dịch lần này, các nước giàu đã ủng hộ việc gia hạn Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) giúp 43 trong số 73 quốc gia được chậm thanh toán khoản nợ trong khu vực chính thức trị giá 5 tỷ USD.

Nhà Kinh tế trưởng của WB, bà C.Rên-hát cảnh báo, nền kinh tế thế giới có thể phải mất 5 năm để phục hồi hoàn toàn từ đại dịch. Nhiều nước sẽ phải gánh chịu tình trạng suy thoái dài hơn so với các nước khác và thực tế này sẽ làm trầm trọng hơn các vấn đề bất bình đẳng khi những nước nghèo nhất lại trở thành nạn nhân chịu nhiều tổn thương nhất từ khủng hoảng COVID-19. Những khó khăn về tài chính tác động mạnh tới khả năng phục hồi kinh tế cũng như việc tiếp cận vắc-xin của các nước nghèo. Quý một năm nay, WB đã lên kế hoạch giải ngân 160 tỷ USD viện trợ các quốc gia nghèo tại châu Á, châu Phi và Mỹ la-tinh trong vòng 15 tháng nhằm tăng khả năng ứng phó của các nước này đối với cuộc khủng hoảng y tế cũng như nỗ lực phục hồi kinh tế. WB đang xem xét gói trợ giúp 12 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo mua và phân phát vắc-xin ngừa COVID-19. Thể chế tài chính đa phương này đã thực hiện nhiều chương trình ứng phó khẩn cấp tại 111 quốc gia. Nếu được thông qua, số tiền này sẽ dành cho các nước có thu nhập trung bình và thấp với thời gian giải ngân trong vòng 12 đến 18 tháng. Mặc dù phần lớn các ứng cử viên vắc-xin phòng COVID-19 tiềm năng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và phân phối vắc-xin không đơn giản bởi nguy cơ độc quyền về vắc-xin vẫn hiện hữu, song WB muốn các nước nghèo nhất có thể được tiếp cận vắc-xin phòng COVID-19.

Những nỗ lực “xóa nợ” của các thể chế tài chính là rất cần thiết, song thật sự chưa đủ để có thể hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lưu ý rằng, dù thế giới đang học cách sống chung với COVID-19, nhưng việc hồi phục hoàn toàn kinh tế là điều không thể xảy ra nếu không có một giải pháp y tế lâu dài. Với khoảng 128 loại vắc-xin phòng COVID-19 đang được phát triển, cơ hội tìm ra một giải pháp là rất lớn. Tuy nhiên, các giải pháp đa phương là cần thiết để bảo đảm cung cấp và phân bổ hợp lý, giúp người nghèo không bị tước đi cơ hội tiếp cận vắc-xin, một yếu tố vô cùng quan trọng trong đối phó đại dịch./.

MỸ ANH
Theo nhandan.com.vn

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com