Vẫn chuyện khán giả bóng đá

07:04, 17/04/2012

Niềm tự hào của một đội bóng luôn là thành tích mà đội bóng đó đạt được. Nhưng, có một thứ mà họ khát khao không kém đó là tham vọng chinh phục người hâm mộ. Sự cuồng nhiệt trên khán đài được xem như chất xúc tác giúp cảm hứng của các cầu thủ thăng hoa. Thế nhưng, trên con đường đi lên chuyên nghiệp hơn mười năm qua, bóng đá Việt Nam hiện tại vẫn loay hoay để tìm lại những ngọn lửa trên các khán đài.

Quay trở về quá khứ

Trong ký ức của những người đi trước là biết bao câu chuyện "huyền thoại" về một thời mà tình yêu của người hâm mộ dành cho trái bóng. Thời vé vào xem bóng đá rất hiếm, có những người bán cái lốp xe đạp vừa bốc thăm được để mua tấm vé vào sân. Thậm chí, có người dám đổi cả chiếc áo len đang mặc chỉ để có mặt trên khán đài xem trận đỉnh cao Thể Công - Công an Hà Nội. Khi đội bóng đá đẹp, trong sạch và vì màu cờ sắc áo, xây dựng truyền thống rõ ràng, cảnh khán giả sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc để mua tấm vé vào sân là điều dễ hiểu. Đó là thứ tình yêu, một biểu tượng được sinh ra từ tiềm thức, khi sự đam mê cái đẹp được đáp trả đúng nghĩa. Với họ, sự khao khát được xem bóng đá, được cổ vũ cho đội bóng của mình là một niềm vui, niềm tự hào cháy bỏng. Những cái tên như: Thể Công, Công an Hà Nội, Đường sắt Việt Nam, Bưu điện... dường như đã ăn sâu trong ký ức của họ.

Thời gian thấm thoắt qua đi, đất nước mở cửa ra với thế giới, khán giả Việt Nam bắt đầu được tiếp cận với bóng đá thế giới, nơi hội tụ những ngôi sao, đội bóng hàng đầu thế giới qua nhiều công nghệ tiên tiến. Khán giả Việt Nam luôn có tình yêu bóng đá rất mãnh liệt, điều đó không thể phủ nhận. Nhưng, đáng buồn thay ở thời bây giờ, người hâm mộ dường như chỉ quan tâm đến các trận đấu của đội tuyển Quốc gia hay U-23 ở đấu trường quốc tế. Thậm chí, đa số người hâm mộ còn có vẻ am hiểu những đội bóng ở các châu lục xa xôi hơn rất nhiều lần so với bóng đá nước nhà...

Đâu rồi tính truyền thống?

Bóng đá Việt Nam thay đổi một diện mạo mới với hơn mười năm bước lên "con đường chuyên nghiệp". So về tiềm lực tài chính, bóng đá bây giờ hơn hẳn những thời đó vài chục lần. Cả trăm tỷ đồng đầu tư một năm, các trận đấu vẫn được diễn ra vào dịp cuối tuần, thế nhưng việc không thể kéo khán giả đến sân là một nỗi buồn với bất kỳ người làm bóng đá nào.

Có một thời, chỉ cần nhắc đến tên cầu thủ nào đó là người ta nhớ ngay đến câu lạc bộ mà họ đã và đang khoác áo. Những cái tên của cầu thủ và đội bóng mà họ gắn bó luôn song hành đến độ nhiều năm sau người ta vẫn không thể quên. Còn ngày nay, chỉ khoảng ba đến bốn cái tên trong tổng số 14 đội tham dự V-League là có vẻ giữ được tính truyền thống vốn có. Đó là Hải Phòng, Đồng Tháp, Thanh Hóa và SLNA. Nhưng đó là quá ít so với phần còn lại của V-League. Có thể thấy, từ xưa đến nay, sân Lạch Tray không bao giờ thiếu đi khán giả, cái chất riêng bóng đá Hải Phòng vẫn được giữ lại. Chẳng thế, sân Lạch Tray luôn được coi là "chảo lửa nóng nhất" của V-League. Có những lần, khán giả Hải Phòng kéo hơn một nghìn người sang Thanh Hóa cổ vũ. Các đội Đồng Tháp, Thanh Hóa, SLNA cũng vậy, họ luôn giữ được số lượng khán giả đông đảo trên sân. Bởi các đội bóng dù chịu sự ảnh hưởng từ các doanh nghiệp, nhưng huyết mạch của lối đá, con người vẫn mang tính địa phương rõ nét. Dù các ông bầu có mua hay bán cầu thủ ở nơi khác đến, thì hòa làm một, tất cả vẫn giữ được tính truyền thống của địa phương. Đơn cử như đến với Hải Phòng là đôi chút "máu lửa", còn với SLNA thì lại có chút gì đó "tinh quái" trong lối đá.

Ở TP Hồ Chí Minh, cho dù Sài Gòn FC cũng đã bày ra nhiều chiêu trò để kéo khán giả đến sân như tung các "hot girl" làm náo động khán đài, phát hành vé mời là chủ yếu, mời các ca sĩ, diễn viên đến sân... Những điều đó chỉ có thể thu hút thêm một lượng khán giả đến sân vì tò mò, không biết về lâu về dài sẽ ra sao! Ở Hà Nội thì còn thê thảm hơn, dù HN T&T đã là chủ nhân của một danh hiệu vô địch và trở thành một thế lực của bóng đá Việt Nam. Đến sân Hàng Đẫy, dễ dàng cảm nhận ngay được một màu xanh mênh mông của các bậc khán đài trống vắng. Khán giả chỉ lấp đầy khán đài A và một số cổ động viên trung thành lèo tèo bên khán đài B. Sự trống vắng ấy cũng được CLB Hà Nội, người láng giềng của HN T&T cảm nhận. Thế nhưng, có vẻ VPF vẫn thành công trên phương diện thống kê sân cỏ. Vòng năm, vòng tám, vòng chín, số lượt khán giả đến sân nếu chia đều cho bảy sân thi đấu, đạt gần 10 nghìn người/trận. Con số 10 nghìn thật lớn, nhưng trừ hao đi cách đếm khá rộng lượng của các giám sát, trừ đi lượng vé mời, trừ đi vài sân quyết định mở cửa cho khán giả vào tự do, và trừ đi cả số lượng ghế lên đến vài chục nghìn ở những cái sân rộng thênh thang... thì 10 nghìn khán giả vào sân mỗi lượt trận bỗng dưng nhỏ bé đến kỳ lạ.

Chuyện muôn thủa...

Chuyện khán giả cả nước có phần quay lưng với bóng đá nội vẫn là một vấn đề nan giải. Mỗi vòng đấu trôi qua lại có thêm nhiều chuyện để bàn. Đáng tiếc thay, lại toàn là những chuyện không hay ho gì, nào là trọng tài chuyên môn kém, rồi từ ông bầu đến cầu thủ có nhiều lời lẽ xúc phạm trọng tài, những trận đấu diễn ra như bộ phim hành động với các pha bạo lực... Còn nữa, Ban kỷ luật VFF, được xem là nơi cầm cân nảy mực tối cao của bóng đá nước nhà, nhưng lại thường xuyên có những quyết định làm mọi người bất phục. Không thể trách người hâm mộ bởi vì chuyện khán giả đến sân có thực sự ảnh hưởng đến tham vọng những người làm bóng đá không? Giữa việc đá đẹp mặt, đá sạch vì khán giả và việc bằng mọi giá để vô địch hay trụ hạng thì các ông bầu và cầu thủ lựa chọn cái nào? Một giải đấu chuyên nghiệp là phải đặt người xem lên hàng đầu, đấy là điều đơn giản ở nước nào cũng vậy. Sẽ chẳng thể là chuyên nghiệp kiểu như Công Vinh nhận giá lót tay hơn bảy tỷ đồng, Quang Hải nhận lót tay 12 tỷ đồng hay hàng chục cầu thủ khác nhận lót tay trên dưới năm tỷ đồng chỉ để chơi một trận đấu mà sân vận động "vắng như chùa bà Đanh". Càng chẳng thể là chuyên nghiệp khi một trận thắng được thưởng vài tỷ đồng, có đội trụ hạng thưởng tiền còn to hơn cả chức vô địch... Như vậy, chẳng có lúc nào, bóng đá thuộc về khán giả thật sự.

Một yếu tố để đánh giá giải đấu "chuyên nghiệp" hay không chính là ý thức của người hâm mộ. Với những người hâm mộ bóng đá Việt Nam thật sự, việc đến sân vận động vào mỗi cuối tuần không chỉ là để xem đá bóng đơn thuần, mà đấy còn là cách để họ thể hiện tình cảm của mình với đội bóng, với cầu thủ và cả với nhau. Thậm chí, mỗi trận bóng đá khi ấy còn có ý nghĩa như một dịp sinh hoạt cộng đồng giữa những con người có cùng chung gốc gác và lối sống, điều mà không tiền bạc nào có thể mua được mà chỉ có thể hình thành một cách tự nhiên qua thời gian. Những năm trước, vấn đề về văn hóa của các CĐV lại là "cơn ác mộng" đối với giải đấu và các cầu thủ. Bên cạnh những CĐV chân chính, thì vẫn chứng kiến quá nhiều kẻ đến sân mang theo "động cơ" không thuần túy vì tình yêu bóng đá. Còn nhớ, hàng trăm CĐV Cần Thơ vây kín xe chở tổ trọng tài suốt một tiếng rưỡi đồng hồ năm 2010. CĐV Hải Phòng thì nổi tiếng với màn đốt pháo sáng cho đến bây giờ vẫn còn tiếp diễn. Cũng vẫn là CĐV Hải Phòng gây ra cảnh hỗn loạn trên sân Hàng Đẫy, để đến cả cảnh sát Hà Nội phải vào cuộc không khác gì bộ phim hành động đầy cảnh đấm đá. Hay cầu thủ Xuân Hợp của Thanh Hóa bị CĐV Hà Nội đánh vỡ đầu mới năm ngoái... Những sự cố đó khiến chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, bóng đá Việt Nam đang bị "xuống dốc" một phần vì tình yêu với trái bóng của một số người hâm mộ đang bị biến chứng, lệch lạc đi.

Không biết đến bao giờ bóng đá Việt Nam sẽ lại chứng kiến những hình ảnh huy hoàng khi khán giả đến sân với sự vô tư, cuồng nhiệt, hòa cùng tình yêu với đội bóng?

Theo: nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com