Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hỗ trợ dành cho Chính phủ Li-bi

08:06, 12/06/2018

Tân Hoa xã đưa tin ngày 10-6, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Li-bi Ác-mét Ây-đin Đô-gan đã nhấn mạnh về sự hỗ trợ của nước này dành cho Chính phủ Li-bi được Liên hợp quốc ủng hộ.

Theo tuyên bố của Văn phòng Thông tin Thủ tướng Li-bi, ông Đô-gan đưa ra tuyên bố trên trong buổi gặp Thủ tướng nước này - Phay-ét Sê-ra.

Trong tuyên bố, vị đại sứ nhắc lại về sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Chính phủ Li-bi và ca ngợi những nỗ lực của Thủ tướng Sê-ra để đạt được ổn định ở Li-bi.

Tuyên bố nêu rõ: “Thủ tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ lịch sử giữa Li-bi và Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời bày tỏ sự cảm kích trước sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ trên con đường đồng lòng và tham gia hội nghị Pa-ri, vốn tán thành tổ chức bầu cử Quốc hội và tổng thống dựa trên cơ sở hiến pháp hợp lý”.

Những đảng chính trị đối đầu của Li-bi đã gặp mặt ngày 29-5 tại Pa-ri và thống nhất tổ chức bầu cử Quốc hội và tổng thống ngày 10-12.

Ngoài ra, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ và Thủ tướng Li-bi cũng thảo luận về việc các công ty Thổ Nhĩ Kỳ quay lại Li-bi để tiếp tục các dự án bỏ ngỏ.

Đa phần các công ty nước ngoài tại Li-bi, bao gồm cả các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, đã rời khỏi quốc gia Bắc Phi sau cuộc nổi dậy năm 2011 do tình hình an ninh ngày càng tồi tệ tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Nhật Bản phản đối Nga lắp đặt đường cáp quang tại quần đảo tranh chấp

Ngày 11-6, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản I-ô-si-hi-đê Su-ga đã lên tiếng phản đối việc Nga có kế hoạch lắp đặt đường cáp quang nối từ quần đảo Nam Cu-rin mà Tô-ky-ô gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc tới đảo Xa-kha-lin.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Su-ga khẳng định quan điểm nhất quán của Tô-ky-ô rằng Vùng lãnh thổ phương Bắc là chủ quyền cố hữu của Nhật Bản.

Ông Su-ga tỏ ý lấy làm tiếc trước thông tin cho biết Nga có kế hoạch lắp đặt đường cáp quang tại khu vực này.

Ông Su-ga nhấn mạnh “Việc Nga tiến hành công trình lắp đặt tại Vùng lãnh thổ phương Bắc, khu vực mà Nga không có chứng cứ về pháp lý, là việc làm đi ngược lại lập trường của chúng tôi”.

Do đó, ông Su-ga cho biết Tô-ky-ô đã gửi công hàm phản đối tới Nga thông qua kênh ngoại giao và một lần nữa khẳng định quan điểm không thay đổi của Chính phủ Nhật Bản.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Nga đang chuẩn bị lắp đặt các đường cáp quang nối từ đảo Xa-kha-lin tới 3 hòn đảo thuộc vùng đảo tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản. 

Công trình này do một doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành thi công.

Hàn Quốc giải cứu một tàu cá Triều Tiên

Giới chức Hàn Quốc cho biết 1 tàu cá Triều Tiên cùng 5 thuyền viên đã được cứu sau khi tàu này gặp trục trặc động cơ trên vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông Hàn Quốc ngày 11-6.

Tàu cá trên đã phát tín hiệu khẩn cấp tới nhà chức trách Hàn Quốc khi xuất hiện ở địa điểm cách Thành phố Sốc-chô khoảng 118 hải lý về phía Đông vào sáng cùng ngày. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc đã điều tàu tuần tra để ứng cứu tàu trên. 

Một nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc cho biết sau khi thẩm vấn các thuyền viên trên tàu, nhà chức trách xác nhận những người này không có ý định trốn sang Hàn Quốc. 

Nếu khẳng định được các thuyền viên muốn trở về nước, chính quyền Xơ-un sẽ thông báo cho Bình Nhưỡng kế hoạch hồi hương và giao tàu cá cùng các thuyền viên cho phía Triều Tiên. 

Tháng 12-2017, Hàn Quốc đã trao trả 1 tàu cá Triều Tiên sau khi cứu được tàu này ở vùng biển cách đảo Un-lê-ung khoảng 84km.

I-ran phát triển hệ thống đẩy bằng năng lượng hạt nhân

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử I-ran (AEOI) A-li Ác-ba Sa-lê-hi ngày 10-6 thông báo I-ran đã tiến hành các công việc chuẩn bị xây dựng các hệ thống đẩy bằng năng lượng hạt nhân.

Theo ông Sa-lê-hi, hiện tại rất nhiều chuyên gia thuộc AEOI cùng một công ty tham gia dự án này. Lãnh đạo AEOI nhấn mạnh: “Chúng tôi đã bắt đầu làm các việc chuẩn bị cho dự án và nghiêm túc nỗ lực để hoàn thành”.

Các hệ thống đẩy bằng năng lượng hạt nhân được sử dụng trong lĩnh vực vận tải biển.

Theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa I-ran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), các biện pháp trừng phạt I-ran được dỡ bỏ dần để đổi lấy việc Tê-hê-ran hạn chế chương trình hạt nhân.

Thỏa thuận này quy định I-ran có quyền tiến hành các hoạt động hạt nhân phục vụ các mục đích dân sự.

Tuy nhiên, thỏa thuận có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm ngày 8-5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA với lý do văn kiện này không ngăn cản được I-ran phát triển vũ khí hạt nhân hoặc hỗ trợ khủng bố trong khu vực.

Các bên còn lại tham gia ký kết JCPOA đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận này thông qua việc tìm kiếm các biện pháp duy trì thương mại với I-ran và thuyết phục nước Cộng hòa Hồi giáo không rút khỏi thỏa thuận.

Tổng thống Mỹ sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 6

Phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng Lý Hiển Long tại Phủ Tổng thống Ít-ta-na ngày 11-6, Tổng thống Đô-nan Trăm bày tỏ cảm ơn và “đánh giá cao sự hiếu khách, chuyên nghiệp và thân thiện” của nước chủ nhà Xinh-ga-po trong việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. 

Cũng tại cuộc gặp, Tổng thống Trăm cho biết ông nhận lời mời của Tổng thống Xinh-ga-po Ha-li-ma Da-cốp thăm chính thức Xinh-ga-po và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 13 vào tháng 11 tới. 

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Xinh-ga-po gặp nhau lần gần đây nhất là vào tháng 10-2017, khi ông Lý Hiển Long có chuyến thăm chính thức Oa-sinh-tơn theo lời mời của Tổng thống Đô-nan Trăm./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com