Quan tâm, chăm lo cho trẻ em khuyết tật

06:09, 16/09/2022

Trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật, đặc biệt là trẻ khuyết tật, tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động vui chơi, hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, chăm sóc y tế… Nhờ đó, các em có thêm động lực vượt khó, vươn lên trong học tập và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Học sinh khuyết tật dạng tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Nắng Mai (thành phố Nam Định) trong giờ tập vận động.
Học sinh khuyết tật dạng tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Nắng Mai (thành phố Nam Định) trong giờ tập vận động.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các em, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị, địa phương đảm bảo các chế độ chính sách bảo trợ xã hội cho trẻ khuyết tật nhanh chóng, chính xác; xác định mức độ và cấp giấy xác nhận cho trẻ khuyết tật theo đúng quy định. Bên cạnh các chính sách trợ giúp xã hội, các đơn vị đã triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng, tổ chức chương trình tư vấn về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình và các dụng cụ trợ giúp cho trẻ em khuyết tật. Đồng thời, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà, xe lăn... vào các dịp lễ, tết, Ngày Người khuyết tật 18-4, Tết Thiếu nhi 1-6 cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm động viên các em có thêm ý chí, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. 

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định, Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thủy, 100% trẻ em khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe nhằm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, góp phần bảo vệ trẻ em một cách toàn diện. Ở Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thủy, hiện tại nhà trường đang chăm sóc, giáo dục cho 125 học sinh với 10 lớp thuộc 5 khối học. Các em thuộc các dạng khuyết tật: nghe nói, trí tuệ, thần kinh, vận động và khuyết tật khác đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Tại đây, các em không chỉ được học văn hóa, kỹ năng sống, hỗ trợ phục hồi vận động mà còn được học nghề may, tin học văn phòng, trang bị hành trang giúp những trẻ em thiếu may mắn tự tin, hòa nhập cộng đồng và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Hiện nhà trường có 15 máy may công nghiệp; 7 máy tính phục vụ việc học nghề cho các em. Mỗi tuần 2 buổi, các em ở các khối lớp 4, 5 được các cô dạy học nghề với các kỹ năng may cơ bản, sử dụng văn bản trên máy vi tính, tự tin giao tiếp, thể hiện bản thân khi đi làm. Ngoài việc dạy nghề, nhà trường còn liên kết với Trung tâm Yoga tại huyện Giao Thủy cử giáo viên về hướng dẫn học sinh trong trường tập yoga mỗi tuần một buổi để cải thiện chức năng vận động, giúp các em rèn luyện sức khỏe, ổn định tinh thần, tâm lý, bớt đi sự mặc cảm tự ti, hòa nhập cuộc sống. Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, trẻ em khuyết tật được trợ giúp, chăm sóc bằng nhiều hình thức khác nhau như phục hồi chức năng, giáo dục hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, trẻ em tại Trung tâm còn được học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi hoàn thành khóa học; được hỗ trợ phục hồi chức năng ngôn ngữ và thể chất cho đối tượng theo chương trình kế hoạch. Sau khóa học, các em tham gia kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và được tư vấn tìm việc làm khi hết thời hạn học tập. Hàng năm, các hoạt động vui chơi, văn nghệ, tham gia công tác tư vấn xã hội cho trẻ được triển khai đã giúp cho nhiều trẻ em khuyết tật có điều kiện hòa nhập cộng đồng, tự nuôi sống bản thân, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Để chăm lo cho trẻ em khuyết tật, cùng với việc thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các ngành, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ khuyết tật thông qua tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng và tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề tại các xã, phường, thị trấn, câu lạc bộ về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của phụ huynh về quyền được tham gia đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc toàn diện của trẻ em. Mặc dù trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn hẹp, chủ yếu nhờ vào nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, song tất cả các cơ sở chăm sóc dạy nghề cho trẻ khuyết tật đã tạo điều kiện học tập và vui chơi trong môi trường thân thiện, không có bạo lực, đảm bảo tất cả mọi trẻ em đều có cơ hội học tập, phát triển trí tuệ, thể chất và tinh thần. Các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của trẻ em được tổ chức với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành. Trong Tháng hành động vì trẻ em, Tết Thiếu nhi 1-6 và Tết Trung thu đều được các cấp, các ngành tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên học tốt. Qua các hoạt động, các em khuyết tật được thể hiện mình qua những lời ca, tiếng hát, những điệu múa… giúp các em bớt đi những mặc cảm của bản thân tự tin hòa nhập cộng đồng.

Với sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, đến nay, 98% trẻ em khuyết tật trong toàn tỉnh được trợ giúp, chăm sóc bằng các hình thức khác nhau, được phục hồi chức năng, được chú trọng trong giáo dục hòa nhập cộng đồng; 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, không có trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị bóc lột, trẻ em di cư, lánh nạn, tị nạn, giúp các em có thêm ý chí, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com