Hải Hậu khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động các điểm Bưu điện văn hoá xã

08:06, 10/06/2017
Những năm qua, huyện Hải Hậu đã tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX). Đến nay, các điểm BĐVHX trên địa bàn đã triển khai hiệu quả các dịch vụ công ích, đa dịch vụ tới các tầng lớp nhân dân.
Nhân viên Bưu điện văn hoá xã Hải Hà phân loại sách, báo phục vụ nhu cầu đọc sách của nhân dân.
Nhân viên Bưu điện văn hoá xã Hải Hà phân loại sách, báo phục vụ nhu cầu đọc sách của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Quý, Giám đốc Bưu điện huyện Hải Hậu cho biết: Sau một thời gian hoạt động cầm chừng, đến nay, 32/35 xã, thị trấn trong huyện đã thành lập được thị trường bưu chính viễn thông rộng khắp với hệ thống các điểm BĐVHX hoạt động hiệu quả. Các điểm BĐVHX đã linh động, tận dụng tối đa năng lực, cơ sở vật chất để cung cấp các dịch vụ như: chuyển phát thư báo, hành chính công, tài chính viễn thông, công nghệ thông tin, phân phối truyền thông… Với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, Bưu điện huyện đã tiến hành rà soát đánh giá nguyên nhân, thực trạng yếu kém, cơ hội phát triển. Sau rà soát, các điểm BĐVHX đã có định hướng phát triển theo điều kiện kinh tế ở địa phương, thường xuyên lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước về nông thôn, chương trình viễn thông công ích, tranh thủ mọi nguồn lực xã hội xây dựng các điểm BĐVHX đảm bảo tiêu chí “sạch - gọn - đẹp”. Xác định công tác xây dựng điểm BĐVHX là tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí NTM, các điểm BĐVHX đã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đến nhân viên về ý thức, trách nhiệm với công việc, chất lượng phục vụ tại cơ sở; cải tạo, nâng cấp các điểm BĐVHX; tạo môi trường làm việc thân thiện, xây dựng cơ chế khuyến khích người lao động gắn bó với đơn vị và có trách nhiệm trong việc tổ chức hiệu quả các hoạt động tại điểm BĐVHX… Do đó, hầu hết các điểm BĐVHX trên địa bàn huyện được đầu tư sửa chữa, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, trang bị bàn, quầy, kệ, tủ, két sắt, máy vi tính, máy in, đường truyền internet... Một trong những điểm quan trọng quyết định tới hiệu quả của mỗi điểm BĐVHX là nguồn nhân lực. Nhiều BĐVHX đã tổ chức chọn lựa đội ngũ nhân viên có tâm huyết, trình độ, đáp ứng yêu cầu hoạt động. Đội ngũ nhân viên BĐVHX được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ như: kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp, ý thức phục vụ, kỹ năng sử dụng phần mềm máy vi tính. Từ tháng 10-2015, cả 32 điểm BĐVHX trong huyện đã chuyển đổi từ phục vụ công ích sang mô hình phân phối đa dịch vụ (kết hợp bán hàng hóa tiêu dùng). Đây được xem là “luồng gió mới” trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động tại các điểm BĐVHX nhằm tăng doanh thu, giảm bù lỗ, cải thiện thu nhập cho nhân viên, tạo điều kiện để người dân nông thôn được tiếp cận với các dịch vụ, sản phẩm tiêu dùng phong phú về chủng loại, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Tất cả các điểm BĐVHX hiện đang phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, cấp đổi chứng minh thư nhân dân, GPLX, dịch vụ bảo hiểm ô tô, xe máy... Đến nay, trên 80% các điểm BĐVHX đạt doanh thu theo chỉ tiêu, ngoài ra doanh thu phát sinh đạt từ 15-25 triệu đồng/tháng. Điểm BĐVHX Hải Hà là mô hình BĐVHX kinh doanh đa dịch vụ khai trương đầu tiên của huyện. Chị Lê Thị Hương Bưởi, nhân viên điểm BĐVHX Hải Hà cho biết: Ngoài các nhiệm vụ truyền thống như: chuyển phát thư từ, bưu phẩm, bưu kiện EMS trong nước và quốc tế, BĐVHX hiện còn cung cấp thêm nhiều dịch vụ khác như: chuyển tiền, huy động gửi tiết kiệm bưu điện, cho vay tín dụng, kinh doanh sim thẻ điện thoại và các mặt hàng văn hoá phẩm... Thực tế việc triển khai thực hiện mô hình BĐVHX kinh doanh đa dịch vụ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sử dụng các dịch vụ mà còn tạo thêm thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng cho nhân viên. Doanh thu một tháng của BĐVHX Hải Hà đạt 30-45 triệu đồng. Ông Lã Thanh, xóm 6 chia sẻ: Cách đây khoảng 15 năm, người dân địa phương tìm đến điểm BĐVHX với mục đích để gửi thư từ, bưu phẩm, đặt báo và hỏng đường dây điện thoại cần sửa chữa. Thời gian gần đây, điểm BĐVHX phát triển kinh doanh đa dịch vụ, bán nhiều mặt hàng tiêu dùng như: bột giặt, dầu gội, xà phòng, nước tẩy rửa, mũ bảo hiểm…, giúp chúng tôi thuận tiện hơn trong việc mua sắm. Hàng hoá có giá hợp lý, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên chúng tôi yên tâm sử dụng. Mỗi lần tới đây, tôi còn được nhân viên tư vấn, giới thiệu về các dịch vụ gửi tiền tiết kiệm, BHXH, BHYT tự nguyện… Cùng với phát triển mô hình kinh doanh đa dịch vụ, việc đa dạng hóa mô hình tủ sách, phòng đọc cộng đồng, tổ chức các hoạt động đọc sách báo miễn phí, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân cũng được các điểm BĐVHX quan tâm. Tại các điểm BĐVHX, phòng đọc sách báo được duy trì mở cửa tối thiểu 4 giờ/ngày theo quy định. Công tác phối hợp tổ chức luân chuyển sách, báo giữa các điểm BĐVHX và Thư viện tỉnh, Bưu điện tỉnh bước đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã thực hiện luân chuyển sách, báo đến 26 điểm BĐVHX với trên 2.000 bản sách, báo các loại, định kỳ 6 tháng/lần, bảo đảm mỗi phòng đọc sách có từ 200-400 bản. Tiêu biểu là các điểm BĐVHX: Hải Đường 300 bản, Hải Lộc 300 bản, Hải Bắc 300 bản, Hải Phúc 250 bản, Hải Phương 200 bản… Từ năm 2014 đến nay, các điểm BĐVHX ở Hải Hậu đã thu hút từ 30-60 nghìn lượt độc giả mỗi năm. Tại điểm BĐVHX Hải Phúc, chúng tôi không chỉ được tiếp cận với các loại hình dịch vụ thông tin liên lạc, giao dịch tiện ích một cách thuận lợi mà còn được thụ hưởng nguồn thông tin tri thức, nắm bắt kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ dân trí và đời sống văn hoá tinh thần. Hằng ngày, người dân địa phương tới gửi bưu kiện, bưu phẩm, gọi điện thoại, tranh thủ đọc sách, báo, trao đổi kinh nghiệm đọc được từ những cuốn sách phục vụ cho nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Các cụ già coi điểm BĐVHX là địa chỉ để đọc sách, báo. Học sinh trong thời gian nghỉ hè qua điểm BĐVHX tìm đọc truyện tranh, tạp chí, tài liệu học tập… Có thể thấy, việc thực hiện triển khai chương trình tăng cường sách, báo giữa các điểm BĐVHX và thư viện ở Hải Hậu là chủ trương đúng đắn, kịp thời và cần thiết. Bởi đây là một trong những mô hình cung cấp thông tin văn hóa hữu hiệu, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở nông thôn.
 
Để hệ thống các điểm BĐVHX ngày càng hoạt động hiệu quả, thời gian tới, các cấp, các ngành huyện Hải Hậu cần tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp các điểm BĐVHX đạt chuẩn theo nhận diện thương hiệu của Bưu điện Việt Nam. Bổ sung thêm cho các điểm BĐVHX những chức năng mới để có thể vừa đáp ứng nhu cầu của người dân vùng quê, vừa phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Từng bước mở rộng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để BĐVHX thực sự trở thành một thiết chế văn hoá cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com