EU: Triển vọng sau Hội nghị thượng đỉnh mùa đông

05:12, 16/12/2017

Một tương lai sáng sủa hơn được mở ra sau những quyết định đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp châu Âu (EU) kết thúc chiều tối 15-12 (giờ địa phương).

Một trong những chủ đề nóng là Brexit (nước Anh rời khỏi EU) đạt được thỏa thuận. Các nhà lãnh đạo khối này chính thức phê chuẩn quyết định khởi động giai đoạn tiếp theo trong các cuộc đàm phán về việc nước Anh tách khỏi EU sau khi đạt được thỏa thuận về các điều khoản cụ thể với Anh. Theo đó, giai đoạn hai sẽ tập trung vào quá trình chuyển tiếp và quan hệ thương mại giữa Anh và EU sau khi Anh chính thức rời EU ngày 29-3-2019.

Lãnh đạo Anh và EU cũng đã thống nhất các cuộc đàm phán về thương mại và giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit sẽ được tiến hành vào đầu năm tới. Trước đó, ngày 8-12, hai bên đã đạt được tiến bộ về một số điều khoản về Brexit như việc thanh toán tài chính, biên giới với Ireland và quyền công dân sau Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Hội nghị thượng đỉnh EU 12-2017. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Hội nghị thượng đỉnh EU 12-2017. (Ảnh: Reuters)

Đây là bước tiến có thể tin tưởng, là cơ sở bảo đảm cho cuộc đàm phán kế tiếp. Bế tắc bước đầu đã được giải quyết. Và đây cũng là cơ hội mà hai bên cần tranh thủ nắm bắt để định hình cho việc đàm phán trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nói là vậy nhưng sẽ khó khăn hơn trong đàm phán tiếp theo khi phía Anh cần giải trình những công việc cụ thể trong quan hệ với EU sau thời điểm Anh rời khỏi khối thị trường chung.

Về phần mình, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định tiếp tục các cuộc đàm phán vì lợi ích cho cả Anh và EU, đồng thời Anh vẫn sẽ là thành viên tích cực và tham gia các cuộc đối thoại về kế hoạch của EU cũng như về hợp tác quốc phòng.

Hội nghị thượng đỉnh mùa đông này cũng đánh dấu việc lãnh đạo các nước thành viên EU nhất trí tạo lập một cơ chế thường trực, phối hợp chặt chẽ về quân sự (PESCO) có nhiệm vụ hợp tác quân sự, chế tạo vũ khí và phối hợp các chiến dịch bên ngoài châu Âu. Một EU thống nhất về quốc phòng là bước tiến mới của quá trình xây dựng ngôi nhà chung châu Âu. Hiện có Anh, Đan Mạch và Malta không tham gia PESCO. 25 nước thành viên còn lại của EU sẽ đóng góp cho quỹ quốc phòng chung (500 triệu euro trong hai năm đầu). 1/5 số tiền sẽ được dùng cho các chương trình chế tạo thiết bị quân sự, trong đó có máy bay không người lái. Với PESCO, những nước này sẽ cùng nhau xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng chung, cùng mua vũ khí và trang thiết bị có giá rẻ hơn, hỗ trợ nhau về hậu cần… Đặc biệt, PESCO sẽ tăng mức độ tự chủ của EU về quân sự, giảm phụ thuộc vào NATO và Mỹ, đặc biệt giúp EU chủ động hơn, nhất là trong việc bảo vệ biên giới với bên ngoài.

Tại hội nghị này, lãnh đạo EU cũng nhất trí về việc gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Liên bang Nga thêm sáu tháng, với lý do Nga can thiệp vào các vấn đề của Ukraine. Những biện pháp trừng phạt này nhằm chủ yếu vào các ngân hàng, tập đoàn công nghiệp quốc phòng và dầu khí của Nga, đồng thời ngăn cản việc đầu tư, rót vốn vào Nga.

Một vấn đề nhức nhối đối với EU từ nhiều tháng qua là giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư thì lãnh đạo các nước thành viên khối này vẫn chưa thể thông qua được một quyết định chung. Vẫn còn đó sự bất đồng, chia rẽ về quan điểm thua thiệt trong việc tiếp nhận người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi. Một số nước thành viên ở Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary vẫn kiên quyết phản đối hạn ngạch phân bổ người di cư (được đa số thành viên EU thông qua năm 2015 nhằm hỗ trợ những nước cửa ngõ châu Âu như Italy và Hy Lạp). Một số ý kiến còn cho rằng, việc phân bổ người di cư theo hạn ngạch là không hiệu quả và chỉ gây chia rẽ trong EU. Lãnh đạo các nước chỉ đạt được đa số nhất trí về việc tăng cường giám sát các đường biên giới với bên ngoài EU thông qua những thỏa thuận hợp tác với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Libya. Một vấn đề quá khó. Từ hơn một năm qua, các nước vẫn nhùng nhằng đùn đẩy người nhập cư. Đức là quốc gia đi đầu trong việc tiếp nhận người nhập cư và Thủ tướng Đức Angela Merkel thì cũng không ít lần lên tiếng hô hào vận động sự đoàn kết nội khối, hỗ trợ những quốc gia đã quá vất vả nằm ở cửa ngõ châu Âu. Theo bà Merkel, EU muốn mạnh lên thì trước hết cần sự đoàn kết ngay trong nội bộ.

EU sẽ còn nhiều việc cần xử lý trong vấn đề người nhập cư, song trước tiên đòi hỏi sự hợp tác, thống nhất giữa các nước, vì lợi ích của cả EU. Chưa biết từ nay tới tháng 6-2018 là thời hạn chót để đạt được một quy chế về người tị nạn trong EU có thể hoàn thành được hay không! Điều này phụ thuộc vào sự chủ động hơn của EU cũng như việc tính tới các kế hoạch lâu dài.

Hội nghị thượng đỉnh mùa đông diễn ra trong bối cảnh EU chứng kiến nhiều biến động cả ở trong cũng như ngoài khối. Trong bối cảnh đó, EU cần đổi mới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh, quốc phòng cũng như kinh tế, cải tổ khu vực sử dụng đồng euro. Những bước tiến tại hội nghị này, dù chưa đạt được như mong muốn, nhưng đã cho thấy quyết tâm của các nhà lãnh đạo nhằm đẩy con thuyền EU phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com