Những gam màu “sáng - tối” của V.League 2012

07:04, 19/04/2012

Lượt đi V.League 2012 đã khép lại với rất nhiều màu sắc, cung bậc cảm xúc khác nhau. Dưới con mắt của nhiều nhà chuyên môn, giải đấu cao nhất Việt Nam tuy có cải thiện được chút ít chất lượng nhưng tổng thể vẫn chưa đáp ứng được sự “kỳ vọng” của người hâm mộ.

Sự ra đời của Cty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) khiến những người yêu thích bóng đá Việt Nam “mơ” về một sự thay đổi lớn đối với nền bóng đá nước nhà, thế nhưng trên thực tế sân cỏ V.League vẫn còn quá nhiều sạn. Dư luận vẫn chưa quên những cú “đấm” qua lại giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF trong câu chuyện dài tập “bản quyền truyền hình”. Đỉnh điểm của những cuộc cãi vã này là các lệnh cấm liên quan đến việc tuyên truyền của các nhà đài và quyết tâm vào cuộc của đơn vị mua bản quyền AVG. Đã có thời điểm, rất nhiều cơ quan ngôn luận phải vào cuộc đề nghị VFF và VPF hãy vì cái chung, vì bóng đá Việt Nam, không nên đấu đá nữa. Sự việc chỉ tạm lắng xuống khi AVG chủ động chia sẻ bản quyền truyền hình theo phương thức 4-3-3 (VTV 40% thương quyền, VTC 30% và AVG 30%). Rồi chuyện những ông “vua áo đen” làm xôn xao dư luận vì đã “tố” Ban tổ chức giải không giữ lời hứa, chậm tiền chế độ, khiến họ phải vác cả tiền nhà đi “thổi tù và hàng tổng”. Sau sự cố mà Ban tổ chức giải cho là “nho nhỏ” đó, một loạt sai sót chuyên môn của một số vị “cầm cân nảy mực” khiến nhiều đội bóng muốn “nghỉ chơi” vì cho rằng, mình bị trọng tài làm thiệt hại. Tiêu biểu trong số những đội phản ứng là CLB SHB.Đà Nẵng, Thanh Hóa, Vicem Hải Phòng... Tóm lại, dường như tất cả những đội bóng đều coi “vua sân cỏ” là… sạn! Cao trào trong chuyện vua sai là cú "bẻ còi" ngoạn mục của trọng tài kỳ cựu Võ Minh Trí ở vòng 9, khiến nhiều tờ báo của nước ngoài cũng phải lên tiếng và cho rằng: “chưa từng thấy điều này trong bóng đá hiện đại”. Quả là một cú phốt có một không hai trong làng túc cầu. Rồi còn đó là tình trạng bạo lực sân cỏ gia tăng, với vô số những hành động phi thể thao, mang đậm chất “ăn thua, cay cú” của những cầu thủ không… chuyên nghiệp.
Bên cạnh những gam màu “tối” vẫn có những điểm sáng đáng khích lệ, nhất là về vấn đề chuyên môn. Ở hầu hết các vòng đấu, người hâm mộ Việt Nam đều được chứng kiến những trận cầu kịch tính và những bàn thắng đẹp. Đó là điều đáng mừng ở giải đấu năm nay. Nhiều bàn thắng đẹp của G.Mê-lô, Huỳnh Quốc Anh (SHB.Đà Nẵng), Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội T&T), Nguyễn Trọng Hoàng (Sông Lam Nghệ An)… Đó đều được xem là những “siêu phẩm” của các trận đấu có chất lượng. Nổi bật ở giai đoạn này là CLB Hà Nội T&T luôn chơi đẹp với một thái độ nhập cuộc đúng mực. Họ tạo ra nhiều trận cầu hấp dẫn, thể hiện được đẳng cấp của nhà cựu vô địch V.League và tạo được niềm tin đối với người hâm mộ. Tiếp đó là Sài Gòn FC, một tân binh mới nổi nhưng “chịu chơi” đã khẳng định được mình trong vị trí ứng cử viên cho chức vô địch ở mùa giải năm nay. Thanh Hóa được xem là một trong số những đội bóng gây ấn tượng nhất giai đoạn 1 bằng chính sự nỗ lực của một tập thể biết đoàn kết để vượt lên chính mình.

Mặc dù đã xuất hiện những tín hiệu tích cực nhưng xem ra vẫn còn không ít vấn đề cần được Ban tổ chức giải V.League, các CLB và cả các ông bầu, lãnh đội… nghiêm túc nhìn nhận, xem xét bàn thảo để có giải pháp xử lý thỏa đáng nhằm đưa nền bóng đá Việt Nam tiếp tục phát triển, xứng đáng với sự trông đợi và kỳ vọng của người hâm mộ./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com