Đưa trò chơi dân gian vào các nhà trường

06:05, 07/05/2021

Những năm qua, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh. Không chỉ giúp học sinh tăng cường thể chất, trí tuệ, rèn luyện kỹ năng sống, hoạt động này còn góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống.

Học sinh Trường Mầm non Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) hào hứng khi tham gia trò chơi dân gian.
Học sinh Trường Mầm non Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) hào hứng khi tham gia trò chơi dân gian.

Từ nhiều năm nay Trường Mầm non Thống Nhất (thành phố Nam Định) đã đưa trò chơi dân gian vào hoạt động vui chơi của các cháu. Các trò chơi được linh hoạt lồng ghép vào các tiết học và hoạt động vui chơi ngoài trời hay sau giờ ngủ dậy của trẻ. Thông qua các trò chơi, dưới sự hướng dẫn, sáng tạo của giáo viên, các bé chơi mà học, học mà chơi để phát triển trí tuệ, rèn luyện sự nhanh nhẹn. Ở mỗi lớp, các cháu được tổ chức chơi những trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi nên đều tỏ ra rất hào hứng khi tham gia chơi. Đối với những cháu từ 2-3 tuổi, các cô hướng dẫn chơi những trò chơi dễ nhớ như: “Chi chi chành chành”, “Kéo cưa lừa xẻ”, “Nu na nu nống”...; những cháu lớn hơn thì sẽ chơi các trò chơi: “Mèo đuổi chuột”, “Kéo co”, “Bịt mắt bắt dê”… Những trẻ lớn hơn thì tham gia các trò chơi kéo co, nhảy bao bố… Với phương châm “học mà chơi - chơi mà học”, trò chơi dân gian đã được tổ chức cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, trong lớp và ngoài trời, vừa rèn luyện sức khỏe, sự hào hứng cho trẻ, vừa rèn luyện tính đoàn kết.

Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực), nhiều năm nay đã thực hiện hiệu quả việc đưa trò chơi dân gian vào trường học thông qua việc tổ chức tại các lớp, các khối trong giờ ra chơi hoặc trong các dịp trường tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, mừng Đảng, mừng Xuân, ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)… Qua đó, tạo cho các em sân chơi lành mạnh sau những giờ học căng thẳng; giáo dục tinh thần đoàn kết, thể hiện sự khéo léo, thông minh và đặc biệt là giúp các em rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống. Cô giáo Lê Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các trò chơi như: Chuyền bóng, nhảy dây, kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan… được các em tiếp nhận hào hứng. Việc đưa các trò chơi dân gian vào nhà trường cũng giúp học sinh được sinh hoạt một cách vui tươi, lành mạnh, bảo đảm tính truyền thống, góp phần đưa phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong nhà trường đi vào chiều sâu.

Không giống như các sự kiện khác, tổ chức các trò chơi dân gian trong trường học rất đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém và cũng không kén địa điểm. Không chỉ giúp học sinh được rèn luyện thể chất, các trò chơi dân gian còn góp phần giáo dục kỹ năng sống. Các em tham gia trò chơi thường xuyên có kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tổ chức, tư duy nhanh nhạy hơn. Một số học sinh vốn sống khép mình, ít giao tiếp nhưng khi thường xuyên chơi trò chơi dân gian đã mạnh dạn, tự tin hơn... Với những lợi ích đó, những năm qua, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả việc đưa trò chơi dân gian vào trường học, nhất là ở bậc học mầm non, tiểu học. Những trò chơi dân gian không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, tư duy, sự khéo léo, rèn luyện sức khoẻ mà còn là bài học giúp trẻ hiểu và thêm yêu văn hoá dân tộc cũng như bồi đắp thêm tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Những làn điệu dân ca, hò, vè với những giai điệu mượt mà, êm dịu, những lối gieo vần nhắc nhịp đã nuôi dưỡng tâm hồn, như thổi vào trẻ những tình cảm yêu thương, hình thành những tâm hồn trong sáng. Đến nay, hầu hết các trường mầm non, tiểu học trong tỉnh đã và đang tích cực sưu tầm, đưa trò chơi dân gian vào kế hoạch hoạt động ngoại khóa hoặc nhân các ngày lễ kỷ niệm hàng năm. Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi trường có cách thức, quy mô, thời gian tổ chức khác nhau. Các trò chơi dân gian phong phú về thể loại, nội dung, hình thức thể hiện. Mặc dù có nhiều lợi ích, dễ triển khai nhưng không phải trường nào, lớp nào cũng áp dụng hiệu quả. Tại một số trường còn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường như tài liệu hướng dẫn một số trò chơi hạn chế, nhiều trò chơi đòi hỏi phải có không gian. Ngoài ra, để tổ chức một trò chơi thu hút học sinh tham gia thì người chỉ huy, người phụ trách Đội phải có cách thức tạo sự hứng thú, điều đó không phải trường học nào cũng làm được.

Để duy trì và nhân rộng mô hình trò chơi dân gian vào trường học, các trường cần bố trí không gian phù hợp tăng cường lồng ghép vào các tiết sinh hoạt ngoại khóa, giờ thể dục. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên phụ trách Đội tham khảo thêm nhiều trò chơi mới để tạo nên sự đa dạng, phong phú. Việc duy trì, phổ biến và nhân rộng các trò chơi dân gian trong nhà trường không chỉ tạo sân chơi lành mạnh, thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp các em trau dồi thêm hiểu biết về bản sắc văn hóa của dân tộc./.

Bài và ảnh: Hồng Minh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com