Khắc phục trở ngại trong thi hành án tín dụng, ngân hàng

08:08, 13/08/2021

Từ năm 2020 đến nay, các vụ việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng (TDNH) do ngành Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh thụ lý tăng cao cả về việc và về giá trị so với năm 2019 (tăng 34,2% về việc). Tuy nhiên, số việc và giá trị thi hành xong lại chiếm tỷ lệ thấp (đạt 15,4% về việc; đạt 20,4% về tiền), ảnh hưởng đến kết quả công tác thi hành án của tỉnh. 

Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các thành viên Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản tổ chức tiêu hủy những tang vật phạm tội.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các thành viên Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản tổ chức tiêu hủy những tang vật phạm tội.

Nguyên nhân của những vướng mắc, khó khăn trong thi hành án liên quan đến các tổ chức TDNH là do hầu hết các vụ việc có giá trị phải thi hành lớn và tài sản đảm bảo chủ yếu cho khoản vay là các con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là những vụ việc có tính mới nên trong quá trình giải quyết đã gặp không ít khó khăn vướng mắc từ thực tiễn và pháp luật. Cụ thể, do các con tàu là tài sản động, thường xuyên đi đánh bắt xa bờ, có thể cập bến ở nhiều cảng cá nên khi bị thi hành án rất khó xác định. Bản thân các chủ tàu khi đã bị khởi kiện, đến giai đoạn thi hành án thường có thái độ bất hợp tác, tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ thi hành. Nghị định số 17/2018/NĐ-CP đã quy định về việc cho chuyển đổi chủ tàu nhưng trên thực tế các ngân hàng trên địa bàn tỉnh; nhất là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (chi nhánh tại Nam Định) kiên quyết không nhất trí để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chuyển nhượng lại các tàu theo Nghị định số 67 và Nghị định số 17 của Chính phủ mà yêu cầu cơ quan thi hành án phải kê biên, xử lý con tàu để đảm bảo thi hành án. Mặt khác, cơ chế thi hành án là cơ chế phối hợp, trong trường hợp phải áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế khi xác minh được tàu về cập cảng đòi hỏi phải có các thành phần và lực lượng tham gia ngay. Trong khi đó để có lực lượng tham gia phối hợp phải xây dựng kế hoạch cưỡng chế, trong đó, Công an phải xây dựng xong kế hoạch bảo vệ cưỡng chế, tổ chức họp Ban chỉ đạo THADS huyện mới có lực lượng phối hợp tham gia lên mất nhiều thời gian. Việc tổ chức kê biên, xử lý đối với tài sản là tàu cá là hoàn toàn mới; việc cưỡng chế kê biên xử lý tài sản trong thi hành án là sự phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp nên gặp khó khăn. Đặc biệt là việc tìm tổ chức thực hiện việc trông giữ, bảo quản, lai dắt tàu, các biện pháp bảo đảm an toàn khi kê biên, vì tài sản động, có giá trị lớn lại trên biển, việc tìm địa điểm neo đậu… mùa bão gió rất khó trong việc trông coi bảo quản, chưa kể chi phí cho quá trình kê biên xử lý tài sản là rất lớn. Mặt khác do người được thi hành án là ngân hàng, tổ chức tín dụng còn lúng túng trong việc nhận tài sản bán đấu giá để trừ vào khoản phải thi hành án. Một số vụ việc tại địa phương, mặc dù tài sản đảm bảo thi hành án đã giảm giá đã nhiều lần (có vụ giảm đến 7 lần) vẫn không bán được; Chấp hành viên làm việc và yêu cầu ngân hàng nhận tài sản để trừ vào khoản phải thi hành án nhưng ngân hàng đã từ chối không nhận. Do vậy, cơ quan thi hành án bắt buộc phải tiếp tục thực hiện việc giảm giá tài sản. Đặc biệt, hầu hết các vụ việc còn phải thi hành án liên quan đến các tổ chức TDNH là những việc có số tiền phải thi hành án lớn nhưng chưa có điều kiện thi hành án (số tiền chưa có điều kiện/số còn phải thi hành: 349.871.646.000 đồng/474.875.874.000 đồng, chiếm 74%). Nguyên nhân chủ yếu là do ngân hàng trong quá trình khảo sát, thẩm định tài sản khi cho vay chưa đúng (tài sản thế chấp nhỏ hơn nhiều so với hạn mức vay) dẫn đến việc khi cơ quan thi hành án xử lý tài sản thế chấp thì giá trị tài sản không đủ đảm bảo khoản vay, thậm chí khi xác minh nhiều vụ việc còn không có tài sản đảm bảo thi hành án. Do vậy, theo quy định của pháp luật, cơ quan thi hành án buộc phải ban hành quyết định chưa có điều kiện thi hành để theo dõi… Đây là một trong những nguyên nhân chính làm tăng lượng án tồn chuyển kỳ sau của các đơn vị đối với các loại vụ việc này. Chẳng hạn như thi hành Bản án số 26/KDTM-ST ngày 26-3-2015 của Toà án nhân dân Quận 5 (Thành phố Hồ Chí Minh) thì Công ty TNHH Vận tải biển Bắc Luân phải trả cho Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ALCII) số tiền gốc và lãi: 54 tỷ 764 triệu 133 nghìn đồng. Quá trình giải quyết việc thi hành án, Chi cục THADS huyện Hải Hậu đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của Công ty Bắc Luân. Tuy nhiên kết quả xác minh cho thấy: Công ty TNHH Vận tải biển Bắc Luân đã ngừng hoạt động từ năm 2014, không có trụ sở riêng, không có nhà xưởng, không có bất cứ tài sản gì để thi hành án nên đã ban hành quyết định chưa có điều kiện thi hành án. 

Đồng chí Đinh Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: “Để giải quyết những khó khăn, nâng cao kết quả thi hành án TDNH, Cục THADS tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như: Tổ chức hội nghị liên ngành với Viện Kiểm soát nhân dân tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Nam Định; các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh để triển khai công tác phối hợp; thống nhất chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án các vụ việc có liên quan đến hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Chú trọng các biện pháp giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Bên cạnh đó, Cục THADS tỉnh đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; phối hợp hiệu quả với các cơ quan THADS trong tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến TDNH; kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức TDNH cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản bảo đảm, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra. Đồng thời, nếu vụ việc đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì tổ chức TDNH cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo bản án, quyết định có tính khả thi. Trong quá trình thi hành án, tổ chức TDNH cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trong việc giải quyết thi hành án; đẩy mạnh phối hợp trong công tác xác minh, thông báo thi hành án, kê biên và thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Trường hợp tài sản không bán được, đề nghị ngân hàng và các tổ chức tín dụng xem xét có hướng nhận tài sản để đảm bảo thi hành án, vì hầu hết các vụ việc tồn đọng hiện nay đã kê biên, giảm giá nhiều lần không bán được”./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com