Xây dựng đội ngũ công nhân thời kỳ 4.0

07:04, 30/04/2021

Toàn tỉnh hiện có hơn 153 nghìn người lao động, trong đó lao động nữ chiếm 59,5%; lao động khối hành chính sự nghiệp chiếm 38,9%; lao động khối sản xuất, kinh doanh chiếm 61,1%. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, lực lượng công nhân trong tỉnh năng động, ham học hỏi, thích ứng nhanh với khoa học, công nghệ, với cơ chế thị trường... 

Sản xuất tại Công ty TNHH Viet Power (Hải Hậu).
Sản xuất tại Công ty TNHH Viet Power (Hải Hậu).

Để tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, lao động đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, thích ứng với thời đại 4.0, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho đội ngũ công nhân lao động; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động. Các cấp Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động nâng cao trình độ chuyên môn cho công nhân lao động thông qua việc tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt công nhân được học tập, đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp. Cùng với việc tạo khí thế trong lao động, sản xuất, các cấp Công đoàn trong tỉnh chú trọng thực hiện các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Hàng năm lực lượng công nhân đóng góp hàng trăm ý kiến, sáng kiến cải tiến trên các lĩnh vực sản xuất góp phần giảm cường độ lao động thủ công, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, lợi nhuận cho các đơn vị doanh nghiệp. Điển hình như sáng kiến “Đổi mới trong điều hành và quản lý hệ thống công nghệ thông tin trong công ty, phục vụ tăng năng suất, hiệu quả lao động” của anh Nguyễn Thế Ninh, công nhân Công ty TNHH Việt Pacific Nam Định (Nam Trực). Trước đây, trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy tại Nam Định, công ty đã áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành của công ty. Tuy nhiên, quá trình đưa vào ứng dụng sản xuất, người quản lý Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc quản lý số liệu do việc hiểu sai ngôn ngữ, người phụ trách không cập nhật thông tin về sản phẩm hàng ngày gây ra tình trạng thất thoát nguyên liệu và sản lượng không đảm bảo; trong khi đó công nhân lại không hiểu tiếng và đưa ra các số liệu sai so với thời gian phải cập nhật thông tin; các thông tin không liên thông, thông suốt nên mất sự kiểm soát về sản lượng đầu vào và đầu ra của công ty. Qua thực tế công việc và quan sát kỹ, tính toán, anh Ninh  đã nghiên cứu cần phải có một hệ thống thông tin kiểm soát việc nhập, xuất nguyên liệu và liên thông để tất cả có thể điều hành và quản lý theo tài khoản riêng và đảm bảo về thời gian. Sau khi nghiên cứu, anh Ninh đã tham mưu với lãnh đạo công ty cung cấp cho mỗi người phụ trách một tài khoản của công ty và các thiết bị sử dụng như: máy tính bảng (ipad), máy tính bàn… Việc sử dụng hệ thống đã góp phần kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin bằng sử dụng thiết bị mạng, ipad, tivi để ghi chép các thông số, nhập liệu sản lượng đầu vào tại mỗi truyền may và bộ phận liên quan. Ngoài ra, hàng ngày người phụ trách có nhiệm vụ cập nhật thông tin hàng giờ lên hệ thống bằng ipad. Tại mỗi truyền may sẽ có bảng hiển thị sản lượng, người quản lý có thể biết được và điều chỉnh. Thông qua phần mềm và tài khoản được công ty cung cấp, người sử dụng có thể quản lý được đầu vào, đầu ra của hàng hóa và tại mỗi truyền may, sẽ có 1 ipad để nhập số liệu, ipad này được kết nối với internet nội bộ, vì vậy thường xuyên người quản lý, nhất là quản lý nước ngoài sẽ biết được sản lượng hàng ngày thông qua thiết bị và hệ thống này. Kết quả ứng dụng của sáng kiến góp phần nâng cao hiệu quả lao động và có tính chuẩn xác hơn so với việc nhập liệu thủ công bằng tay mà sản lượng hàng ngày là không chính xác, hiệu quả lao động không cao. Việc áp dụng hệ thống quản lý tại nhà máy đã mang lại hiệu quả sản xuất, kinh tế, các đơn hàng cho công ty tăng lên khi có nhiều khách hàng đánh giá cao về hiệu quả của hệ thống. Sáng kiến “Đổi mới trong điều hành và quản lý hệ thống công nghệ thông tin trong công ty, phục vụ tăng năng suất, hiệu quả lao động” là hệ thống liên thông, thông qua mạng internet nên ứng dụng này rất hiệu quả cả về thời gian lẫn chất lượng đầu vào. Các truyền may, kho nguyên liệu, nhà cắt, các bộ phận liên quan đang ứng dụng hệ thống này để quản lý, tiết kiệm chi phí cho công ty mỗi năm 150 triệu đồng. Hay sáng kiến giá đỡ máy mài treo của anh Nguyễn Văn Huy, phân xưởng Hoàn Thiện, Công ty TNHH Thắng Lợi (thành phố Nam Định) đã thiết kế và chế tạo giá đỡ máy mài treo, hãm chiều lắc ngang của máy, thuận lợi cho người sử dụng, tăng năng suất gấp đôi, nâng cao hiệu quả sản xuất của công ty. Mới đây nhất, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công nhân lao động trong toàn tỉnh đã được gửi đi tham gia chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

Có thể nói, đội ngũ công nhân trí thức ngày càng khẳng định được vị thế, cũng như vai trò trong phát triển lao động, sản xuất, nhiều sáng tạo, giải pháp kỹ thuật được áp dụng hiệu quả. Với sự nỗ lực của các thế hệ công nhân, người lao động trong tỉnh, đã góp phần vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong quý I-2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,56% so với cùng kỳ; tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn quý I ước đạt 570 triệu USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ… Kết quả này đã minh chứng sự đóng góp của giai cấp công nhân đối với sự phát triển của tỉnh./.

 Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com