Lao động tự do chật vật mưu sinh mùa dịch

05:04, 15/04/2022

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết những lao động tự do, nhiều người giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm... Mưu sinh chật vật, đồng tiền kiếm ra ngày càng eo hẹp trong khi giá cả tăng cao, mọi nhu cầu thiết yếu khác như tiền điện, ăn uống, tiền sữa cho con... vẫn diễn ra khiến người lao động tự do vốn khó khăn nay càng thêm khó khăn.

Năm nay nghề buôn bán hoa tươi của nhiều tiểu thương đường Cột Cờ (thành phố Nam Định) gặp khó khăn do sức mua giảm rõ rệt.
Năm nay nghề buôn bán hoa tươi của nhiều tiểu thương đường Cột Cờ (thành phố Nam Định) gặp khó khăn do sức mua giảm rõ rệt.

Anh Đức mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm ở khu vực Cầu Đá, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) từ nhiều năm nay. Khách của anh phần lớn là học sinh, sinh viên và người dân Nam Định sau khi đi xuống xe khách chạy qua Cầu Đá dừng lại để về nhà. Trước đây, mỗi ngày anh kiếm được từ 200-250 nghìn đồng, nhất là những ngày cuối tuần anh làm không hết việc, thu nhập tuy không cao nhưng cũng đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại, có thời gian anh mất hẳn nguồn thu nhập, đời sống đã khó khăn lại càng chật vật hơn. Theo anh Đức, có ngày không chạy được “cuốc” nào nhưng anh vẫn phải ra ngồi vì sợ “mất mối”. Bản thân anh là lao động chính nhưng thu nhập bấp bênh, vợ cũng là lao động may gia công cho cơ sở may quần áo hàng chợ nhưng không đều việc. Thu nhập giảm cũng khiến vợ chồng anh phải tính đến chuyện sử dụng đến số tiền tiết kiệm cuối cùng mà bấy lâu nay dành để phòng thân. Không riêng gì anh Đức, những người làm nghề chạy xe ôm vẫn ngồi lặng lẽ chờ khách ở các góc đường. Người thì ngồi trong các quán nước chuyện trò, người thì tranh thủ ngả lưng ngay trên yên xe, ai cũng trong “tâm thế” mòn mỏi chờ khách.

Chị Thu Hằng từng là nhân viên của một cơ sở làm đẹp trên địa bàn thành phố Nam Định. Ngoài giờ làm việc tại spa, buổi tối chị Hằng còn tranh thủ đến nhà làm thêm cho khách quen là bạn bè, người thân khi có nhu cầu nên thu nhập tương đối ổn định. Hai năm nay do dịch bệnh kéo dài, có thời gian cơ sở làm đẹp phải đóng cửa dài ngày, khách ít cộng với tiền thuê mặt bằng, chi phí mua vật tư làm đẹp tăng cao nên chủ cơ sở đóng cửa để tìm hướng làm ăn khác, chị trở thành người không có việc làm. Bố mẹ là công nhân nghỉ hưu, lương thấp nhưng hàng tháng phải chi cho việc thuốc thang, khám chữa bệnh khá nhiều nên lúc này, chị như “ngồi trên đống lửa”. Với tuổi đời còn trẻ, chị Hằng tính, thời gian tới sẽ học nghề may để xin vào làm công nhân tại khu công nghiệp để đảm bảo việc làm và được hưởng các quyền lợi khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 khiến cho các tiểu thương kinh doanh quần áo, giày dép trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) rơi vào cảnh ế ẩm. Một phần do thu nhập của người dân, một phần do hàng hóa còn tồn đọng nên việc nhập mẫu mã mới cũng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, mọi người vẫn phải buôn bán cầm cự, giảm lượng hàng hóa nhập vào, cố gắng xoay xở giữa mùa dịch… Chị Lan, chủ một shop thời trang cho biết: “Cửa hàng mới mở được vài tháng thì dịch bùng phát lần thứ tư. Bao nhiêu vốn liếng chị em tôi dồn hết vào việc sửa sang, trang trí, mua sắm hàng hóa, đến giờ lượng hàng từ năm trước còn tồn khá nhiều nên ảnh hưởng đến việc nhập mẫu mã mới cho mùa hè năm nay. Mặc dù đã treo biển hạ giá nhưng lượng khách mua cũng khá ít. Tôi đang tính bày ra vỉa hè bán được đồng nào hay đồng đó để thu hồi chút vốn rồi tìm hướng đi khác. Còn em gái tôi thời gian tới sẽ chuyển sang làm đồ ăn sáng để bán kiếm đồng ra đồng vào lo con ăn học”.

Hiện nay, nhiều lao động tự do khác cũng đang phải gồng mình kiếm kế sinh nhai trong hoàn cảnh khó khăn. Họ đa phần không được đào tạo chuyên môn, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, không được chi trả các chế độ phụ cấp... Khi việc làm khó khăn, thu nhập bị giảm sút, nhiều người đã linh hoạt hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm như buôn bán hàng rong, thu gom phế liệu, giúp việc theo giờ, làm phụ hồ... để ổn định cuộc sống. Trong hoàn cảnh khó khăn chung, những lao động tự do xác định tự mình thắt chặt chi tiêu, từng bước vượt qua giai đoạn này. Để chia sẻ một phần khó khăn đó cho người lao động tự do gặp khó khăn trong mùa dịch, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân tặng nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế, dụng cụ bảo hộ lao động, miễn và giảm tiền thuê phòng trọ cho những người lao động chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Một số đơn vị, cá nhân còn nấu ăn, cung cấp suất cơm miễn phí cho người lao động. Những món quà kịp thời đó khiến người lao động tự do khó khăn thêm ấm lòng. Không ít người lao động tự do cho biết, họ đã trải qua các đợt dịch chưa từng có trong cuộc đời nhưng vẫn lạc quan. Chỉ mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi để mọi sinh hoạt trở về quỹ đạo cũ, giúp người lao động nghèo có việc làm, có thu nhập đều đặn để cuộc sống không còn đối diện cảnh lo toan, thiếu hụt./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com