Đa dạng các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em

08:03, 02/03/2022

Toàn tỉnh hiện có trên 463 nghìn trẻ em, chiếm 26% dân số, trong đó có trên 4.800 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo, nhiễm chất độc hóa học…, trên 30 nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Thời gian qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Học sinh Trường Mầm non Trực Nội (Trực Ninh) trong một giờ hoạt động góc.
Học sinh Trường Mầm non Trực Nội (Trực Ninh) trong một giờ hoạt động góc.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể phối hợp xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, chủ động phòng ngừa các nguy cơ gây tổn hại, giảm thiểu thấp nhất trẻ bị bỏ rơi, bị bạo lực, xâm hại tình dục. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội duy trì mô hình “xã, phường phù hợp với trẻ em” và các hành động khẩn cấp hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền tại cộng đồng và trường học về bảo vệ các quyền cơ bản cho trẻ em; thực hiện mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng với phương thức cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương… Ngành Y tế đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, khám, chữa bệnh cho trẻ em, đặc biệt quan tâm đến trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học, nhiễm HIV, bị xâm hại, bạo lực; đồng thời tăng cường truyền thông trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trong mùa dịch, luôn tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em thường xuyên được quan tâm thông qua tuyên truyền công tác giáo dục sức khoẻ, dinh dưỡng cho nhân dân nói chung và chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ, trẻ em nói riêng; định kỳ triển khai Ngày vi chất dinh dưỡng và chiến dịch uống bổ sung vitamin A cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh; chú trọng công tác y tế học đường, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường có học sinh bán trú. Ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng trang bị kiến thức, giáo dục giới tính và kỹ năng sống cho học sinh đang học trong các trường phổ thông để các em có khả năng tự bảo vệ tránh khỏi các nguy cơ bị tai nạn thương tích, bị đuối nước, bị xâm hại, bạo lực và rơi vào các tệ nạn xã hội. Các nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phòng, chống tai nạn giao thông cho trẻ em; tổ chức giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng; các cuộc thi kể chuyện, văn hóa - văn nghệ; các hoạt động hướng về nguồn - tham quan các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho trẻ em... Các trường mầm non đều trang bị khu vui chơi ngoài trời, phù hợp với lứa tuổi để các em được vừa học, vừa chơi. Các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi học ngoại khóa với chủ đề: “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” thu hút nhiều học sinh tham gia. Đoàn Thanh niên tỉnh đã phát động đoàn viên, thanh niên tham gia các đội tình nguyện bảo vệ, chăm sóc trẻ em các xã, phường, thị trấn, hỗ trợ các nguồn lực giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học được trở lại trường; vận động các đoàn viên chia sẻ kỹ năng phòng ngừa, phát hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em trên các trang mạng xã hội... Ngoài ra, các công trình, sân chơi cho trẻ em tại các huyện, thành phố được xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em nhất là dịp nghỉ hè; tổ chức mở các lớp dạy bơi, võ thuật cho thiếu nhi. Công tác truyền thông, vận động xã hội được triển khai rộng khắp, thông qua nhiều kênh thông tin đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, cộng đồng, xã hội đã giúp ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng xâm hại, bạo lực và ngược đãi trẻ em. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 98% trẻ khuyết tật được trợ giúp, chăm sóc bằng các hình thức khác nhau, được phục hồi chức năng, được giáo dục hòa nhập cộng đồng. Nhiều hoạt động trao tặng quà, trao học bổng nhận dịp Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, khai giảng năm học mới được các ngành, đoàn thể, Hội Khuyến học được triển khai hàng năm cùng nhiều hoạt động thiết thực như miễn, giảm học phí, tặng học bổng, sách vở học tập; trẻ mồ côi không nơi nương tựa và trẻ em tàn tật được tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khoẻ… qua đó giúp cho nhiều trẻ em có điều kiện phát triển.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng việc triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từ đó giúp trẻ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trong sáng và lành mạnh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com