Trực Cường xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

05:03, 13/03/2020

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Trực Cường (Trực Ninh) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với các nội dung: Nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh xã hội hóa tạo nguồn lực hoàn thiện hệ thống nhà văn hóa xóm; phát triển phong trào văn nghệ, thể thao; tăng cường quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Một tiết mục hát múa của đội văn nghệ Trường THCS Trực Cường. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Một tiết mục hát múa của đội văn nghệ Trường THCS Trực Cường.
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Thực hiện Nghị định 122/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Chính phủ về việc bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và Công văn 25/BCĐ ngày 25-6-2019 của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh về việc công nhận danh hiệu cơ quan (đơn vị, doanh nghiệp) đạt chuẩn văn hóa, Đảng ủy xã Trực Cường đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; đồng thời phát động đăng ký thi đua đến từng xóm, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các phong trào gắn với hướng dẫn các xóm bổ sung các quy định trong hương ước. Công tác bình xét các danh hiệu văn hóa được các xóm thực hiện công khai, dân chủ vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) hàng năm. Đến nay, cả 14 xóm trong xã đã được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, cả 3 trường học, trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn nếp sống văn hóa; tỷ lệ “gia đình văn hóa” toàn xã đạt 85%. Nhiều xóm có tỷ lệ gia đình văn hoá đạt trên 85% như: Phú Ninh, Hậu Đồng, Thái Học, Hồng Phong, Nam Hào… Xóm Thái Học là một trong 11 khu dân cư văn hóa tiêu biểu được UBND huyện khen thưởng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2019. Ông Vũ Văn Quý, Trưởng xóm Thái Học cho biết: Xóm có 255 hộ, 864 khẩu; đồng bào Công giáo chiếm 20%. Trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Ban công tác Mặt trận, Ban chi ủy xóm đã triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể như: Xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, bình đẳng, các thành viên thực hiện tốt bổn phận làm con, trách nhiệm làm cha, làm mẹ; các gia đình giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, khuyến học - khuyến tài; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; thực hiện tốt phong trào “3 không” (không ô nhiễm môi trường; không tệ nạn xã hội; không vi phạm hương ước xóm). Nhiều năm liền, trên địa bàn xóm không xảy ra tình trạng đơn thư khiếu kiện phức tạp kéo dài; các vấn đề y tế, giáo dục được quan tâm chăm lo đúng mức. Xóm đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, số thửa giảm còn 2-3 thửa/hộ. Việc đóng góp xây dựng nhà văn hóa được người dân tham gia bàn bạc dân chủ, thống nhất. Năm 2016, cùng với nguồn ngân sách xã, nhân dân trong xóm đã đóng góp xây dựng nhà văn hóa với kinh phí 280 triệu đồng. So với trước đây, hiện nay, đời sống của bà con trong khu dân cư đã được cải thiện đáng kể. Người dân trong xóm đã tích cực động viên, hỗ trợ nhau sản xuất nông nghiệp, tham gia kinh doanh, buôn bán. Qua đó số hộ khá, giàu ngày càng tăng, số hộ dân có mức sống ổn định chiếm trên 70%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,56%. Năm 2019, tỷ lệ gia đình văn hóa ở xóm đạt 80%.

Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Trực Cường thực hiện tốt công tác xã hội hóa nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng hệ thống thiết chế nhà văn hóa xóm. Đến nay, 13/14 xóm trong xã có nhà văn hóa, là địa điểm hội họp của các chi hội, đoàn thể và sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của quê hương, đất nước. Trong khuôn viên mỗi nhà văn hóa xóm, vào mỗi buổi sáng, các hội viên người cao tuổi đều đến tập thể dục dưỡng sinh nâng cao sức khỏe. Vào các dịp cuối tuần, tại các nhà văn hóa, các tổ, đội văn nghệ quần chúng tổ chức sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Phong trào văn hóa, văn nghệ ở Trực Cường phát triển mạnh với 18 tổ, đội văn nghệ quần chúng hoạt động sôi nổi. Thành viên trong các tổ, đội văn nghệ quần chúng cũng là những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”. Cùng với sự ra đời của các tổ văn nghệ ở các xóm, hiện xã Trực Cường đã thành lập được 1 CLB thơ ca, 1 CLB dưỡng sinh, 1 CLB kiếm quyền người cao tuổi, 1 CLB văn nghệ Hội Phụ nữ, 1 CLB văn nghệ của Hội Cựu chiến binh, 1 đội văn nghệ ca khúc cách mạng của Đoàn Thanh niên và 3 đội văn nghệ trường học các cấp. CLB văn nghệ Hội Phụ nữ xã do bà Nguyễn Thị Hiên (70 tuổi) làm chủ nhiệm có 36 thành viên. Thành viên trong CLB là những hạt nhân văn nghệ ở các xóm: Đề Thám, Hậu Đồng, Thái Học, Nhân Nghĩa, An Ninh, An Cường. Định kỳ mỗi tuần một lần vào ngày thứ 7 hoặc chủ nhật, CLB lại tổ chức sinh hoạt, tập luyện, dàn dựng các tiết mục nghệ thuật đặc sắc phục vụ vào dịp lễ, tết, các sự kiện văn hóa - chính trị ở địa phương như: Lễ hội Chùa Ninh Cường (10-3 âm lịch), lễ mừng thọ đầu Xuân, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20-10), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ… Vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 hàng năm, đội văn nghệ quần chúng của xã với lực lượng là hạt nhân các tốp, đội văn nghệ xóm và trường học thường xuyên tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện và giành nhiều kết quả cao. Cùng với quan tâm nâng cao chất lượng đời sống văn hoá tinh thần, xây dựng nếp sống văn hoá mới, xã Trực Cường luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương. Xã có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú; trong đó có 1 di tích cấp quốc gia là Chùa Ninh Cường. Việc quản lý di tích và lễ hội được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã quan tâm, thực hiện đúng theo Luật Di sản văn hóa. Lễ hội truyền thống Chùa Ninh Cường được tổ chức 3 năm 1 lần vào dịp đầu xuân mới là lễ hội lớn của tổng Ninh Cường xưa (nay là 3 xã Trực Cường, Trực Thái, thị trấn Ninh Cường) để bày tỏ lòng biết ơn đối với 4 ông tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập có công khai hoang, lấn biển, lập làng. Phần lễ gồm các nghi thức: tế lễ, rước kiệu thủy tổ, tế thần thiên nhiên, thần nông… Phần hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: múa sơn lâm, kéo co, chọi gà, cờ người, thi nấu cỗ... thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương về dự hội.

Kết quả trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Trực Cường đã làm cho diện mạo của quê hương ngày càng khởi sắc, đời sống văn hoá tinh thần của toàn dân được cải thiện. Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ngày càng phát triển sâu rộng, thời gian tới, xã Trực Cường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh nội lực và vai trò làm chủ của nhân dân, tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Khánh Dũng

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com