Đẩy mạnh phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập"

08:09, 13/09/2022

Hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” giai đoạn 2020-2025 do Bộ GD và ĐT phát động, trên nền tảng truyền thống phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” được triển khai từ nhiều năm trước, ngành GD và ĐT tỉnh tiếp tục phát động triển khai phong trào trong toàn ngành nhằm thúc đẩy, khơi dậy tài năng, nhiệt huyết, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục và người học trước những yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế, nhất là đáp ứng việc triển khai các hoạt động giáo dục có nhiều biến động do thiên tai, dịch bệnh. 

Cô và trò Trường Mầm non Bình Minh (Nam Trực) trong một giờ học tô màu.
Cô và trò Trường Mầm non Bình Minh (Nam Trực) trong một giờ học tô màu.

Quá trình thực hiện phong trào, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19, nhưng ngành GD và ĐT tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động cụ thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ CBQL, nhà giáo về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo. Nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo được triển khai để đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” như: Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà trường, chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ để duy trì và củng cố chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi... 

Sở chỉ đạo cán bộ, giáo viên toàn ngành khắc phục khó khăn, sắp xếp thời gian khoa học để vừa công tác vừa học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và giảng dạy. Sở GD và ĐT, các Phòng GD và ĐT cấp huyện đã chọn cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham dự các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT tổ chức; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng dạy sách giáo khoa (SGK) lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 cho CBQL, giáo viên chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT 2018 theo đúng kế hoạch của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT. 

Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” được triển khai sáng tạo gắn với phương châm “4 tốt” (Môi trường giáo dục tốt, Quản lý tốt, Dạy tốt, Học tốt) nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong từng lĩnh vực công tác. Cụ thể: Phát động xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, đảm bảo tốt điều kiện để các cá nhân được phát huy khả năng; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo cho CBQL, giáo viên. Huy động các nguồn lực đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Toàn ngành tích cực thực hiện chuyển đối số, ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học. Đến nay, cơ quan Sở và 100% đơn vị trực thuộc Sở, các Phòng GD và ĐT huyện, thành phố đã triển khai Cổng thông tin điện tử (TTĐT) theo mô hình tập trung và sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số. 100% các văn bản hành chính đi, đến được trao đổi, xử lý qua môi trường mạng (trừ văn bản mật). Việc chỉ đạo, điều hành, thông tin giáo dục đến các đơn vị nhanh chóng, thường xuyên, liên tục. Cổng TTĐT của Sở (https://namdinh.edu.vn) và 100% đơn vị trực thuộc đã được triển khai hiệu quả, cung cấp đầy đủ các nội dung thông tin đến CBQL, giáo viên, nhân viên, người lao động, học sinh và nhân dân; tăng tỷ lệ cung cấp thủ tục hành chính cấp độ 4. Sở ký kết thỏa thuận hợp tác với VNPT và Viettel Nam Định về triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành GD và ĐT Nam Định giai đoạn 2021-2025; thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ngành GD và ĐT, tổ CNTT và chuyển đổi số ngành GD và ĐT, tổ biên tập và truyền thông thông tin; tiếp tục triển khai và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD và ĐT Nam Định; triển khai cập nhật, báo cáo và sử dụng hiệu quả các hệ thống nghiệp vụ về CNTT. Sở đã tiếp nhận và cấp tài khoản Office 365 cho 100% các CSGD phổ thông, tổ chức hội thảo và tập huấn về ứng dụng CNTT vào quản trị nhà trường; tổ chức giới thiệu các nền tảng dạy học trực tuyến, phối hợp với các đơn vị cung cấp và tổ chức tập huấn các nền tảng như OLM, Vioedu, K12online, Office 365,... đến toàn thể các CBQL, giáo viên của các cấp học. Đội ngũ giáo viên đã tích cực ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng chuyên môn; khai thác và sử dụng học liệu điện tử, xây dựng bài giảng điện tử, tổ chức dạy học trực tuyến, tích cực hưởng ứng cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-learning của Sở GD và ĐT và Bộ GD và ĐT. Ngành triển khai kế hoạch xây dựng cộng đồng giáo viên sáng tạo tỉnh Nam Định tham gia mạng lưới giáo viên toàn cầu với 708 CBQL, giáo viên đăng ký tham gia; phối hợp với các chuyên gia của cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam để tổ chức tập huấn, kết nối tổ chức hình thức dạy học xuyên biên giới. Đây là một bước đi lớn trong đổi mới phương pháp dạy học, hội nhập quốc tế trong GD và ĐT, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt trong triển khai chương trình GDPT 2018. Đến nay có 18 lượt CBQL, giáo viên được Microsoft toàn cầu công nhận là Chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft (MIEE).

Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục (CSGD) đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá và tổ chức các hoạt động chuyên môn để duy trì, nâng cao chất lượng GD và ĐT. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các CSGD đã chủ động trong xây dựng kế hoạch, linh hoạt trong khi triển khai các hình thức dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá (trực tiếp, trực tuyến, phối hợp giữa trực tiếp và trực tuyến), đảm bảo các nội dung, kiến thức cốt lõi của chương trình giáo dục, duy trì chất lượng giáo dục. Sở GD và ĐT tổ chức các đợt khảo sát chất lượng (linh hoạt hình thức trực tuyến và trực tiếp) trên toàn tỉnh để từ đó điều chỉnh công tác chỉ đạo dạy và học phù hợp với điều kiện thực tiễn từng đơn vị nhằm đạt hiệu quả cao. Tiếp tục tổ chức hoạt động chuyên môn theo cụm trường (9 cụm trường THPT và các cụm trường trong từng huyện, thành phố theo từng cấp học) để triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn như hội thảo các chuyên đề, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn của giáo viên và giao lưu của học sinh. Thực hiện đổi mới trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh cho học sinh lớp 8, 9, lớp 11, 12; đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. 

Thích ứng với tình hình dịch bệnh, ngành đổi mới tổ chức các cuộc thi, hội thi: Hội thi Hùng biện tiếng Anh tổ chức trên nền tảng Zoom được phát trực tiếp qua kênh Youtube của Sở GD và ĐT, giám khảo chấm trực tuyến từ nhiều nước trên thế giới; cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh (kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến); kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh dành cho học sinh lớp 8, 9 cấp THCS và lớp 11, 12 cấp THPT; kỳ thi nghề phổ thông. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), ứng dụng NCKH trong dạy và học, cụ thể: Chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tổ chức các sân chơi sáng tạo cho học sinh như: Thi sáng tạo KHKT; Ngày hội STEM, dạy học theo chủ đề, sáng tạo trên nền tảng CNTT, Tin học Văn phòng...; khuyến khích CBQL, giáo viên, nhân viên tham gia viết sáng kiến, các giải pháp, các đề tài khoa học. Phong trào viết, nhân rộng sáng kiến kinh nghiệm trong toàn ngành tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh cả số lượng, chất lượng ở các cấp học, ngành học. Việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM tiếp tục được nhiều CSGD quan tâm triển khai; nhiều sản phẩm, giải pháp sáng tạo kỹ thuật của học sinh được đánh giá và đạt thành tích cao trong các cuộc thi KHKT cấp tỉnh, cấp quốc gia...

Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” trong ngành GD và ĐT đang diễn ra sôi nổi, đều khắp, liên tục với những nội dung chỉ tiêu, biện pháp rất cụ thể, mang tính toàn diện, đã tác động mạnh mẽ đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Từ việc thực hiện phong trào, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến. Phong trào đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục trong công tác giảng dạy, giáo dục, quản lý và NCKH, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, rèn luyện, NCKH và khởi nghiệp. Quá trình thực hiện phong trào, bên cạnh các đơn vị vẫn giữ vững truyền thống dạy tốt, học tốt, xuất hiện thêm nhiều đơn vị tiêu biểu: Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc), Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản), Trường THCS Kim Thái (Vụ Bản), Trường THCS Phùng Chí Kiên (thành phố Nam Định), Trường Tiểu học thị trấn Gôi (Vụ Bản), Trường Tiểu học Trần Quang Khải (Mỹ Lộc), Trường Mầm non Xuân Vinh (Xuân Trường), Trường Mầm non Bình Minh (Nam Trực)... Phong trào đã và đang lan tỏa sâu rộng, góp phần đưa giáo dục tỉnh ta giữ vững đơn vị mạnh trong toàn quốc./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com