Vinh danh di sản nghề Sơn mài Cát Đằng

07:06, 23/06/2017
Những ngày này người dân xã Yên Tiến (Ý Yên) phấn khởi, tự hào bởi nghề Sơn mài Cát Đằng truyền thống của địa phương đã được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. 
 
Theo các nhà khoa học, nghề Sơn mài Cát Đằng được vinh danh bởi đảm bảo các yếu tố: giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; giá trị sử dụng, kinh tế. Làng nghề Sơn mài Cát Đằng có lịch sử truyền thống lâu đời, được hình thành và phát triển trên nền tảng văn hóa truyền thống của địa phương có từ thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ IX-X). Nơi đây có đền thờ Thánh tổ nghề sơn là Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba - người đã có công truyền dạy nghề sơn cho dân làng vào cuối thời Trần (đời vua Trần Thuận Tông) thế kỷ XIV. Điều này đã được ghi chép tỉ mỉ trong cuốn thần tích “Cát Đằng xã liệt vị Thánh Tổ từ sự tích” hiện còn lưu giữ tại Đình Cát Đằng. Là một làng nghề có lịch sử trên 600 năm tồn tại, phát triển, đến nay những nghệ nhân nghề Sơn mài Cát Đằng vẫn tiếp tục duy trì nghề truyền thống; đồng thời cải tiến, sáng tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều đó khẳng định sức sống mãnh liệt của nghề Sơn mài Cát Đằng có thể thích ứng và biến đổi theo xu thế hội nhập. Sự phát triển của nghề Sơn mài Cát Đằng với nhiều loại mặt hàng phong phú, đa dạng đã từng bước giới thiệu những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương và dân tộc ra khắp thế giới.
 
Giá trị văn hóa của nghề Sơn mài Cát Đằng biểu hiện ở sự gắn bó với các lễ hội tôn sùng Thánh Tổ làng nghề và các lễ tiết trong năm. Hằng năm, từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày giỗ Tổ nghề đã có công truyền dạy nghề Sơn mài cho dân làng. Trong lễ hội có các nghi lễ như rước nước và rước thỉnh kinh để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, công việc được thuận buồm xuôi gió. Lễ hội còn là dịp quảng bá các sản phẩm của làng nghề như: kiệu bát cống, kiệu võng, bát bửu... Với các đồ vật giản đơn có trong tự nhiên, qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, trí sáng tạo của người thợ Cát Đằng đã tạo nên những sản phẩm mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc. Trong quá trình thực hành, vấn đề đạo đức nghề nghiệp luôn được các nghệ nhân làng nghề coi trọng, nhất là khi làm các sản phẩm để trưng bày, sử dụng ở những nơi tôn nghiêm như các di tích lịch sử - văn hóa. Qua thực tế tìm hiểu, nghề Sơn mài đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân Cát Đằng với hình thức “Cha truyền con nối, ông làm cháu biết” nhưng bí quyết làng nghề vẫn được truyền lại cho những người khác làng muốn theo nghề. Đó chính là giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc của nghề Sơn mài Cát Đằng.
Công đoạn sơn hom sản phẩm trong quy trình làm hàng nét (trên chất liệu gỗ) tại làng nghề Sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến.  Bài và ảnh: Viết Dư
Công đoạn sơn hom sản phẩm trong quy trình làm hàng nét (trên chất liệu gỗ) tại làng nghề Sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến. 

Nghề Sơn mài Cát Đằng và các sản phẩm của nghề Sơn mài đều đạt đến trình độ tinh xảo thông qua hình dáng và nghệ thuật trang trí. Hình dáng của các sản phẩm làng nghề Sơn mài thường gần gũi với tự nhiên, phù hợp với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư như: tứ linh, tứ quý; đời sống của thế giới động vật, cỏ cây hoa lá hay các nhóm trang trí theo hình kỷ hà, bát bửu với nhiều hình thức khác nhau được cách điệu theo thể thức ước lệ tượng trưng đa dạng. Với nguyên liệu chính là sơn, qua bàn tay khéo léo, các nghệ nhân làng nghề đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hàng nét (trên chất liệu gỗ), hàng chắp (mây, tre, nứa...) sinh động và hấp dẫn. Đó là những trang trí tứ linh, bát bảo, triện gấm... trên các đồ thờ sử dụng trong các cơ sở tôn giáo hay những hoa lá cách điệu trên các sản phẩm tre, nứa. Sự khéo léo, tài hoa, sáng tạo của người nghệ nhân dân gian được thể hiện ở các nét vẽ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sơn mài đặc sắc, chứa đựng giá trị đạo đức, nhân văn sâu sắc.

Giá trị sử dụng của nghề Sơn mài được minh chứng rõ nét trong đời sống nhân dân. Trong không gian của các di tích lịch sử - văn hóa như: đình, đền, chùa, phủ... hoặc nhà thờ, từ đường họ, những sản phẩm sơn son thếp vàng rực rỡ như các pho tượng, các cỗ ngai, khám, cửa võng, hoành phi câu đối... đã góp phần tô điểm cho nơi thờ tự thêm trang nghiêm lộng lẫy. Nhiều sản phẩm của làng nghề đã trở thành biểu tượng văn hóa truyền thống như: cơi đựng trầu, tráp ăn hỏi... đến nay vẫn được sử dụng trong các nghi lễ văn hóa truyền thống. Nhiều sản phẩm làng nghề được sử dụng để trang trí như các bức tranh tứ quý, các bộ bàn ghế, sập gụ khảm trai ốc... Những sản phẩm hàng chắp nứa của làng nghề được sử dụng để làm đồ lưu niệm, trang trí trong không gian gia đình, công sở. Chất liệu sản xuất ra các sản phẩm chắp nứa thân thiện với môi trường nên được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ có nghề Sơn mài mà thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân Cát Đằng đã được cải thiện. Tổng giá trị sản phẩm hằng năm của làng nghề lên tới hàng trăm tỷ đồng, thu nhập của người lao động ngày càng được nâng cao.
 
Trong giai đoạn hiện nay, nghề Sơn mài Cát Đằng đang đứng trước những khó khăn, thách thức: Cơ chế thị trường, sự cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm đa dạng của các địa phương khác trong khi năng lực quản lý và kinh doanh của các chủ doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ và tin học. Mặt khác các nguồn nguyên vật liệu đang dần cạn kiệt và tăng giá, mặt bằng sản xuất nhỏ lẻ chật hẹp, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và cộng đồng... Nhận thức được những thuận lợi và khó khăn của làng nghề truyền thống Sơn mài Cát Đằng, UBND xã Yên Tiến đã xây dựng quy hoạch khu sản xuất làng nghề đến năm 2020. Trong đó chủ trương dành một khu đất (cách xa khu dân cư) để tập trung các cơ sở sản xuất, quy hoạch các khu vực ngâm nứa, tre để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Bên cạnh đó, UBND xã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, Cty, cơ sở sản xuất vay vốn kinh doanh. Để quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị nghề Sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến cần tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo sự gắn kết và phát triển bền vững. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những kỹ năng, kỹ thuật mang tính bí quyết của làng nghề. Quan tâm và có những chính sách đãi ngộ với lớp nghệ nhân cao tuổi đang nắm giữ các bí quyết làng nghề. Các Cty, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề cần cải tiến và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, nâng cao chất lượng đáp ứng xu hướng và thị hiếu của thị trường; cần liên kết chặt chẽ để xây dựng các tiêu chuẩn của sản phẩm; đồng thời xây dựng thương hiệu, biểu tượng làng nghề, thành lập hiệp hội làng nghề để bảo hộ cho sản phẩm làng nghề truyền thống./.
 
Bài và ảnh:  Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com