Thuận lợi và thách thức với kinh tế thế giới

10:01, 02/01/2018

Kinh tế thế giới năm 2017 tăng trưởng vượt dự đoán của giới chuyên gia. Đây là nền tảng thuận lợi và vững chắc để kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng trong năm 2018.

Trung Quốc có thể trở thành nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, thay thế Mỹ.
Trung Quốc có thể trở thành nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, thay thế Mỹ.

Nền tảng thuận lợi

Theo các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs, kinh tế toàn cầu năm 2017 duy trì ổn định chủ yếu nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh của một số nền kinh tế phát triển, trong khi Đông - Nam Á và Nam Á vẫn là những khu vực năng động nhất thế giới. Cụ thể, Đức – nền kinh tế lớn nhất Liên hiệp châu Âu (EU) - đạt mức tăng trưởng 0,8% trong quý III-2017. Nhật Bản tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng trong quý thứ 7 liên tiếp. Mỹ cũng không bị bỏ lại sau, với mức tăng trưởng 3% trong quý III. Sự phục hồi của các nền kinh tế như Argentina, Brazil, Nigeria và Nga cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu. Sẽ không xảy ra khủng hoảng kinh tế trong năm tới, đó là kết luận đưa ra trong dự báo của Goldman Sachs.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển Á-Âu I.Li-xô-vô-lích cũng nhận định, năm 2016 kinh tế thế giới chững lại, nhưng tới năm 2017 đã ghi nhận chuyển biến tích cực. Xu hướng tăng trưởng được ghi nhận tại các nền kinh tế phát triển, như Mỹ, các nước EU, hay tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc. Các chuyên gia của Ngân hàng đầu tư quốc tế Trung Quốc (CICC) cho biết, trong 5 năm tới Trung Quốc có thể trở thành nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, thay thế Mỹ. Điều này sẽ tác động tích cực tới kinh tế toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nguy cơ về thiếu hụt nguồn cầu.

Tăng trưởng tích cực của các khu vực và những nền kinh tế đầu tàu là nền tảng thuận lợi cho kinh tế thế giới tiếp tục duy trì đà phát triển. Theo báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới Liên hợp quốc (LHQ) công bố mới đây, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục ổn định trong hai năm tới, sau khi đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2017, cao nhất kể từ năm 2011.

Thách thức phía trước

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 dự kiến đạt mức 3,7%, con số này là 2% tại các nước phát triển và 4,9% tại các nước đang phát triển. Các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới được dự báo gồm Campuchia, Ethiopia, Ghana, Rwanda, Tanzania. Trong khi đó, các nước châu Á với kinh tế phát triển mạnh mẽ phải kể tới Ấn Độ, Bhutan, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc. Mức tăng kỷ lục 31,2% được dự báo tại Libya, khi nền kinh tế nước này phục hồi .

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 lên 3,6%, thay cho con số 3,4% dự báo trước đó. Theo OECD, cải cách khuyến khích khu vực tư nhân nhằm tăng năng suất và tiền lương là điều mà các nền kinh tế cần thực hiện trong năm 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tích cực, kinh tế thế giới năm 2018 sẽ đối mặt không ít thách thức. Theo chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2001, Giáo sư kinh tế M.Xpen, thuộc Đại học New York và là Chủ tịch Hội đồng Chương trình nghị sự toàn cầu, thách thức chủ yếu liên quan các chính sách vĩ mô. Việc Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút hoàn toàn, hoặc đàm phán lại hàng loạt các thỏa thuận đa phương, khiến Mỹ không còn được coi là “nhà kiến tạo và nhà tài trợ chính” trên thế giới.

Tại châu Âu, đàm phán kéo dài về việc Anh rút khỏi EU (còn gọi là Brexit), cùng khó khăn trong việc thành lập Chính phủ tại Đức... là những yếu tố ảnh hưởng xấu kinh tế khối này. Làn sóng bảo hộ lên cao, thậm chí nguy cơ chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, xung đột chính trị và quân sự tại nhiều nơi trên thế giới cũng là những thách thức lớn mà kinh tế thế giới sẽ đối mặt trong năm 2018.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com