Khai thác tiềm năng du lịch trải nghiệm nông thôn

08:11, 13/11/2019

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo các vùng quê trong tỉnh; cảnh quan nhiều địa phương được cải tạo đẹp mắt, cơ sở hạ tầng thuận lợi có tiềm năng khai thác phát triển du lịch. Các loại hình du lịch nông thôn đã và đang phát triển chiếm tỷ lệ ngày càng cao với nhiều mô hình tour du lịch hấp dẫn, bước đầu được du khách đón nhận.

Du khách tham gia trải nghiệm tại làng nghề làm kèn đồng Phạm Pháo, xã Hải Minh (Hải Hậu).
Du khách tham gia trải nghiệm tại làng nghề làm kèn đồng Phạm Pháo, xã Hải Minh (Hải Hậu).

Du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch là một trong những dòng sản phẩm du lịch hỗ trợ cho các dòng sản phẩm du lịch chính như: Văn hóa - tâm linh, lễ hội, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển. Du lịch nông thôn được định hướng là các điểm du lịch gắn với nét đặc trưng trong đời sống người dân vùng đồng bằng sông Hồng, các làng nghề, một số địa phương khai thác các sản phẩm nông nghiệp sạch. Khi phát triển du lịch, các địa phương có thêm nguồn lực tiếp tục thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới nhanh, phát triển bền vững, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa gốc của từng vùng. Dự án du lịch Ecohost do Công ty Du lịch sinh thái biển (Hà Nội) làm chủ đầu tư được triển khai tại 2 huyện Giao Thủy, Hải Hậu với các hoạt động du lịch cộng đồng, tham quan di tích lịch sử với các điểm di tích đền, chùa, công trình tôn giáo; du lịch lễ hội; tìm hiểu văn hóa làng nghề; sản phẩm nông nghiệp sạch. Giám đốc điều hành Ecohost Bùi Thị Nhàn cho biết: Xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn độc đáo dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc quê hương Nam Định, mô hình du lịch Ecohost không chỉ mang đến cho du khách những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, mà còn tạo ra những giá trị kinh tế cải thiện đời sống cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hữu hiệu và bền vững. Các sản phẩm du lịch về Nam Định do công ty xây dựng được du khách từ nhiều quốc gia ưa chuộng, đánh giá cao. Năm 2014, công ty triển khai mô hình lưu trú homestay, cũng là mô hình homestay cho khách quốc tế đầu tiên của Nam Định tại huyện Giao Thủy. Ecohost Giao Thủy ra đời là mô hình kết hợp gia chủ đón khách đến ở cùng chủ nhà và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt thực tế của người dân địa phương. Trong thời gian lưu trú tại địa phương, du khách không chỉ đi tham quan, khám phá khung cảnh, những địa chỉ du lịch quanh khu vực mà còn cùng gia đình người dân khám phá ẩm thực địa phương. Qua đó, những đặc sắc về văn hóa được thể hiện trong hoạt động giao lưu giữa người dân với du khách. Cuối năm 2018, Hải Hậu là địa phương tiếp theo triển khai mô hình lưu trú homestay. Khác với homestay Giao Thủy, dự án Ecohost Hải Hậu hội tụ các yếu tố của một cơ sở lưu trú cao cấp với điểm đặc biệt là các ngôi nhà vẫn giữ toàn bộ cấu trúc và vật liệu cổ, có vườn rộng rãi để khách du lịch cảm thấy thư giãn và trải nghiệm không khí gia đình ấm cúng, mang đậm bản sắc địa phương. Hiện tour du lịch nông thôn cung cấp đến du khách 3 dòng sản phẩm chính gồm: “Đường về xứ Đạo” hướng đến đối tượng khách nước ngoài. Với chương trình này, du khách sẽ về thăm nhà thờ Ninh Cường, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh), là nơi đầu tiên đạo Công giáo truyền vào Việt Nam; thăm nhà thờ Hưng Nghĩa, xã Hải Hưng (Hải Hậu) được xây dựng từ năm 1927, nhà thờ Bùi Chu, xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) có lịch sử hơn 130 năm… Sản phẩm “Độc đáo Nam Định”, giới thiệu với du khách những đặc trưng của Nam Định. Ngoài việc trải nghiệm văn hóa khi đạp xe trên con đường làng và đồng quê, du khách sẽ tham quan làng nghề làm kèn đồng Phạm Pháo, nghề mộc Hải Minh; nghề đan lưới đánh cá ở khu nhà thờ đổ Hải Lý; tìm hiểu kiến trúc làng quê những ngôi nhà mái bổi… “Mùa hè hạnh phúc” là sản phẩm hướng tới đối tượng thiếu niên, học sinh trải nghiệm, giáo dục về cuộc sống nông thôn. Chương trình này đưa các em về với vùng quê thanh bình, được đi tắm biển, cùng ngư dân bắt ngao, bắt ốc, tìm hiểu nghề làm nón, làm bánh gai tại Bảo tàng Đồng quê, xã Giao Thịnh (Giao Thủy); hay tìm hiểu nghề làm kèn đồng thủ công và làm quen với giai điệu nhạc kèn từ những bài hát quen thuộc; tham quan cánh đồng muối; kết hợp tổ chức các buổi giáo dục kỹ năng sống…

Việc phát triển du lịch nông thôn tại các làng nghề truyền thống với các chương trình, hoạt động mang nhiều giá trị văn hoá đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có trên 124 làng nghề; trong đó có 17 làng nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm nổi tiếng cả nước; tiêu biểu như: làng trồng hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá, nghề làm đèn ông sao ở Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực); nghề làm nón ở làng Đào Khê, xã Nghĩa Châu và làng Phù Sa Thượng, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng); làng dệt Phương Định, Cự Trữ, ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá (Ý Yên) và các làng nghề làm muối ven biển thuộc các xã Hải Hòa, Hải Lý (Hải Hậu), Bạch Long (Giao Thủy)… Các làng nghề trong tỉnh về cơ bản đã bảo đảm các tiêu chí: Có cảnh quan mang đậm bản sắc làng quê Việt Nam, có nghề truyền thống lâu đời, ngành nghề và sản phẩm làng nghề có tính độc đáo, có hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng tốt, vệ sinh môi trường bảo đảm để xây dựng các tour, tuyến du lịch và thu hút khách du lịch. Từ đó, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp sạch ở một số địa phương, tạo không gian giao lưu giữa du khách với người dân bản địa, các hoạt động trải nghiệm làm nông nghiệp, điểm bán các sản phẩm nông nghiệp sạch, ẩm thực đặc trưng kết hợp với những nét văn hóa truyền thống, tham gia lễ hội dân gian...

Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một giải pháp hai mục tiêu vừa là động lực góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành cần chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của du lịch gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình trang trại, các cơ sở du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế và xây dựng nông thôn mới bền vững./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com