Xây dựng các công trình TDTT cơ sở ở nông thôn

09:10, 05/10/2011

Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010 (gọi tắt là Chương trình 100). Trong đó quy định quy hoạch đất và xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện với mỗi xã, phường, thị trấn tối thiểu dành cho hoạt động TDTT phải đạt tiêu chuẩn 2-3m2/người. Thực hiện Chương trình 100, ngành VH, TT và DL đã hoàn thành việc quy hoạch đất cho hoạt động TDTT với tổng diện tích 283ha gồm tuyến tỉnh 90ha; tuyến huyện 12ha; tuyến xã, phường, thị trấn 180,3ha. Đến năm 2010, diện tích đất quy hoạch dành cho hoạt động TDTT toàn tỉnh khoảng 350ha, đồng thời nâng bình quân quỹ đất dành cho TDTT từ 0,8m2/người (năm 2005) lên đến 1,9m2/người, gần bằng mức quy định chung. Trên cơ sở quy hoạch, các địa phương đều dành nguồn ngân sách và đóng góp của nhân dân xây dựng các công trình thể thao. Toàn tỉnh hiện có 415 sân bóng đá, 179 nhà tập luyện, thi đấu thể thao, 916 sân thể thao ngoài trời, 1 bể bơi cấp xã do Nhà nước quản lý; 92 sân bóng đá mini, 41 nhà tập luyện, thi đấu thể thao và 3 bể bơi thuộc sự quản lý của tư nhân đáp ứng yêu cầu tổ chức khoảng 1.700 giải thể thao cấp xã trong một năm, góp phần tăng số lượng người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh là 27,5% tổng số dân và 17% số gia đình. Nhiều huyện đã làm tốt việc huy động các nguồn lực trong xây dựng sân chơi thể thao cho nhân dân. Huyện Hải Hậu đã quy hoạch tổng diện tích 66,5ha dành để xây dựng 59 sân bóng đá, 159 sân bóng chuyền, 146 sân cầu lông, 165 phòng tập bóng bàn và các khu VH-TT thôn, xóm. Tại huyện Giao Thủy, để tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng sự phát triển sự nghiệp TDTT, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai việc xây dựng, quy hoạch quỹ đất dành cho TDTT giai đoạn 2001-2010 và giai đoạn 2011-2015. Đến nay đất được quy hoạch dành cho TDTT của toàn huyện là 47,72ha, trong đó diện tích đất đã thực hiện là 25,18ha, bình quân đạt 1,8m2/người. Toàn huyện đã xây dựng 1 nhà thi đấu đa năng 1.200 chỗ ngồi với giá trị đầu tư trên 6 tỷ đồng, 7 nhà tập, 55 sân bóng đá, 200 sân cầu lông, 80 sân bóng chuyền, 27 phòng tập bóng bàn, 160/332 thôn xóm có khu VH-TT.

Ngoài Thành phố Nam Định do khó khăn về quỹ đất, các huyện trong tỉnh thời gian qua đều thực hiện tốt quy hoạch, sử dụng đất xây dựng sân chơi thể thao, đáp ứng nhu cầu luyện tập và thi đấu giao lưu thể thao của cán bộ, nhân dân. Tuy nhiên, để thực hiện quy hoạch, xây dựng sân chơi thể thao cho nhân dân ở thôn, xóm theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) thì cần sự nỗ lực lớn của chính quyền, nhân dân các địa phương. Bởi theo Quyết định 2448 năm 2009 về việc ban hành quy chuẩn trung tâm VH-TT xã và Thông tư số 06/2011 của Bộ VH, TT và DL ban hành quy định mẫu tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn (thuộc 19 tiêu chí xây dựng NTM của Chính phủ) thì diện tích trung tâm VH-TT xã có sân bóng đá đủ tiêu chuẩn 90x120m (10.800m2); khu thể thao thôn phải từ 2.000m2 trở lên; sân tập thể thao đơn giản từ 250m2 trở lên, chưa kể các công trình phụ trợ như nhà để xe, khu vệ sinh... Qua khảo sát thực trạng xây dựng đời sống văn hóa NTM của ngành VH, TT và DL tỉnh cho thấy, hiện tại chưa có đơn vị cấp xã đạt được tiêu chí đủ diện tích sân bóng đá xã, khu thể thao các thôn theo quy định của Bộ VH, TT và DL. Nếu chỉ tính riêng khu thể thao thôn, thì trong số gần 1.200/gần 3.500 thôn, xóm, tổ dân phố có sân chơi thể thao trong tỉnh thì chỉ có gần 300 khu đất dành cho TDTT từ 2.000m2 trở lên, trên 900 sân tập thể thao đơn giản từ 250m2 trở lên. Đơn vị mạnh về xây dựng cơ sở vật chất cho TDTT như huyện Hải Hậu có 530 thôn, xóm nhưng cũng chỉ có 26 khu tập thể thao có diện tích đất trên 2.000m2 trở lên và 307 sân tập thể thao trên 250m2. Huyện Giao Thủy có 96 khu tập thể thao có diện tích đất trên 2.000m2 và 210 sân thể thao trên 250m2 ở 332 xóm, thôn, tổ dân phố. Các địa phương khác như huyện Trực Ninh chỉ có 7 khu tập thể thao diện tích trên 2.000m2 và 43 khu tập có diện tích sân tập trên 250m2; huyện Vụ Bản chỉ có 9 khu thể thao trên 2.000m2 và 68 sân tập trên 250m2 ở 219 xóm, thôn, tổ dân phố; huyện Xuân Trường có 303 xóm, thôn, tổ dân phố thì chỉ có duy nhất một xóm của xã Xuân Phú có khu thể thao có diện tích từ 2.000 m2 trở lên. Việc đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn về xây dựng các thiết chế thể thao là cần thiết vì mục tiêu phục vụ người dân, tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải quy hoạch đất, xây dựng các khu thể thao như thế nào trong điều kiện các xã đều khó khăn về nguồn quỹ đất, kinh phí đầu tư. Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) là đơn vị được chọn xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Xã có sân bóng đá mới xây dựng năm 2010 nhưng diện tích không đủ 10.800m2; 18 xóm trong xã chỉ có 6 xóm có sân thể thao diện tích 250m2 trở lên. Để đạt quy định của Bộ VH, TT và DL thì xã cần xây dựng lại sân bóng đá trong trung tâm VH-TT xã và các khu thể thao thôn trong khi người dân xã còn phải tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa khác. Xã Trực Hùng (Trực Ninh) cũng được chọn làm điểm xây dựng NTM. Qua khảo sát ban đầu thì cả 25 xóm sẽ phải mở rộng xây dựng sân chơi TDTT với kinh phí không nhỏ.

Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động TDTT là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa, thúc đẩy sự phát triển của phong trào TDTT. Để thực hiện được quy hoạch, xây dựng sân chơi thể thao cho nhân dân, các xã, phường, thị trấn cần căn cứ vào khả năng, điều kiện kinh tế của các địa phương để sáng tạo, linh hoạt trong cách làm, phát huy mọi nguồn lực, trong đó lấy người dân là chủ thể. Các huyện, thành phố và các ngành chức năng, nhất là ngành VH, TT và DL cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để xây dựng các sân chơi thể thao thu hút nhân dân đến sinh hoạt, góp phần đưa phong trào TDTT tỉnh ngày càng phát triển./.

Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com