Bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống khủng bố

07:12, 14/12/2017

Những ngày cuối năm 2017 đã chứng kiến bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố khi cả I-rắc và Xy-ri đều tuyên bố được giải phóng hoàn toàn khỏi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Trên mặt trận này, cả hai cường quốc Nga và Mỹ đều thể hiện vai trò đi đầu của mình nhằm cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông có vị trí địa - chính trị chiến lược.

Lực lượng I-rắc tiến vào giải phóng vùng lãnh thổ cuối cùng khỏi IS.
Lực lượng I-rắc tiến vào giải phóng vùng lãnh thổ cuối cùng khỏi IS.

Bước tiến trên hai mặt trận

Được sự hỗ trợ từ những cuộc tiến công mạnh mẽ của liên quân do Mỹ dẫn đầu, các lực lượng ở I-rắc liên tiếp gặt hái những thắng lợi trên mặt trận chống IS. Lần lượt những thành phố lớn của I-rắc được giải phóng, trong đó có thắng lợi lịch sử ở Mô-xun, thành trì quan trọng cuối cùng của IS ở I-rắc. Đây là chiến thắng mang tính bước ngoặt, tạo động lực mạnh mẽ cho quân đội I-rắc tiến tới giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi IS. Ngày 9-12, quân đội I-rắc đã tuyên bố giải phóng toàn bộ quốc gia khỏi sự chiếm đóng của các lực lượng khủng bố.

Trong khi đó, tại Xy-ri, lực lượng thánh chiến thuộc IS phải đối mặt hai mũi tiến công từ quân đội Chính phủ Xy-ri được sự hỗ trợ từ các chiến dịch không kích của Nga và lực lượng người Cuốc được Mỹ hậu thuẫn. Máy bay ném bom tầm xa và tàu ngầm tiến công Kolpino lớp Varshavyanka của Nga đã tiến hành các cuộc tiến công bằng tên lửa hành trình và không kích quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu của IS. Trong hơn hai năm tham gia của lực lượng không quân Nga trên lãnh thổ Xy-ri, nhiều đơn vị khủng bố tại mặt trận quan trọng đã bị đập tan, nhiều điểm dân cư then chốt được giải phóng, nhiều tuyến giao thông liên lạc chính đã được khai thông. Các cuộc không kích của Nga góp phần phá hủy hơn 200 điểm khai thác dầu khí, 184 nhà máy hóa dầu, 126 trạm bơm nhiên liệu và khoảng 4.000 xe chở xăng của IS. Nguồn tài chính của IS từ ngành công nghiệp dầu mỏ đã bị cắt đứt. Trước năm 2015, IS kiếm được khoảng ba tỷ USD mỗi năm nhờ bán dầu tại Xy-ri. Với 69 máy bay chiến đấu được triển khai tại Xy-ri, Nga đã chi trung bình 2,6 triệu USD/ngày cho cuộc chiến này. Với sự hỗ trợ của lực lượng không quân Nga, quân đội Xy-ri đã giải phóng 98% lãnh thổ khỏi các nhóm khủng bố. Mới đây Nga tuyên bố kết thúc cuộc chiến chống IS ở Xy-ri. Các Lực lượng dân chủ Xy-ri (SDF) được Mỹ hậu thuẫn cũng tuyên bố giải phóng thành phố Rắc-ca, thủ phủ tự xưng của IS ở miền bắc Xy-ri sau nhiều tháng giao tranh.

Sau hơn ba năm tiến hành cuộc chiến đầy cam go, việc cả Xy-ri và I-rắc đều tuyên bố giải phóng hoàn toàn các vùng lãnh thổ khỏi IS đã làm sụp đổ tham vọng thành lập một “Vương quốc Hồi giáo” của IS ở Trung Đông. Chặng đường tiến tới bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố này đã chứng kiến vai trò quan trọng của Nga và Mỹ. Hai cường quốc trải qua không ít thăng trầm, lúc “bắt tay” hợp tác, lúc như “nước với lửa” khi xuất hiện xung đột lợi ích do những toan tính khác nhau tại Xy-ri và I-rắc. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc các lực lượng Mỹ từng "nhắm mắt làm ngơ" trước việc 400 tay súng IS di chuyển qua khu vực họ đồn trú. Nga cho rằng máy bay chiến đấu của liên quân do Mỹ đứng đầu đã bay trên bầu trời Rắc-ca, song không tiến hành bất kỳ vụ không kích nào nhằm vào IS. Mát-xcơ-va không ít lần ám chỉ Mỹ đang hỗ trợ IS tại Xy-ri và đặt câu hỏi nghi vấn về mục tiêu của Mỹ và SDF ở Xy-ri. Sự hoài nghi này không phải không có cơ sở khi Oa-sinh-tơn từng dành sự hậu thuẫn lớn cho phe đối lập Xy-ri nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Át-xát được Mát-xcơ-va ủng hộ.

Sau khi hỗ trợ quân đội Chính phủ Xy-ri giành thắng lợi hoàn toàn trước IS, Nga đã thực hiện cam kết rút quân khỏi quốc gia Trung Đông. Chỉ huy các lực lượng Nga tại Xy-ri cho biết, đợt rút quân đầu tiên bao gồm 23 máy bay chiến đấu, hai trực thăng Ka-52 và một phần binh sĩ thuộc các lực lượng bổ sung, lực lượng tác chiến đặc biệt, lực lượng bệnh viện dã chiến và nhóm rà phá bom mìn. Nga vẫn duy trì hai căn cứ quân sự tại Xy-ri, bao gồm căn cứ không quân Hơ-mây-mim và căn cứ hải quân Tác-tút, nhằm giúp Xy-ri bảo đảm sự ổn định trong tương lai. Tổng Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Nga, Tổng thống V.Pu-tin đã đích thân bay đến căn cứ quân sự Hơ-mây-mim hạ lệnh bắt đầu rút quân khỏi Xy-ri sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh bại IS trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì những cam kết trên thực địa cho đến khi cảm thấy cần thiết nhằm hỗ trợ các đối tác cũng như ngăn chặn sự quay trở lại của các nhóm khủng bố. Hiện Mỹ có khoảng 2.000 binh sĩ trên thực địa tại Xy-ri có nhiệm vụ đào tạo và cố vấn cho các lực lượng đối lập Xy-ri trong cuộc chiến chống IS. Dù có những toan tính khác nhau, song cả Nga và Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện theo cách của riêng mình nhằm duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông.

Tồn tại những nguy cơ

Thất bại của IS tại Trung Đông giờ đây mang đến nỗi lo mới về việc các chiến binh nước ngoài trong hàng ngũ IS tìm đường trở về nước, cùng với nguy cơ những tư tưởng cực đoan và bạo lực của chúng vẫn được truyền bá rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Liên minh châu Phi (AU) lo ngại, trong số khoảng hơn 30 nghìn chiến binh nước ngoài chiến đấu cho IS tại Trung Đông, khoảng 6.000 tay súng được cảnh báo có thể “hồi hương” về các nước trong khu vực. Bộ Nội vụ Pháp cho biết, trong 5 năm qua, hơn 240 tay súng đã trở về Pháp, trong đó có khoảng 50 trẻ vị thành niên. Khoảng 130 đối tượng đang bị giam giữ, số còn lại đang bị các cơ quan thực thi pháp luật kiểm soát chặt chẽ. Hiện cảnh sát Pháp đang theo dõi 18.400 đối tượng trong danh sách cơ sở dữ liệu điện tử về nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia. Trong khi đó, truyền thông tại Nam Á đưa tin, các tay súng người Pháp và An-giê-ri đã gia nhập hàng ngũ của IS ở miền bắc Áp-ga-ni-xtan. Tại hội nghị cấp bộ trưởng của Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố (IMCTC) diễn ra tại A-rập Xê-út hồi cuối tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ma-lai-xi-a H.Hu-xê-in nhận định, các nhóm khủng bố trong khu vực như A-bu Xay-áp (ASG), Giê-ma-a I-xla-mi-a (JI) và Mu-gia-hít-đin đã công khai "thề trung thành" với IS và đóng vai trò như "nơi trú ẩn xa nhà" cho những phần tử trốn chạy khỏi Mô-xun (I-rắc) và A-lép-pô, Rắc-ca (Xy-ri), thậm chí chúng còn đi xa hơn khi tuyên bố thành lập một vương quốc Hồi giáo có tên gọi "Uy-la-i-a Đông Á". Các chuyên gia nghiên cứu về IS tại Đại học Viên (Áo) cũng cho biết, IS đã nhắc lại lời kêu gọi cộng đồng người Hồi giáo tại Phi-li-pin và khắp nơi trên thế giới ủng hộ “một cuộc chiến chống quân đội” tại đảo Min-đa-nao, miền nam Phi-li-pin. Tại các khu vực khác như châu Âu, châu Phi, IS cũng đang lên kế hoạch “truyền cảm hứng” cho những “sói đơn độc” để thực hiện các vụ tiến công đẫm máu quy mô lớn với khả năng gây thương vong cao.

Mặt trận chống khủng bố ở I-rắc và Xy-ri đã chứng kiến một năm đầy thăng trầm. Thắng lợi được tuyên bố vào những ngày cuối năm được coi là những thành quả quan trọng bước đầu trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, với một tổ chức khủng bố nguy hiểm như IS, cuộc chiến được dự báo sẽ còn tiếp diễn khi tổ chức cực đoan này chuyển căn cứ hoạt động sang các địa bàn khác cũng như thay đổi các hình thức tuyên truyền, tuyển mộ chiến binh mới. Và, trên mặt trận quốc tế chống khủng bố, “cái bắt tay” giữa các cường quốc là cần thiết hơn bao giờ hết nhằm ngăn chặn những mối đe dọa an ninh “xuyên lục địa”.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com