Bước đi cần thiết

08:06, 14/06/2018

Sau khi trải qua bước chuyển mình lớn với việc Quốc hội Cu-ba khóa IX bầu ra thế hệ lãnh đạo mới của đất nước, người dân “hòn đảo tự do” tiếp tục mong đợi sự thay đổi mang tính lịch sử tiếp theo - sửa đổi Hiến pháp.

Phiên họp của Quốc hội Cu-ba. Ảnh PRENSA LATINA
Phiên họp của Quốc hội Cu-ba. Ảnh: PRENSA LATINA

Tại phiên họp bất thường của Quốc hội Cu-ba, diễn ra ngày 2-6, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Đ.Ca-nên thông báo, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Cu-ba R.Ca-xtơ-rô trở thành người đứng đầu Ủy ban Cải cách Hiến pháp với 33 thành viên. Tại phiên họp, các đại biểu cũng thông qua 10 ủy ban thường trực trong nhiệm kỳ 5 năm tới (2018-2023) với chức năng đóng góp và giám sát tiến trình cải cách Hiến pháp.

Cũng tại phiên họp hôm 2-6, Chính phủ Cu-ba công bố báo cáo về kết quả tích cực của dự án thí điểm ở các tỉnh Ác-tê-mi-xa và Ma-gia-bê-kê, nơi cải cách được tiến hành với mục tiêu giúp chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy việc quản lý doanh nghiệp nhà nước linh hoạt hơn. Hội đồng Nhà nước Cu-ba quyết định nhân rộng mô hình này trên cả nước. Theo mô hình quản lý mới, vị trí phó chủ tịch chính quyền cấp tỉnh phụ trách lĩnh vực kinh doanh sẽ được bổ sung. Trong khi đó, các chủ tịch sẽ chịu trách nhiệm quản lý các dịch vụ và giải quyết khiếu nại.

Đây không phải lần đầu Cu-ba tiến hành sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp Cu-ba đã được cập nhật ba lần, vào các năm 1978, 1992 và 2002. Năm 2011, cựu Chủ tịch R.Ca-xtơ-rô lần đầu đề cập sự cần thiết cải cách Hiến pháp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và hoạt động đầu tư nước ngoài, giúp xã hội Cu-ba phát triển bền vững hơn. Ngay lập tức, các hoạt động kinh tế trở nên sôi nổi trong những năm đầu sau cải cách. Người Cu-ba hồ hởi khai trương nhiều loại hình kinh doanh, nhất là dịch vụ, nhà hàng. Tuy nhiên, những thay đổi khi đó vẫn chưa tạo được “cú huých” mạnh mẽ thật sự, lâu dài cho nền kinh tế Cu-ba.

Trong phiên họp toàn thể T.Ư Đảng tổ chức vào tháng 3-2018, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cu-ba R.Ca-xtơ-rô thẳng thắn nhìn nhận, một số điều khoản trong Hiến pháp hiện hành không bắt kịp tình hình kinh tế và xã hội mới của đất nước. Bí thư thứ nhất R.Ca-xtơ-rô đồng thời chỉ ra đây sẽ là tiến trình chuyển đổi không dễ dàng, vì quy mô của nó liên quan tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Dự kiến, việc soạn thảo bản cập nhật Hiến pháp lần này sẽ mất nhiều tháng để hoàn thành, trước khi đưa ra trình Quốc hội và lấy ý kiến của người dân. Bí thư thứ nhất R.Ca-xtơ-rô cũng bày tỏ sự quyết tâm vượt qua những khó khăn mà nền kinh tế quốc gia đang đối mặt.

Dự thảo lần này được kỳ vọng là bản cập nhật sâu rộng nhất của Hiến pháp Cu-ba, kể từ khi được công bố năm 1976. Các ủy ban thường trực vừa được thành lập sẽ chịu trách nhiệm về các lĩnh vực như hiến pháp và pháp lý, kinh tế, nông nghiệp, chăm sóc trẻ em và quyền bình đẳng cho phụ nữ, dịch vụ, quốc phòng, giáo dục, văn hóa, khoa học, công nghệ và môi trường, công nghiệp, xây dựng và năng lượng, quan hệ quốc tế, sức khỏe và thể thao. Ngoài ra, các nhà lập pháp Cu-ba cho biết, những sửa đổi lần này sẽ ưu tiên hướng tới đối tượng giới trẻ, lực lượng chính trong việc triển khai các cải cách, cũng như duy trì nền tảng chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Đ.Ca-nên cho biết, dự thảo sơ bộ bản Hiến pháp mới lần này dựa trên nguyên tắc “công bằng xã hội và nhân văn” và tuân thủ “quá trình không thể đảo ngược” của chủ nghĩa xã hội, đoàn kết dân tộc ở Cu-ba; khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng Cộng sản Cu-ba trong thời kỳ mới. Đây là bước đi cần thiết, trong bối cảnh đảo quốc vùng Ca-ri-bê đang trong tiến trình chuyển đổi, cập nhật mô hình kinh tế-xã hội, phù hợp hướng đi được phê chuẩn trong Đại hội Đảng lần thứ VI và VII.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com