Góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh phổ thông

08:01, 08/01/2020

Những năm gần đây phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật được hưởng ứng mạnh mẽ trong các trường học và học sinh phổ thông toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tăng cường vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Học sinh các Trường Trung học phổ thông: Nguyễn Huệ, Ngô Quyền (thành phố Nam Định) tham quan Phòng Thực hành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định trong một buổi tư vấn hướng nghiệp.
Học sinh các Trường Trung học phổ thông: Nguyễn Huệ, Ngô Quyền (thành phố Nam Định) tham quan Phòng Thực hành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định trong một buổi tư vấn hướng nghiệp.

Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh phổ thông, ngay từ đầu mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có công văn hướng dẫn triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật tới các đơn vị giáo dục trong toàn tỉnh để hướng tới cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi qua các năm, những dự án, đề tài của học sinh ngày càng đa dạng, phong phú về lĩnh vực nghiên cứu, thể hiện niềm đam mê sáng tạo khoa học, đồng thời mang tính thực tiễn và nhân văn cao. Điều đáng chú ý là những vấn đề nêu ra và giải quyết trong phạm vi các đề tài, dự án đều xuất phát từ thực tế cuộc sống mà các em phát hiện, nhìn nhận được. Các đơn vị có nhiều dự án chất lượng cao như các Trường Trung học phổ thông: A Hải Hậu, Nguyễn Khuyến, chuyên Lê Hồng Phong, Tống Văn Trân; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện: Trực Ninh, Giao Thủy, Vụ Bản và thành phố Nam Định. Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2018-2019 có sự góp mặt của cả 10 Phòng Giáo dục và Đào tạo, 45 trường trung học phổ thông với 105 sản phẩm, thuộc 4 lĩnh vực chính: Nhóm lĩnh vực Tin học và điều khiển (15 dự án); nhóm lĩnh vực Hóa - Sinh - Y học - Môi trường (19 dự án); nhóm lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi (32 dự án); nhóm lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí - Vật lý (39 dự án). So với cuộc thi các năm trước, các em học sinh dự thi khoa học kỹ thuật năm học này thể hiện sự tự tin, vấn đề nghiên cứu được xác định cụ thể hơn, có nhiều ý tưởng sáng tạo; thông qua thuyết minh dự án cho thấy các em đã nắm vững kiến thức để nghiên cứu, vận dụng giải quyết các vấn đề sát với thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Tại cuộc thi cho thấy kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng nghiên cứu khoa học của học sinh đã có những bước tiến rõ rệt, thể hiện ở tiến trình nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu, khảo sát thực trạng, thực nghiệm, phân tích số liệu. Cuộc thi cũng ghi nhận sự nỗ lực, niềm say mê khoa học và sự tận tụy của các thầy cô giáo đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết hướng dẫn học sinh thực hiện dự án. Chính điều đó đã thắp lên ngọn lửa đam mê, khơi nguồn cảm hứng cho học sinh. Một số dự án tiêu biểu như: “Hệ thống cảnh báo va chạm sớm cho các phương tiện giao thông đường thủy đối với cầu Bo - sông Thiên Phái - Yên Chính - Ý Yên - Nam Định” của Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (Ý Yên); “Thiết kế hệ thống cổng trường đóng mở tự động, bán tự động có sử dụng công nghệ bluetooth để làm chìa khóa thông minh” của Trường Trung học cơ sở Trực Đại (Trực Ninh); “Chế tạo thiết bị cảnh báo nguy cơ bị ngạt khí trong xe ô tô” - của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong; “Trợ lý thông minh” - của Trường Trung học cơ sở Bạch Long (Giao Thuỷ). Bên cạnh đó, các đề tài lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi thể hiện được tính mới, đề cập đến các vấn đề xã hội, hành vi nảy sinh, nổi cộm, cấp thiết trong trường học và trong xã hội hiện nay như: “Body - Shame (tự ti về thân thể) và tâm lý học sinh trong Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến”; “Đề xuất một số giải pháp hình thành kỹ năng tự nhận thức góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trường Trung học phổ thông Mỹ Lộc”; “Nghiên cứu giải pháp tư vấn khắc phục khó khăn tâm lý trong giao tiếp với cha mẹ của học sinh trung học phổ thông” của Trường Trung học phổ thông Nam Trực; hoặc những sản phẩm gần gũi, phù hợp nhu cầu thực tiễn “Nghiên cứu chế phẩm viên ngậm giúp giảm căng thẳng, tăng cường trí nhớ chiết xuất từ đinh lăng” - của Trường Trung học phổ thông A Hải Hậu, “Cải tiến sản phẩm massage chân đá muối có sử dụng hồng ngoại và thiết bị bảo vệ an toàn” của Trường Trung học phổ thông Tống Văn Trân (Ý Yên); “Nghiên cứu và chế tạo bếp lửa thông minh dùng trong hộ gia đình” của Trường Trung học cơ sở Kim Thái (Vụ Bản); “Đu quay thả rác” của Trường Trung học cơ sở Trực Cát (Trực Ninh). Đặc biệt, một số dự án đầu tư nghiên cứu sâu, có triển vọng giải quyết vấn đề cấp thiết hiện nay về môi trường, có sự tham gia cố vấn khoa học của giáo sư, tiến sĩ các trường đại học, đó là đề tài: “Chế tạo màng bọc thực phẩm đa năng thân thiện với môi trường thay thế túi nilon từ vật liệu 3D-nano-cellulose và berberin” của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến; dự án có tiềm năng trở thành 1 startup trong tương lai như dự án “Internet kết nối vạn vật hỗ trợ định hướng thông tin người dùng” của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong; dự án “Học nhóm học sinh Trung học cơ sở Nam Định - www.hocnhomnamdinh.net” của Trường Trung học cơ sở Giao Thủy. Ban tổ chức đã lựa chọn 15 sản phẩm tốt nhất vào dự thi vòng chọn sản phẩm dự thi quốc gia. 

Chuẩn bị cho cuộc thi khoa học kỹ thuật năm học 2019-2020 được tổ chức trong tháng 1-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức Ngày hội STEM và cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học. Trong đó, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh được tổ chức từ ngày 7-1 đến ngày 10-1 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định. Mỗi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố, mỗi trường trung học phổ thông công lập là 1 đơn vị dự thi; khuyến khích Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh và các đơn vị ngoài công lập tham gia cuộc thi. Đối tượng dự thi là học sinh đang học lớp 8, 9 trung học cơ sở, học sinh đang học trung học phổ thông có kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực của năm học 2018-2019 từ khá trở lên, tự nguyện tham gia cuộc thi. Mỗi Phòng Giáo dục và Đào tạo tối thiểu 2 dự án dự thi; mỗi trường trung học phổ thông công lập tối thiểu 1 dự án dự thi. Những dự án xuất sắc nhất của từng lĩnh vực được tham dự vòng chọn đội tuyển thi quốc gia. Những dự án đoạt giải cao tại cuộc thi sẽ được Ban Tổ chức lựa chọn tham dự vòng phỏng vấn để chọn ra 2 dự án tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc. 

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật trong học sinh trung học được tổ chức hàng năm đã khuyến khích niềm say mê nghiên cứu khoa học cho học sinh, góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập và phát triển năng lực của học sinh theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi để có kết quả tốt hơn trong những năm tiếp theo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa của cuộc thi khoa học kỹ thuật; nhận thức đầy đủ, toàn diện và thống nhất về công tác nghiên cứu khoa học. Khai thác hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên có năng lực và kinh nghiệm hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; đưa nội dung hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học vào sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm; giao nhiệm vụ, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để định hướng, hình thành ý tưởng về dự án nghiên cứu của học sinh. Phát triển các loại hình câu lạc bộ khoa học kỹ thuật trong các nhà trường nhằm tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm; giúp đỡ học sinh tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu và sản phẩm khoa học vào thực tiễn; rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho hoạt động nghiên cứu, học tập và trong cuộc sống./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com