Hy vọng duy trì NAFTA

10:02, 09/02/2018

Vòng tái đàm phán thứ sáu về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) diễn ra tại Môn-trê-an, Ca-na-đa (từ ngày 23 đến ngày 29-1) chính thức khép lại. Ðạt được một số tiến triển nhất định, song Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề và ba bên không thể ra tuyên bố chung.

Ðại diện Mê-hi-cô, Ca-na-đa và Mỹ tại vòng tái đàm phán thứ sáu về NAFTA. Ảnh: Reuters
Ðại diện Mê-hi-cô, Ca-na-đa và Mỹ tại vòng tái đàm phán thứ sáu về NAFTA. Ảnh: Reuters

Ðược đánh giá là vòng đàm phán đột phá nhất từ trước đến nay, các bên bước đầu khởi động thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi nhất. Tại cuộc họp báo chung sau đàm phán, đại diện các nước Mỹ, Ca-na-đa, Mê-hi-cô đều khẳng định cam kết cần tiếp tục thảo luận về hiện đại hóa NAFTA nhằm thúc đẩy thương mại công bằng và bền vững. Tại vòng đàm phán lần này, các bên hoàn tất đàm phán về chương trình chống tham nhũng và đạt được bước tiến trong một số lĩnh vực khác. Các bên cũng nhất trí tiến hành thêm một vòng đàm phán chín ngày tại Mê-hi-cô Xi-ty vào ngày 26-2 tới, thêm một vòng so kế hoạch ban đầu, trước khi các bên bước vào vòng đàm phán cuối cùng tại Mỹ. Tuy nhiên, bất đồng chung quanh yêu cầu của Mỹ, theo đó tăng hàm lượng nội khối đối với mặt hàng ô-tô, từ 62,5% hiện nay lên 85%, trong đó tỷ lệ nội địa Mỹ ít nhất là 50% vẫn chưa được giải quyết.

Theo Ðại diện Thương mại Mỹ R.Lai-thai-dơ, sau cuộc đàm phán lần này, quan điểm của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm về NAFTA vẫn không thay đổi; các cuộc đàm phán còn quá chậm so mục tiêu ưu tiên của Mỹ. Ðại diện Mỹ cũng cam kết tìm kiếm "bước đột phá" vào cuối tháng 2 tới, nhằm giảm bớt lo ngại về việc Oa-sinh-tơn nhanh chóng rút khỏi hiệp ước ba bên này. Trong khi đó, Mê-hi-cô và Ca-na-đa lạc quan hơn sau vòng đàm phán mới nhất. Bộ trưởng Kinh tế Mê-hi-cô Gua-hác-đô cho biết, có nhiều tiến bộ để tin rằng đàm phán về các vấn đề viễn thông và thương mại số sẽ hoàn tất tại Mê-hi-cô Xi-ty. Ca-na-đa vẫn nỗ lực thuyết phục Tổng thống Mỹ Ð.Trăm rằng NAFTA có lợi cho Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác. Dù tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán, Ca-na-đa cũng chủ động chuẩn bị cho kịch bản Mỹ rút khỏi NAFTA. Tuy nhiên, Ốt-ta-oa tin tưởng có thể tìm được một giải pháp tích cực cho cuộc tái đàm phán NAFTA, đồng thời sẽ theo đuổi các kế hoạch mở rộng hợp tác với các quốc gia láng giềng phía nam.

Theo nghiên cứu của Hãng tư vấn Trade Partnership World wide, sự tan vỡ NAFTA sẽ kéo theo những tổn thất về năng suất, dòng chảy kinh tế, xuất khẩu và việc làm. Hậu quả sẽ rõ rệt ngay trong năm đầu sau khi NAFTA chấm dứt và kéo theo những tác động lớn và lâu dài với cả ba nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ mất từ 1,8 triệu tới 3,6 triệu việc làm; Ca-na-đa mất 1,2 triệu việc làm. Còn tại Mê-hi-cô, khoảng từ 2,3 triệu tới 10,3 triệu lao động trong chuỗi cung ứng NAFTA mất việc trong 5 năm đầu sau khi Mỹ rời khỏi thỏa thuận và tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa Mê-hi-cô và Ca-na-đa. Theo báo cáo của công ty tư vấn Oxford Economics, Mê-hi-cô chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế nếu Mỹ rút khỏi NAFTA. Do không còn các điều kiện thương mại có lợi nào với Mỹ, đối tác lớn nhất của Mê-hi-cô, đến cuối năm 2022, GDP của Mê-hi-cô sẽ thấp hơn 2% so mức tăng tiềm năng. Tăng trưởng GDP thực tế năm 2019 ở cả ba nước sẽ giảm, khoảng 0,5% tại Mỹ và Ca-na-đa; khoảng 0,9% tại Mê-hi-cô.

Trong khi đó, việc chấm dứt NAFTA lại được xem là có lợi với bên ngoài khu vực thương mại Bắc Mỹ. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng dựa trên NAFTA sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh, kích thích xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm mới tại châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu. Thí dụ, GDP của Trung Quốc sẽ tăng 0,16% trong ngắn hạn và trung hạn, thêm hai triệu việc làm được tạo ra. Tại Hàn Quốc, các con số này là 0,35% và 146 nghìn, tại Nhật Bản là 0,24% và 291 nghìn, còn tại Ðức là 0,2% và 123 nghìn việc làm.

Kết quả chưa làm hài lòng các bên, song vòng đàm phán NAFTA lần thứ sáu đã mang lại nhiều hy vọng từ việc bảo đảm duy trì, thay vì phá vỡ một trong những hiệp định thương mại đa phương tiến bộ và lâu đời nhất thế giới. NAFTA còn tiếp tục đương đầu với nhiều sóng gió, trong đó phải kể đến ảnh hưởng và chi phối chính trị từ cuộc tổng tuyển cử ở Mê-hi-cô vào tháng 7 và bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ tháng 11 tới.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com