Đại An nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa

04:03, 20/03/2020

Cùng với phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Đại An (Vụ Bản) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa” với các tiêu chí cụ thể, phù hợp thực tiễn địa phương và đã đạt kết quả tích cực, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Gia đình ông Phùng Bá Khuê, xóm Đông, thôn An Duyên nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu.
Gia đình ông Phùng Bá Khuê, xóm Đông, thôn An Duyên nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu.

Hàng năm, nội dung xây dựng “Làng văn hóa” được đưa vào nghị quyết của Đảng ủy xã, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại chi bộ thôn, xóm trong sạch vững mạnh. Từ cuối năm 2018, cả 12 thôn, xóm trong xã đã hoàn thành hương ước mới theo Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước”. Hương ước được xây dựng trên nền tảng kế thừa, phát huy có chọn lọc các bản hương ước cổ, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, phong tục tập quán và môi trường văn hóa hiện tại của địa phương; trong đó, chú trọng các quy định việc hiếu, hỷ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, khuyến học - khuyến tài, tổ chức và quản lý lễ hội… Các chi bộ và đoàn thể xóm đều đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, dân số - kế hoạch hóa gia đình, phổ cập giáo dục, mua thẻ BHYT… Năm 2019, cả 12 thôn, xóm trong xã đều đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; 85% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Thôn An Duyên là đơn vị điển hình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh từ năm 1996 và hơn 20 năm giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa” cấp huyện. Thôn có 3 xóm: Đông, Thượng, Giữa với gần 600 hộ, trên 2.000 khẩu. Thực hiện phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, 3 xóm đã tổ chức họp dân bàn bạc, xây dựng, bổ sung quy ước, khuyến khích các hộ gia đình, các cá nhân tích cực tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp; giữ gìn, phát huy thuần phong mỹ tục của quê hương, nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. Hàng năm, thôn An Duyên có gần 90% số hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Hệ thống cơ sở hạ tầng của thôn được thay đổi toàn diện, nhà tầng mọc lên san sát, đường làng, ngõ xóm được nhựa hoá, bê tông hoá sạch sẽ; 100% hộ gia đình trong thôn có phương tiện nghe nhìn; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 60%. Các hoạt động tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, bình đẳng; quyền và nghĩa vụ công dân; phòng, chống bạo lực gia đình; tìm hiểu pháp luật… được đẩy mạnh qua các cuộc họp ở khu dân cư, qua các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ quần chúng.

Kết quả từ các phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hoá” ở Đại An đã góp phần khơi dậy sự năng động, sáng tạo trong các hộ gia đình để cùng nhau vươn lên giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều điển hình văn hóa làm kinh tế giỏi như gia đình các anh: Vũ Văn Chương (thôn An Cự); Nguyễn Thế Cương (thôn Ngói), Vũ Văn Hồi (thôn An Hưng) kinh doanh dịch vụ cho thuê máy lồng gặt, máy gặt, cho thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế hộ. Gia đình ông Vũ Duy Tân, thôn An Cự có nhiều thế hệ làm giáo viên, bác sĩ. Là nhà giáo về hưu, ông luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình phát huy truyền thống hiếu học, tích cực đóng góp trong các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, góp phần cùng Nhà nước chăm lo cho các gia đình chính sách, đề cao tình làng, nghĩa xóm trong quan hệ xã hội. Gia đình thầy thuốc đông y Trần Tuấn Vóc (63 tuổi), thôn An Duyên có kinh nghiệm trên 30 năm điều trị, chăm sức sức khỏe cho người dân. Ông thường xuyên trau dồi y thuật, nâng cao tay nghề khám, chữa bệnh cho người dân, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện cộng đồng, góp phần xây dựng địa phương là địa bàn có chất lượng sống tốt, văn minh, nghĩa tình. Để thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, xã Đại An tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Những năm 2012-2013, công tác xây dựng nhà văn hóa (NVH) thôn, xóm ở Đại An gặp nhiều khó khăn do chưa quy hoạch được quỹ đất xây dựng; kinh phí đầu tư xây dựng dự tính lên tới hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, việc huy động sự đóng góp của nhân dân còn hạn chế, chủ yếu trông chờ vào các nhà tài trợ và sự ủng hộ của con em thành đạt xa quê hương. Từ năm 2018 đến nay, việc xây dựng hệ thống NVH thôn, xóm theo tiêu chí nông thôn mới được coi là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương và được xã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh. Toàn xã hiện có 8/12 thôn, xóm có NVH. Dẫn chúng tôi về thăm các xóm Tiền, Miễu, Hậu ở thôn An Hưng khi xóm đang hoàn thiện phần móng NVH, ông Phạm Văn Quang, cán bộ văn hóa xã Đại An cho biết: Quá trình xây dựng NVH thôn, xóm ở địa phương thời gian gần đây có nhiều thuận lợi do người dân đồng tình ủng hộ, nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên việc huy động được tính theo số thu vụ mùa/năm, khẩu/hộ gia đình, số còn lại là do các “mạnh thường quân” tài trợ. Dự kiến 3 NVH của các xóm: Tiền, Miễu, Hậu, thôn An Hưng sẽ hoàn thành trong năm 2020, kinh phí trên 300 triệu đồng/NVH. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng ở Đại An được quan tâm và hưởng ứng nên phát triển mạnh. Xã có 7 CLB bóng đá, 3 CLB dưỡng sinh Thức vũ kinh, 2 đội cờ tướng, 2 tổ thơ, 1 CLB bóng bàn, 1 CLB bóng chuyền. Ở các thôn: An Duyên, An Cự, An Hưng, Ngói, Đại Đê cũng hình thành các tổ, đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên luyện tập, biểu diễn, tạo khí thế phấn khởi, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất. Các tổ, đội, CLB văn nghệ thể thao duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả chủ yếu từ là nguồn kinh phí xã hội hoá. Vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân (18-11) hàng năm, các hội diễn văn hóa, văn nghệ quần chúng, thi đấu, giao lưu thể thao diễn ra sôi nổi; qua đó tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân, động viên bà con phấn khởi để cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Việc không ngừng quan tâm lãnh đạo nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hóa” ở Đại An đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, ý thức tự quản cộng đồng; gìn giữ thuần phong mỹ tục của quê hương, các tệ nạn xã hội được ngăn chặn, đẩy lùi. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com