Hiệu quả từ cuộc thi "Sông sạch - Biển xanh"

08:01, 28/01/2021

Tỉnh ta có đường bờ biển dài 72km, có 4 cửa sông lớn gồm: cửa Ba Lạt sông Hồng, cửa Đáy sông Đáy, cửa Lạch Giang sông Ninh Cơ và cửa Hà Lạn sông Sò. Vườn quốc gia Xuân Thủy với những dải rừng ngập mặn, có vai trò đặc biệt về hệ sinh thái đất ngập nước. Tuy nhiên, tỉnh ta cũng đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa. 

Ban tổ chức trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Sông sạch - Biển xanh”.
Ban tổ chức trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Sông sạch - Biển xanh”.

Để nâng cao nhận thức về ô nhiễm rác thải rắn, rác thải nhựa trên sông, trên biển cho các tầng lớp nhân dân, Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở TN và MT, Tỉnh Đoàn tổ chức Cuộc thi “Sông sạch - Biển xanh”. Sau gần 1 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hàng trăm giải pháp của các tác giả và nhóm tác giả qua hình thức trực tuyến, qua mạng internet ở các vòng thi đầu và trực tiếp thuyết trình bài thi ở vòng thi cuối. Kết quả, Ban tổ chức cuộc thi đã trao 1 giải nhất, 5 giải nhì, 4 giải ba và 1 giải phụ. Các bài thi đã đề xuất các giải pháp đảm bảo tiêu chí về hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý và giảm thiểu rác thải theo dòng chảy từ sông ra biển; tính thiết thực với đời sống, tính độc đáo. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chi cục trưởng, Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN và MT) cho biết: "Để cuộc thi đạt kết quả cao, Ban tổ chức đã phát động sâu rộng đến tất cả cá nhân hoặc nhóm là công dân sinh sống và làm việc tại tỉnh hoặc quê gốc Nam Định, có quan tâm đến bảo vệ môi trường; đặc biệt là nội dung tăng cường hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý và giảm thiểu rác thải theo dòng chảy từ sông ra biển; đồng thời hỗ trợ trong việc viết thuyết minh sáng kiến và hoàn tất thủ tục hồ sơ sáng kiến tham dự cuộc thi”. Cùng với việc đánh giá giải pháp dự thi dựa trên các bản thuyết minh, hội đồng giám khảo còn khảo sát thực tế áp dụng giải pháp. Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, các giải pháp tham gia cuộc thi lần này đã được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư và chuẩn bị khá công phu. Nhiều giải pháp đã thể hiện ý tưởng sáng tạo, độc đáo như: Thiết kế xuồng/bè tái chế an toàn cho cứu nạn, cứu hộ vùng lũ từ nguyên liệu nhựa tái chế. Từ hiện trạng lũ lụt ở miền Trung vẫn đang tiếp diễn một cách khắc nghiệt và khó lường; nước biển dâng, nhiệt độ tăng, mưa nhiều hơn, bão mạnh hơn, lũ lụt bất thường… tập thể chi đoàn 10A4 - Đoàn trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) đã xây dựng dự án xuồng/bè tái chế được làm từ chai nhựa vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa phục vụ được tình trạng lũ lụt ở miền Trung hay thậm chí trong chính những đơn vị trường học. Cách thực hiện thuyền bè tái chế lấy cảm hứng từ những chai nhựa dung tích 1,5 lít được tái sử dụng để làm nên một bộ khung vững chắc cho chiếc thuyền. Bên cạnh đó, số lượng chai nhựa thải ra môi trường ngày càng gia tăng nên việc tận dụng những chai nhựa bỏ đi để làm chiếc thuyền bè góp phần bảo vệ môi trường và cứu hộ cứu nạn. Em Nguyễn Thị Thảo với sáng kiến chậu hoa làm từ vỏ chai nước ngọt nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải ra ngoài môi trường. Với những chậu hoa đẹp, tinh tế, nhiều người không biết những chậu đó được làm từ đâu (?). Đó chính là những vỏ chai nhựa chứa nước ngọt người dân dùng xong thường bỏ rác, bán ve chai. Việc làm ra một chậu hoa đơn giản, gồm các bước: Cắt đôi chai nhựa, sau đó lấy phần đáy, bên trong bỏ đất vào để trồng các loại cây ưa thích. Đặc biệt, giải pháp bảo vệ môi trường từ tổng hợp nhựa sinh học của tác giả Đào Thị Hồng Quyên nhằm giúp xử lý rác thải hữu cơ từ hải sản, tôm cá và giảm lượng nhựa sử dụng. Để tách chiết chitosan từ chitin trong vỏ tôm, tác giả sử dụng HCl và NaOH để khử khoáng và khử protein.

Phối hợp chitosan với các nguyên liệu khác (tinh bột ngô, tinh bột năng), Glycerin và glycerol để tạo thành nhựa sinh học. Đặc điểm nhựa được tạo thành có khả năng đàn hồi tốt, phụ thuộc vào tỉ lệ tinh bột Chitosan và Glycerin; tăng nồng độ Glycerin và tinh bột khiến độ đàn hồi cao, khả năng phân hủy sinh học từ 5 đến 15 ngày. Chitosan làm cứng và bền vật liệu, biến vỏ tôm thành nhựa sinh học, có khả năng phân hủy sinh học. Sản phẩm này vừa giúp tạo động lực cho cộng đồng phân loại rác, vừa giảm lượng nhựa sử dụng...

Tại cuộc thi, 11 giải pháp đạt giải là các công trình sáng tạo hợp lý hóa trong quá trình học tập và lao động. Các giải pháp được ban tổ chức đánh giá cao nhằm tăng cường sự quan tâm, hiểu biết của cộng đồng đối với vấn đề ô nhiễm rác thải rắn, rác thải nhựa theo dòng chảy từ sông ra biển. Đây là cơ hội để thúc đẩy thực hành tốt và lan tỏa những sáng kiến tăng cường hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý và giảm thiểu rác thải theo dòng chảy từ sông ra biển, góp phần quản lý rác thải rắn hiệu quả hơn, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường sông ngòi và môi trường biển./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com