Ý Yên gìn giữ bản sắc văn hoá làng trong quá trình đô thị hoá

06:06, 30/06/2017

 Ý Yên là vùng đất cổ. Bản sắc văn hóa làng xã nơi đây được thể hiện rõ nét thông qua các biểu tượng truyền thống từ cây đa, giếng nước, mái đình, bến sông đến những phong tục, tập quán, lối sống, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống… Những năm qua, trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, nhiều địa phương trong huyện vẫn gìn giữ và phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ý Yên vẫn còn bảo lưu được hàng trăm công trình kiến trúc cổ độc đáo trong đó có 38 di tích được Nhà nước công nhận và xếp hạng. Việc bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa thông qua các hoạt động lễ hội được coi trọng. Trong đó có 4 lễ hội lớn như: Lễ hội đền Độc Bộ, xã Yên Nhân thờ Triệu Việt Vương tổ chức vào ngày 13-8 âm lịch với nghi thức rước kiệu của các làng và tế tam giang (tế ở ngã ba sông Đào, sông Sắt và sông Đáy); Lễ hội Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp), xã Yên Đồng tổ chức vào ngày 4-3 âm lịch gắn với tục thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh; Lễ hội Đình Ruối, xã Yên Nghĩa tổ chức vào ngày 10-11 âm lịch tưởng nhớ Kiến quốc phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt có công giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh; Lễ hội Đình Ngọc Chấn, xã Yên Trị được tổ chức vào tháng 3 âm lịch để tưởng nhớ 2 vị tướng thời Trần là Đặng Tất, Đặng Dung có công đánh giặc. Bên cạnh các lễ hội lớn, hàng chục lễ hội làng truyền thống ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện cũng diễn ra sôi nổi tạo nên nét đẹp văn hoá làng xã. Tuỳ theo tín ngưỡng, phong tục của từng địa phương, mỗi lễ hội đều có nét văn hoá riêng. Lễ hội thường có 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng theo nghi thức tâm linh. Phần hội diễn ra các trò chơi dân gian độc đáo như: thi đấu cờ tướng, hát ca trù, chầu văn…

Rước kiệu trong lễ hội Đình Ruối, xã Yên Nghĩa.
Rước kiệu trong lễ hội Đình Ruối, xã Yên Nghĩa.

Trong các loại hình văn hoá ở Ý Yên, phổ biến nhất là tín ngưỡng thờ tổ nghề, thể hiện đạo lý tôn kính, tưởng nhớ công lao của những bậc tiền nhân đi trước đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no cho nhân dân… Các di tích thờ tổ nghề được gắn với nhiều lễ hội tôn vinh nghề truyền thống tồn tại hàng chục thế kỷ như các nghề: Sơn mài Cát Đằng, nghề mộc La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, thêu ren làm nón Yên Trung… Sự tài hoa của bàn tay, khối óc của các nghệ nhân đã kết tinh trong các tác phẩm, công trình tôn giáo tín ngưỡng như: Đình Ruối, Đình Cát Đằng, Đình La Xuyên… Lễ hội làng Ninh Xá, La Xuyên, xã Yên Ninh tổ chức hằng năm tưởng nhớ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng. Vào đêm giao thừa, người dân làng nghề vẫn duy trì tục “xin lửa” với mong muốn ngọn lửa thánh được rước đình làng về nhà sẽ mang đến điều may mắn, sung túc cho gia đình trong năm mới. Lễ hội làng Tống Xá tổ chức 3 năm 1 lần vào ngày 12-2 âm lịch tưởng nhớ ông tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không. Thông qua các lễ hội đã động viên con cháu trong làng giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống nhân dân, mà còn là những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hoá, kết tinh từ quá trình lao động, sáng tạo của người dân từ bao đời nay. Thực tế cho thấy, các địa phương có làng nghề đều thực hiện tốt phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, tiêu biểu như các xã: Yên Trung, Yên Ninh, Thị trấn Lâm… Ở các địa phương có làng nghề truyền thống đều xây dựng hương ước dựa trên sự đồng thuận, cam kết thực hiện từ nhân dân và thường xuyên được bổ sung sửa đổi cho phù hợp với xu thế xã hội ngày nay. Đặc biệt, ở các làng nghề, trong hương ước luôn có các quy định chặt chẽ về vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, gìn giữ an ninh trật tự, duy trì tình làng nghĩa xóm… Từ đó, các giá trị thuần phong mỹ tục được phát huy, các chuẩn mực đạo đức xã hội được người dân tự giác thực hiện tạo sự chuyển biến tích cực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở địa phương.

Cùng với các di tích lịch sử - văn hoá, hệ thống thiết chế văn hoá cổng làng ở Ý Yên là biểu tượng thể hiện rõ nét chiều sâu văn hóa làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo khảo sát, trên địa bàn huyện hiện có trên 30 cổng làng cổ có quy mô lớn, nghệ thuật kiến trúc phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu. Tiêu biểu như: Cổng làng Độc Bộ, An Lại, Ngô Quyền (xã Yên Nhân), cổng làng Trại Đường, Phù Lưu (xã Yên Thắng), cổng làng thôn Cẩm (xã Yên Dương), cổng làng Hoàng Mẫu, Khang Thọ (xã Yên Lương)… Trải qua thời gian, đã có thời điểm cổng làng đang dần mai một. Trước thực trạng trên, những năm gần đây, huyện Ý Yên đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, tôn tạo hệ thống cổng làng trên địa bàn. Hằng năm, các xã, thị trấn đều thống kê những thôn, xóm có cổng làng, lập kế hoạch bảo vệ và quản lý, đồng thời khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để phục dựng những cổng làng đã xuống cấp, để cổng làng phát huy giá trị trong công tác giáo dục văn hóa là niềm tự hào truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ở huyện Ý Yên, bản sắc văn hoá làng truyền thống còn được thể hiện rõ nét qua các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Từ đầu thế kỷ XIX, nghệ thuật hát chèo ở Ý Yên phát triển với các mô hình: chiếu chèo, gánh chèo, đội chèo, làng chèo. Trong đó, tại các xã phát triển mạnh nghệ thuật chèo như: Yên Nhân, Yên Cường, Yên Xá, Yên Ninh, Yên Phong, những đội chèo gia đình, đội chèo dòng tộc được thành lập, đã vượt qua “cổng làng” để biểu diễn mưu sinh, phục vụ các lễ hội, đình đám, mừng thọ. Hiện nay, toàn huyện có trên 50 tổ, đội, CLB văn nghệ ở 32 xã, thị trấn; trong đó có 3 CLB văn nghệ được thành lập gồm: CLB chèo Yên Phong, CLB dân ca Thị trấn Lâm, CLB chèo Yên Xá và hơn 20 đội chèo truyền thống, hoạt động theo phương thức xã hội hoá. Ở xã Yên Đồng, hát chầu văn đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của người dân gắn với lễ hội Phủ Quảng Cung, Phủ và chùa Đồi, Từ đường họ Phạm...

Trong quá trình đô thị hoá nông thôn, bản sắc văn hoá làng quê ở Ý Yên vẫn luôn giữ được hồn Việt mộc mạc, thuần nhất. Bản sắc văn hóa này hiện đang được các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương bảo tồn và phát huy, tạo sức mạnh nội lực để người dân thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho cộng đồng./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com