Xứng đáng với sự tin yêu

08:05, 21/05/2021

Về xã Giao Lạc (Giao Thủy), chúng tôi gặp Trung đội trưởng dân quân tự vệ Trần Văn Trường. Anh không chỉ là điển hình trong phát triển kinh tế mà còn là một Trung đội trưởng dân quân tự vệ tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giúp bà con nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, gắn lao động sản xuất, phát triển kinh tế với giữ vững an ninh trật tự trên biển.

Anh Trần Văn Trường, Trung đội trưởng Dân quân tự vệ xã Giao Lạc (Giao Thủy) chia sẻ kỹ thuật nuôi ba ba (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Anh Trần Văn Trường, Trung đội trưởng Dân quân tự vệ xã Giao Lạc (Giao Thủy) chia sẻ kỹ thuật nuôi ba ba (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Năm 2001 đang là Phó bí thư Chi đoàn xóm 4, xã Giao Lạc khi công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ ở địa phương gặp khó khăn, anh Trần Văn Trường viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Được điều động về Trường Quân sự Quân khu 3, thị xã Chí Linh (Hải Dương), anh nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và được nhận bằng khen cấp Trung đoàn vì những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương. Được cấp ủy tin tưởng, đảng viên chi bộ xóm 4 tín nhiệm, tháng 6-2004 anh được bầu làm Phó Bí thư chi bộ xóm. Ngoài công việc, anh tiếp tục phấn đấu học tập, tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị, được xã cử đi học lớp Trung cấp chuyên ngành Quân sự cơ sở và tiếp tục học chuyên ngành Luật Kinh tế (Đại học Mở - Hà Nội). Với sự nỗ lực phấn đấu, anh được giữ chức Trung đội trưởng Trung đội dân quân tự vệ xã và được tuyển dụng làm công chức văn phòng thống kê. 

Ở cương vị nào, anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với vai trò Trung đội trưởng dân quân tự vệ, anh tham mưu với cấp ủy, chính quyền và Ban CHQS xã thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác dân quân tự vệ; trong đó có Chỉ thị số 04/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ hoạt động trên biển”. Hàng năm, Ban CHQS xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo rà soát lực lượng lao động, phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển làm cơ sở để tổ chức xây dựng lực lượng. Lực lượng dân quân tự vệ ở Giao Lạc được bố trí thành Trung đội, các Tiểu đội dân quân tự vệ. Trên cơ sở tàu, tổ, đội đánh bắt hải sản của ngư dân, Ban CHQS xã tổ chức biên chế phù hợp, bảo đảm có lực lượng dân quân tự vệ biển rộng khắp ở cả tuyến bờ, tuyến lộng và tuyến khơi. Anh thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Ban CHQS xã nâng cao chất lượng và khả năng cơ động sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ biển. Hàng năm, bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, hiệu quả”, công tác huấn luyện đối với lực lượng dân quân tự vệ biển đã được tổ chức bài bản, chất lượng. Nội dung huấn luyện chú trọng giáo dục chính trị tập trung nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; tình hình an ninh tuyến biển; các văn bản pháp luật về biển. Huấn luyện quân sự tập trung vào các nội dung: bắn đạn thật trên biển, phòng chống cháy, chống chìm, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc trên biển, vệ tinh định vị; huấn luyện phòng chống bão, phối hợp với các lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển… Qua kiểm tra đánh giá, chất lượng huấn luyện hàng năm, 100% chiến sĩ dân quân tự vệ được tổ chức huấn luyện, quân số tham gia đạt trên 95%; kết quả huấn luyện 100% đạt yêu cầu, trong đó 80% khá, giỏi trở lên... Cùng với hoạt động huấn luyện chiến đấu bảo vệ vùng biển, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, Trung đội trưởng Trần Văn Trường còn chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ xã Giao Lạc thường xuyên phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an xã, Kiểm lâm tổ chức tuần tra ven bờ và trên biển, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. 

Không chỉ thực hiện tốt vai trò Trung đội trưởng dân quân tự vệ xã, anh Trường còn là một điển hình xây dựng mô hình nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khởi điểm lúc đầu nuôi 300 con trong diện tích ao nuôi khoảng 200m2, đến nay mô hình nuôi ba ba của anh đã phát triển thành 7 ao nuôi, với tổng diện tích 2.000m2; tổng đàn trên 2.500 con. Anh Trường cho biết, dự kiến đến cuối năm, các ao nuôi sẽ thu hoạch khoảng 3 tấn ba ba thương phẩm. Với giá bán trên thị trường từ 280-400 nghìn đồng/kg; bình quân hàng năm trang trại của gia đình anh đã có doanh thu khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí có lãi từ 250-300 triệu đồng/năm.

Với vai trò nòng cốt trong hoạt động trên biển và trên đất liền, anh Trần Văn Trường, Trung đội trưởng dân quân tự vệ xã Giao Lạc thường xuyên phối hợp với các lực lượng cùng nhân dân trong xã bảo vệ vững chắc chủ quyền biển quê hương./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com