Vì lợi ích của người lao động là trước hết, trên hết

06:09, 15/09/2022

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. 

Công ty Smart Shirts Hải Hậu tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022.
Công ty Smart Shirts Hải Hậu tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022.

Hoàn thành chi trả hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH): Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 2.456.730 lượt người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, với tổng kinh phí hơn 552 tỷ 887 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP là 1.741.554  lượt người với số tiền hơn 40 tỷ đồng; theo Nghị quyết số 116/NQ-CP là 661.843 lượt người với số tiền hơn 426,6 tỷ đồng... Việc xét duyệt, giải quyết chính sách hỗ trợ được thực hiện đầy đủ, chính xác kịp thời, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo về hưởng sai, trục lợi chính sách. Đặc biệt, Nam Định là một trong những địa phương được Chính phủ đánh giá triển khai quyết liệt, kịp thời chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Đến ngày 31-8-2022, 100% hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà được UBND tỉnh phê duyệt và đã được giải ngân theo quy định, góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động. Nhờ đó, giúp cho doanh nghiệp ổn định lực lượng lao động để thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh doanh nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19. 

Đồng chí Hoàng Đức Trọng, TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg (Quyết định 08) về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, ngày 6-4-2022 UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 156/UBND-VP7 chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai, khẩn trương hỗ trợ người lao động trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh khắc phục khó khăn. Đồng thời UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 275 ngày 25-5-2022 chỉ đạo triển khai thực hiện Công điện số 431/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Để đảm bảo quyền lợi người lao động, Sở LĐ-TB và XH đã chủ động, phối hợp với Ban quản lý các KCN tỉnh rà soát danh sách, dự kiến nhu cầu đối tượng và kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động năm 2022 tại các doanh nghiệp. UBND các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và người lao động thuộc diện được hỗ trợ tiền thuê nhà sớm triển khai thực hiện các thủ tục để kịp thời giải ngân hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà. Đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ngay từ khâu thiết lập hồ sơ, đảm bảo đúng quy định; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động về chế độ chính sách, hồ sơ, trình tự,... thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà; kịp thời phản ánh những vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp, người lao động về các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để xử lý, giải quyết...

Đến nay, toàn tỉnh có 1.518 người, tương ứng với 4.317 lượt người đề nghị hỗ trợ với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2 tỷ 382 triệu đồng. Trong đó, về chính sách hỗ trợ người lao động đang làm việc có 1.291 người (tương ứng 3.869 lượt người), với kinh phí 1 tỷ 934 triệu đồng; hỗ trợ 227 người lao động quay trở lại thị trường lao động (tương ứng 448 lượt người) với tổng kinh phí 448 triệu đồng. Hiện 100% hồ sơ đề nghị hỗ trợ được phê duyệt đã hoàn thành việc giải ngân đến đúng đối tượng. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhìn chung được triển khai nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Một số vướng mắc trong quá trình thực hiện đều được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm phối hợp hướng dẫn cụ thể, kịp thời, không gây phiền hà cho doanh nghiệp và người lao động. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng nhờ đó chính sách được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách. Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đến nay chưa xảy ra khiếu kiện.

Thị trường lao động phục hồi tích cực 

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động, Sở LĐ-TB và XH phối hợp các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố tiến hành các cuộc điều tra “cung” lao động tại các hộ gia đình và “cầu” lao động tại các doanh nghiệp; qua đó, phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền rộng rãi về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời, cung cấp thông tin về nguồn cung lao động cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,022 triệu lao động đang làm việc; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,7%; trên 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 200 nghìn lao động. Có 475 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, với 57.157 lượt việc làm trống, tăng 38.567 việc làm trống so với 6 tháng năm 2021. Về thị trường lao động trong tỉnh, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu là lao động phổ thông với 52.925 việc làm trống, chiếm 92,60%; nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học trở lên là 226 việc làm trống, chiếm 0,4%; nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp là 3.616 việc làm trống, chiếm 6,33%. Các vị trí việc làm cần tuyển dụng chủ yếu là công nhân dệt/may/in/dải vải 30.816 người (chiếm 53,91%); Điện/điện tử/lắp ráp linh kiện điện tử 13.476 người (chiếm 23,58%); còn lại 12.865 người (chiếm 22,51%) là các vị trí thợ kỹ thuật, cơ khí, kiểm hàng, nhân viên kinh doanh Marketting, tổ trưởng chuyền may, kỹ thuật may, y tế, nhân viên thiết kế, kế toán, tư vấn bán hàng, dịch vụ khách hàng, hành chính nhân sự. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu làm việc trong ngành công nghiệp 55.934 người (chiếm 97,86%). Số doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN trong tỉnh là 180 doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp thuê lại nhà xưởng tại KCN), cơ bản vẫn ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Tổng số lao động hiện đang làm việc tại các KCN là khoảng 4,8 vạn người với mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng. Số lao động ngoại tỉnh chiếm trên 11% (khoảng 5.000 người), chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình... Đến 31-8-2022, các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thu hút 183 dự án đầu tư của 160 nhà đầu tư thứ cấp; trong đó có 52 dự án của 48 nhà đầu tư nước ngoài. Tổng số vốn đăng ký khoảng 7.987 tỷ đồng và khoảng 1,043 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 5.246 tỷ đồng, chiếm 65,68% vốn đăng ký và khoảng 700 triệu USD, chiếm khoảng 67,11% vốn đăng ký. Doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN tỉnh 8 tháng đầu năm 2022 đạt 20 nghìn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 670 triệu USD, nhập khẩu đạt 600 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 360 tỷ đồng.

Thời gian tới, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ LĐ-TB và XH, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát, cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động. Sở LĐ-TB và XH chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh về tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm; đề xuất chính sách khuyến khích, đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đa dạng hoá các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; thực hiện chức năng kết nối thông tin giữa người lao động và người sử dụng, hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả, chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng số lao động có việc làm sau tư vấn. Thực hiện hiệu quả công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng dẫn triển khai của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Triển khai thực hiện hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng nghề và tổ chức đánh giá kỹ năng của người lao động phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khuyến khích các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tích cực, chủ động tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng cho người lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com