Giáo dục truyền thống dân tộc qua trò chơi dân gian

06:06, 24/06/2017

Đến Bảo tàng tỉnh, chúng tôi được chứng kiến buổi tham quan, giáo dục truyền thống của thầy và trò Trường Tiểu học Lê Hồng Sơn (TP Nam Định). Dưới sự hướng dẫn, thuyết minh của cán bộ Bảo tàng tỉnh, các em chăm chú lắng nghe về lịch sử - văn hóa cách mạng của tỉnh qua các giai đoạn; tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”... Kết thúc buổi tham quan, các em tìm hiểu sự tích và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ như: kéo co, chơi ô ăn quan, bịt mắt đánh trống, kéo cưa lừa xẻ… Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trò chơi dân gian vừa là hình thức sinh hoạt mang tính vui chơi giải trí, vừa chứa đựng nét bản sắc của văn hoá dân tộc. Nhiều trò chơi dân gian lồng ghép những bài ca đồng dao cùng với không gian văn hóa đặc trưng nên dễ đọng lại qua ký ức của mỗi người. Những năm qua, thực hiện đề án “Tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh” nhiều trường ở các cấp học đã đăng ký chương trình hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh, trong đó có hoạt động tổ chức các trò chơi dân gian, trải nghiệm thực tế cách làm các đạo cụ, sản phẩm như đèn ông sao, trống bỏi cùng các nghệ nhân... Trong 6 tháng đầu năm 2017, ước tính có trên 5.000 lượt học sinh, sinh viên ở hơn 30 cơ sở giáo dục tham gia các hoạt động trò chơi dân gian do Bảo tàng tỉnh tổ chức. Hiện nay, danh mục trò chơi dân gian của Bảo tàng tỉnh rất đa dạng, được chia theo từng cấp học, từng lứa tuổi, đối tượng để các cơ sở giáo dục lựa chọn. Mỗi trò chơi dân gian đều được cán bộ Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, sưu tầm cẩn thận về lịch sử, ý nghĩa của từng tích trò để thuyết minh cho người chơi. Tham gia các trò chơi dân gian giúp các em học sinh rèn luyện kỹ năng sống, bổ sung kiến thức lịch sử, văn hóa, hỗ trợ các bài học trên sách vở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Xếp chữ trong Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản) năm 2017.
Xếp chữ trong Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản) năm 2017.

Tỉnh ta là một trong những địa phương có nhiều lễ hội trong năm, trong phần hội, nhiều trò chơi dân gian được duy trì, khôi phục. Vào dịp lễ hội ở nhiều di tích, người cao tuổi dễ dàng bị cuốn hút vào các trò như: tổ tôm, cờ người, cờ thẻ, thi thơ; lớp trẻ háo hức bởi các cuộc thi tài bắt chạch trong chum, kéo co, bơi chải, chơi đu… Các bà, các chị trổ tài thổi cơm thi, nấu cỗ, dệt vải…, tạo thành một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng sôi nổi. Ở huyện Vụ Bản, nhiều địa phương như xã Kim Thái, Quang Trung, Đại An, Thành Lợi, Cộng Hòa, Hợp Hưng... vẫn duy trì nhiều trò chơi truyền thống tại các lễ hội. Đến lễ hội Phủ Dầy đông đảo nhân dân địa phương và du khách được thưởng thức màn biểu diễn Hoa trượng hội, múa lân, sư, rồng, cờ người và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác. Hoa trượng hội là một hoạt động văn hóa đặc trưng tại lễ hội Phủ Dầy, vừa là lễ nghi nhưng cũng vừa là trò chơi dân gian quy mô và đẹp mắt. Hoa trượng hội có sự tham gia của hàng trăm người với trang phục đầu cuốn khăn đỏ, viền vàng, bụng thắt khăn đỏ, viền vàng, quần trắng, chân cuốn xà cạp đỏ. Gậy xếp chữ được chuẩn bị dài khoảng 4m, cuốn giấy nhiều màu, đầu gậy có “ngù” bằng lông gà. Các chữ thường xếp là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”, “Hòa cốc phong dương” hay “Quang phục thánh thiện”… thể hiện mơ ước của cư dân nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhắc nhở nhân dân mãi nhớ công đức của Thánh Mẫu. Ở xã Thành Lợi, các trò chơi dân gian ở các làng đã góp phần phản ánh nét thuần phác trong phong tục, tập quán của nhân dân địa phương. Làng Đồng Mỹ vào hội bao giờ cũng tổ chức thi đấu vật. Làng Quả Linh có hội Thái Bình Xướng Ca, tổ chức 3 năm 1 lần, kỷ niệm sự kiện Vua Trần thắng trận. Nét nổi bật trong lễ hội Thái bình xướng ca là nhiều trò chơi gắn với sông nước như: tải lương, chở thuyền đốt bóng, cầu kiều, chơi đu… Ở xóm Cuối, trước ngày hội làng Quả Linh, các cụ cao tuổi chọn một nhóm trai đinh để truyền dạy cách làm đu. Nhiều lễ hội ở các địa phương khác trên địa bàn huyện Vụ Bản cũng có các trò chơi dân gian, tiêu biểu như: thi nấu cơm ở lễ hội các làng Thượng Linh, Bối La, Thái La, xã Cộng Hòa; thi chọi gà, múa cờ ở lễ hội Đền Vụ Nữ, xã Hợp Hưng; thi làm cỗ, hát chèo, hát ca trù, đánh cờ người, chơi đu, múa rồng ở lễ hội Đền Giáp Nhất, xã Quang Trung. Nhiều năm qua, huyện Ý Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng phục hồi những nghi lễ truyền thống, khai thác các trò chơi dân gian, những nét văn hóa bản sắc của từng địa phương trong tổ chức lễ hội… Ở lễ hội Đình Phủ La Xuyên, xã Yên Ninh, dân làng thường tổ chức các cuộc thi trình diễn các sản phẩm gỗ được làm từ chính những người thợ trong làng. Cuộc thi không chỉ là dịp để những người thợ trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau mà còn là dịp tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân và ông tổ nghề mộc. Tại đình - Chùa Đô Quan, xã Yên Khang, hằng năm, từ ngày 23 đến 26-11 âm lịch, dân làng tổ chức thi cỗ chay, đánh cờ thẻ, múa sư tử, bơi chải… Tại đình - đền - chùa thôn Phạm Xá có lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày mất của Triệu Việt Vương. Trong lễ hội có nghi thức tế tam kỳ, lập đàn tế Triệu Việt Vương tại ngã ba sông Độc Bộ cùng nhiều trò chơi dân gian như đấu cờ người, thi nấu cỗ. Tại xã Yên Cường, lễ hội Đình Đá có các trò bịt mắt đánh trống, đẩy gậy. Từ năm 2000 đến nay xã Yên Cường đều duy trì “Hội thi văn hóa quê hương” được tổ chức 5 năm một lần vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) thu hút sự tham gia của đông đảo người dân ở các phần thi: cờ người, kéo co, bắt trạch trong chum... Nhiều địa phương khác trong tỉnh tổ chức các trò chơi dân gian với quy mô lớn trong lễ hội như: vật dân tộc trong lễ hội Chùa Hà Lạn, xã Hải Phúc (Hải Hậu); múa rồng, chọi gà trong lễ hội Đền Phạm Văn Nghị, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng). Đến với lễ hội Chùa Bi (Nam Giang), người xem có dịp chứng kiến trò chơi cướp đầu mó, chơi cờ người. Tại lễ hội Đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) có trò thi lấy nước, kéo lửa làm bánh, thi thổi cơm, kéo co, chơi đu. Ở một số lễ hội làng trong tỉnh còn có những trò chơi diễn lại những sự tích gắn với nguồn gốc tên làng xa xưa hoặc gắn với những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc như lễ hội làng An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) diễn tích trò ăn lá; lễ hội Trần Quang Khải, thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) có tục yểm lá nhãn ăn thề, trò “thuyền chài đuổi bắt Tàu - Ngô”, tưởng nhớ 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông của quân dân nhà Trần… Đây là những trò chơi dân gian mang nội dung lịch sử nhằm ôn lại chiến công của những vị anh hùng dân tộc hoặc các trận đánh quan trọng; từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc trong nhân dân.

Một đặc điểm trong các trò chơi dân gian ở tỉnh ta là mỗi trò đều có tích liên quan đến các sự kiện lịch sử hoặc gắn với các nghi thức cầu mưa, cầu bình an, tín ngưỡng phồn thực, phản ánh văn hóa của cư dân nông nghiệp, qua đó khích lệ động viên mỗi người dân hăng hái lao động, sản xuất, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Để khích lệ nhân dân tham gia các trò chơi truyền thống, hằng năm ở nhiều địa phương trong tỉnh đã tăng cường tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT. Trong dịp Quốc khánh 2-9, Ngày hội Văn hóa - thể thao ở các huyện như Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường… thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia tranh tài ở các môn thể thao, các loại hình văn nghệ truyền thống, những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như: đi kheo, múa sư tử, trống hội, kéo co, bơi chải…

Các trò chơi dân gian là sự kết tinh những giá trị văn hoá, tính cố kết cộng đồng. Tham gia vào các trò chơi dân gian, mỗi người như tiếp thêm năng lượng thể chất và tinh thần để trở về với cội nguồn dân tộc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com