Chuyển biến ở những địa bàn trọng điểm về tệ nạn xã hội

09:01, 27/01/2021

Thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Đến nay, ở những địa bàn trọng điểm về tệ nạn xã hội như xã Yên Bằng (Ý Yên), thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ), thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Công an xã Yên Bằng (Ý Yên) tuyên truyền cho người dân về phòng, chống tệ nạn xã hội.
Công an xã Yên Bằng (Ý Yên) tuyên truyền cho người dân về phòng, chống tệ nạn xã hội.

Xã Yên Bằng có diện tích tự nhiên gần 11km2 với dân số trên 10.800 khẩu; phía tây và nam của xã giáp thành phố Ninh Bình; hệ thống giao thông có tuyến đường thủy nội địa và Quốc lộ 10 đi qua… Đặc điểm địa giới hành chính phức tạp của xã tiềm ẩn nhiều nguy cơ hoạt động của các loại tội phạm như: trộm cắp tài sản, cướp giật, mại dâm, cờ bạc, ma túy... Để đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, xã Yên Bằng đã thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như: “Ba an toàn về an ninh trật tự”, “Camera an ninh”, “Thanh niên thắp sáng niềm tin”, “Cụm giáp ranh an toàn”, “Hòa nhập cộng đồng”, “Tiếng loa an ninh”… Cùng với đó, xã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền như kẻ vẽ pa-nô, áp-phích tuyên truyền về tác hại của tệ nạn xã hội; xây dựng đĩa CD, in sao gửi các cơ sở thôn, xóm; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã về tình hình an ninh trật tự, gương người tốt, việc tốt trong phong trào xây dựng cơ sở thôn, xóm không có tội phạm, không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội. Công an huyện Ý Yên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở xã Yên Bằng thường xuyên tổ chức tuyên truyền tại các địa bàn, các xóm phức tạp về an ninh trật tự về mục đích, nội dung, ý nghĩa của việc thực hiện giải quyết, chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội; thành lập tổ chốt từ 18 giờ đến 2 giờ sáng tất cả các ngày trong tuần tại địa bàn thôn Dinh Tần thường xuyên kiểm soát tình hình an ninh trật tự, các hành vi vi phạm pháp luật… Các đội nghiệp vụ Công an huyện và Công an xã Yên Bằng phối hợp với công an các phường giáp ranh Đông Thành, Bích Đào, Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) trao đổi tình hình, quản lý theo dõi các đối tượng... Bên cạnh đó, công tác đấu tranh trấn áp, xử lý các loại tội phạm được đẩy mạnh. Từ tháng 5 đến tháng 11-2020, trên địa bàn xã Yên Bằng, Công an tỉnh đã bắt và đề nghị truy tố 1 vụ - 1 đối tượng, Công an huyện bắt và đề nghị truy tố 2 vụ - 2 đối tượng về tội chứa mại dâm; Công an tỉnh bắt 1 vụ - 1 đối tượng, Công an huyện bắt 1 vụ - 1 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, Công an xã xử lý hành chính 3 vụ - 3 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy... Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đến nay, xã Yên Bằng không còn tình trạng phức tạp về an ninh, trật tự; không có tổ chức tội phạm lợi dụng địa bàn để ẩn náu, hoạt động.

Còn ở thị trấn Quất Lâm và thị trấn Thịnh Long, mô hình “Đảm bảo quyền của lao động nữ làm công trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn có tệ nạn mại dâm” đạt được nhiều kết quả tích cực. Với đặc thù có bờ biển kéo dài khoảng 3,5km, trên địa bàn 2 thị trấn có 2 khu du lịch nghỉ mát tắm biển Quất Lâm và Thịnh Long được xây dựng từ năm 1997, hiện tại có hơn 100 khách sạn, nhà nghỉ và gần 300 kiốt làm dịch vụ tắm biển và lưu trú. Trung bình mỗi năm có hàng chục vạn khách trong và ngoài tỉnh đến nghỉ mát tắm biển. Tại mỗi địa bàn trên, có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm (khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, quán gội đầu, ki-ốt bán hàng) với số lao động trung bình 3-15 người, chủ yếu là nữ. Trong môi trường làm việc nhạy cảm, bản thân người làm công hiểu biết pháp luật hạn chế, chủ cơ sở kinh doanh tìm mọi cách lách luật để trốn tránh trách nhiệm của người sử dụng lao động... nên nhiều lao động nữ đã không được đảm bảo các quyền lợi của người lao động và luôn là đối tượng có nguy cơ cao bị lợi dụng, lôi cuốn vào hoạt động mại dâm. Để hỗ trợ cho các đối tượng: Người nghiện ma túy, phụ nữ mại dâm, người nhiễm HIV… hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 nhóm đồng đẳng hoạt động. Trong đó, 2 nhóm làm việc hỗ trợ phụ nữ là nhóm Gió Biển trên địa bàn thị trấn Quất Lâm và nhóm San Hô thị trấn Thịnh Long. Các nhóm đặt kế hoạch tiếp cận tới đối tượng đích (nữ lao động làm công trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ), đặc biệt mở rộng tiếp cận thêm đối tượng mới, những người có hành vi nguy cơ cao dễ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục không an toàn, viêm gan B, C và HIV/AIDS... Hai nhóm San Hô và Gió Biển đã phối hợp với Ban quản lý khu du lịch bãi tắm tạo điều kiện kết nối với chính quyền địa phương để thực hiện các hoạt động tiếp cận tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Việc thực hiện mô hình “Đảm bảo quyền của lao động nữ làm công trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn có tệ nạn mại dâm” đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các thành phần tham gia phòng, chống tệ nạn mại dâm, từ đó, phát triển và củng cố được các dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả.

Đồng chí Đỗ Đức Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội tỉnh (Sở LĐ-TB và XH) cho biết: Để đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, thời gian qua, Chi cục phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh tổ chức nhiều buổi truyền thông lưu động về phòng, chống tệ nạn xã hội tại xã Yên Bằng, thị trấn Quất Lâm, thị trấn Thịnh Long. Thực hiện kẻ, vẽ khoảng 50 khẩu hiệu, băng rôn tuyên truyền về phòng chống ma túy, mại dâm. Nghiên cứu xây dựng tài liệu, bài giảng phục vụ công tác truyền thông; xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tác hại do tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm. Từ năm 2018-2020, Chi cục đã tổ chức 8 buổi hội thảo đồng thuận, đối thoại với các đơn vị: Hội Phụ nữ, Trung tâm trợ giúp pháp lý, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm, Trung tâm y tế các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Ý Yên và đại diện chính quyền cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể, tổ trưởng tổ dân phố của 3 địa bàn xã Yên Bằng, thị trấn Quất Lâm, Thịnh Long. Thông qua các buổi hội thảo, nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm tại 3 địa bàn trọng điểm về tệ nạn xã hội có tính khả thi được đề ra và thực hiện. 

Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục chỉ đạo, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa ngành và cấp nhằm tạo sự chuyến biến rõ rệt trong công tác phòng, ngừa, đấu tranh làm giảm tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm, nhất là các địa bàn trọng điểm về tệ nạn xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về phòng, chống ma túy, phòng, chống tệ nạn mại dâm và phòng, chống HIV/AIDS, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com