Lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo ở Nghĩa Hưng

08:05, 21/05/2021

Huyện Nghĩa Hưng có gần 50% đồng bào theo đạo Công giáo. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng bào Công giáo trong huyện luôn đoàn kết, gắn bó xây dựng quê hương. Các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Xây dựng giáo xứ, giáo họ không ma túy, tội phạm và tệ nạn xã hội”; đặc biệt là công tác hoà giải ở cơ sở đã có sự tham gia tích cực của các chức sắc tôn giáo trong việc vận động giáo hữu, bà con giáo dân thực hiện tốt các quy định, góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong gia đình và cộng đồng, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội. 

Mô hình nuôi cá bống bớp cho hiệu quả cao của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, khu phố 6, thị trấn Rạng Đông.
Mô hình nuôi cá bống bớp cho hiệu quả cao của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, khu phố 6, thị trấn Rạng Đông.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”), phong trào xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến”, các gia đình Công giáo trên địa bàn huyện luôn giữ vững và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, xây dựng gia đình ông bà mẫu mực con cháu hiếu thảo biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ mọi người thực hiện nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Trong 5 năm qua, đã có 90% gia đình đăng ký gia đình văn hóa, cuối năm bình xét được 87% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Hiện ở hầu hết các xứ, họ đạo trong huyện nơi đồng bào Công giáo sinh sống đều được công nhận là làng văn hóa. Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, đã xuất hiện nhiều điển hình bà con giáo dân ứng dụng phương pháp nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình đánh bắt tôm cá bằng lưới rê ven biển; cải tạo ao, đầm nuôi tôm sú, tôm càng xanh, tôm chân trắng, cá bống bớp… Nhiều giáo dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ mô hình sản xuất thủy hải sản. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Rung ở giáo xứ Quần Vinh, ông Trần Văn Thức, giáo xứ Ninh Hải, xã Phúc Thắng; anh Hoàng Văn Tường, anh Nguyễn Văn Sơn, thị trấn Rạng Đông… Anh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ, hiện nay mô hình nuôi cá bống bớp của gia đình anh đang phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 300 hộ dân ở các địa phương. Khi mới xây dựng mô hình, người nuôi cá bống bớp gặp khó khăn về nguồn giống nhưng đến nay cơ sở của anh đã chủ động nghiên cứu và sản xuất giống nhân tạo để chủ động nguồn giống cho sản xuất. Hiện cơ sở của anh Sơn đang sở hữu 3 trại sản xuất với công suất trên 10 triệu con giống/năm. Từ mô hình nuôi cá bống bớp của anh Sơn, nhiều hộ dân đã đầu tư và nuôi thành công cá bống bớp, mang lại hiệu quả thu nhập. Ông Vũ Mạnh Bằng, xã Nghĩa Bình cho biết: “Tôi nuôi cá bống bớp đã nhiều năm nay. Cá bống bớp là giống cá có giá trị dinh dưỡng cao, thịt ngọt, dai và thơm. Hiện cá bống bớp đang là một món ăn đặc sản của nhiều vùng và được cung cấp cho các nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… với sản lượng tiêu thụ bình quân 1,5 tấn một ngày. Ngoài ra lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thời điểm đạt gần 1 tấn/ngày. Xã Nghĩa Lạc có 99,8% đồng bào Công giáo. Để phong trào thi đua yêu nước phát triển, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, tại các thôn, xóm, nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năng động, nhạy bén tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, tập trung trồng các loại cây đáp ứng nhu cầu thị trường, cho giá trị thu nhập cao. Hiện xã có gần 120 hộ phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập bình quân 700-800 triệu đồng/ha/năm. Một số hộ có diện tích trồng nhiều, cho thu nhập cao như hộ ông Nguyễn Hải Hồ có 5 sào, ông Hoàng Văn Hữu có 2,5 sào trồng cây hoa mẫu đơn là cây đang được thị trường ưa chuộng…

Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay toàn huyện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 8 tuyến đường trục huyện với tổng chiều dài 37,9km; đường trục xã với chiều dài 55,25km; 72km đường thôn xóm; 300km đường trục nội đồng; kiên cố hóa 24,6km và các công trình hạ tầng kinh tế biển. Đầu tư xây dựng 34 trường học các cấp với mức đầu tư 156,5 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp và xây dựng mới nhà văn hoá các xã, thị trấn và 283 nhà văn hoá thôn, xóm… Trong quá trình xây dựng NTM có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào Công giáo trong việc hiến đất làm đường giao thông thôn xóm, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở.

Đến nay, người Công giáo trên địa bàn huyện ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng NTM của huyện, nêu cao tinh thần yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, tham gia các phong trào thi đua, thực hiện tốt pháp luật, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần cùng Đảng bộ và chính quyền địa phương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chăm lo ngày một tốt hơn đời sống tín ngưỡng tôn giáo./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com